Thông báo hiệu lực Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào

Số hiệu 26/2011/TB-LPQT
Ngày ban hành 09/04/2011
Ngày có hiệu lực 09/04/2011
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Nguyễn Sinh Hùng,Xổm-Xa-Vạt Lêng-Xa-Vắt
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ NGOẠI GIAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 26/2011/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2011

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào giai đoạn 2011 - 2015, ký tại Hà Nội ngày 09 tháng 4 năm 2011, có hiệu lực từ ngày 09 tháng 4 năm 2011.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao lục Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội (để báo cáo);
- Văn phòng Chủ tịch nước (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Phòng Công báo, VPCP (để đăng Công báo);
- Ban Đối ngoại Trung ương;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Các Bộ: Tài chính; Tư pháp; Xây dựng; Giáo dục và Đào tạo; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nội vụ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Lao động-Thương binh và Xã hội; Y tế; Thông tin và Truyền thông; Quốc phòng; Công an;
- Các Cơ quan: Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban dân tộc; Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Ủy ban sông Mê Công;
- Các Ủy ban nhân dân tỉnh: Điện Biên; Sơn La; Thanh Hóa; Hà Tĩnh; Quảng Bình; Quảng Trị; Thừa-Thiên-Huế; Quảng Nam; Kon-Tum;
- Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam;
- Các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam; Dầu khí Việt Nam;
- Đại sứ quán Việt Nam tại Lào;
- Các Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại: Luông-pha-bang; Pắc-xế; Xa-va-na-khét;
- Ủy ban Biên giới quốc gia; Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài; Cục Lãnh sự; Vụ ĐNA-NA-NTBD; Vụ Văn hóa-UNESCO, Bộ Ngoại giao;
- Lưu: LPQT (2).

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Lê Thị Tuyết Mai

 

HIỆP ĐỊNH

VỀ HỢP TÁC KINH TẾ, VĂN HÓA, GIÁO DỤC, KHOA HỌC KỸ THUẬT GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO GIAI ĐOẠN 2011 – 2015

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng nhân dân cách mạng Lào;

Căn cứ nội dung Bản thỏa thuận “Chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào giai đoạn 2011 - 2020”, ký ngày 09 tháng 4 năm 2011 tại Thủ đô Hà Nội, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Nhằm tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (sau đây gọi tắt là hai Bên);

Hai Bên thỏa thuận nội dung, chương trình hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật giữa hai nước giai đoạn 2011 - 2015 như sau:

Điều 1. Vốn hợp tác phát triển

1. Theo đề nghị của Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giúp Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào một khoản viện trợ không hoàn lại trong giai đoạn 2011 - 2015 là 3.100 tỷ đồng Việt Nam để thực hiện các chương trình mục tiêu: (i) Hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; (ii) Nâng cao nhận thức và làm sâu sắc thêm về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế; (iii) Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác; (iv) Hợp tác phát triển và ổn định vùng biên giới hai nước và (v) Thực hiện các chương trình, dự án tại các tỉnh có điều kiện đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ cách mạng trước đây của Lào.

Danh mục các chương trình, dự án sẽ được hai Phân ban Hợp tác hai nước xác định cụ thể tại Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ hàng năm.

2. Hai Bên thỏa thuận tiếp tục trao đổi việc Việt Nam cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi để hỗ trợ phía Lào thực hiện các chương trình dự án có liên quan đến hợp tác hai Bên. Các dự án này sẽ được hai Bên xác định cụ thể bằng các thỏa thuận riêng, thể hiện trong Hiệp định hợp tác hàng năm.

Điều 2. Hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

1. Hai Bên tiếp tục thực hiện Nghị định thư về hợp tác đào tạo cán bộ ký ngày 15 tháng 01 năm 2002.

Phía Việt Nam cấp học bổng đào tạo cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam theo chương trình đại học, sau đại học và bồi dưỡng ngắn hạn (bao gồm quốc phòng, an ninh và con em Việt kiều ở Lào) với số lượng tăng bình quân khoảng 10%/năm được ghi trong Hiệp định hợp tác hàng năm giữa hai Chính phủ.

Phía Lào tiếp nhận đào tạo cán bộ, học sinh Việt Nam sang học chính quy dài hạn tập trung tại Lào theo các chương trình đại học, sau đại học, các ngành, nghề với số lượng tăng bình quân khoảng 10%/năm được ghi trong Hiệp định hợp tác hàng năm giữa hai Chính phủ.

2. Trong khuôn khổ hợp tác về giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, hai Bên thống nhất:

2.1. Coi trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị, quan tâm và dành ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đối với các bậc học dài hạn, ngắn hạn, cán bộ các cấp của các Bộ, ngành, địa phương, cán bộ đang phục vụ chương trình hợp tác và đào tạo nghề phục vụ hợp tác đầu tư giữa hai nước.

2.2. Phối hợp triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020” để làm cơ sở hợp tác hàng năm trên nguyên tắc:

- Thực hiện hợp tác đào tạo, trên nhiều kênh, nhiều hình thức; coi trọng hợp tác đào tạo giữa các địa phương, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp nhằm xây dựng nền tảng mới cho sự phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu hợp tác và phát triển kinh tế của mỗi nước.

- Mở rộng hình thức đào tạo theo nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp, đồng thời hướng tới việc sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ thuật từ năm 2015; tiếp tục khuyến khích đào tạo cán bộ, sinh viên của mỗi bên ở những ngành học và cấp học khác nhau bằng nguồn kinh phí của cá nhân hoặc nguồn kinh phí khác do các tổ chức và các nước khác tài trợ.

2.3. Quan tâm và khuyến khích các địa phương hợp tác đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn các cán bộ cơ sở các cấp làng, bản, huyện và tỉnh của các địa phương dọc biên giới hai nước.

[...]