Thông báo 824/TB-BGDĐT kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Cuộc vận động “Học sinh, sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc luật giao thông” do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 824/TB-BGDĐT
Ngày ban hành 19/11/2009
Ngày có hiệu lực 19/11/2009
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phùng Khắc Bình
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Văn hóa - Xã hội

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 824/TB-BGDĐT

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN VINH HIỂN TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT 2 NĂM THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG “HỌC SINH, SINH VIÊN GƯƠNG MẪU THỰC HIỆN VÀ VẬN ĐỘNG GIA ĐÌNH CHẤP HÀNH NGHIÊM TÚC LUẬT GIAO THÔNG”

Ngày 03 tháng 11 năm 2009, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Cuộc vận động “Học sinh, sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc luật giao thông” trực tuyến tại 2 địa điểm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. Hội nghị có sự tham dự của đại biểu các cơ quan: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; cán bộ phụ trách công tác giáo dục an toàn giao thông của các Sở giáo dục và đào tạo, 150 trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp và phóng viên báo chí.

Sau khi nghe báo cáo sơ kết Hội nghị, ý kiến phát biểu của Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Công an, phát biểu tham luận của đại biểu các sở, các nhà trường, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã kết luận như sau:

Việc bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông là một yêu cầu quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Việc giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên cần phải đảm bảo 2 yếu tố:

- Học sinh, sinh viên có được những kiến thức, hiểu biết cơ bản về kỹ năng tham gia giao thông an toàn, những quy định của luật giao thông để tự phòng tránh tai nạn giao thông cho bản thân và không gây tai nạn giao thông cho người khác.

- Hình thành được thói quen, ý thức tự giác chấp hành nghiêm túc luật giao thông, thể hiện nét đẹp của người có văn hóa khi tham gia giao thông.

Để đạt được các yêu cầu này, trong thời gian tới cần làm tốt một số vấn đề sau:

1. Tăng cường công tác giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên. Các nhà trường cần có kế hoạch cụ thể cho từng năm học, từng khóa học. Chú trọng việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hấp dẫn, sinh động, phù hợp với từng đối tượng học sinh, sinh viên, tập trung sâu vào các chủ đề đã hướng dẫn: Văn hóa giao thông; đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, không lái xe khi có sử dụng chất có cồn; không điều khiển mô tô, xe máy khi chưa có giấy phép lái xe. Thực hiện lồng ghép các nội dung Cuộc vận động vào các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”;

2. Xây dựng kế hoạch cụ thể và chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là gia đình học sinh, sinh viên và lực lượng công an trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Phát huy vai trò của các tổ chức trong trường, đặc biệt là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên, Đội TNTP Hồ Chí Minh để đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông vào các hoạt động thường xuyên của tổ chức Đoàn, Hội, Đội.

3. Gắn với các tiêu chí thi đua từ cơ sở đến ngành để đưa các nội dung Cuộc vận động vào việc kiểm tra, đánh giá theo hướng hợp lý, tự nhiên, có hiệu quả. Định kỳ kiểm tra, đánh giá những mặt đã làm được, những hạn chế còn tồn tại, cần khắc phục, nhân rộng các mô hình tốt, điển hình; kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể làm tốt công tác này, xử lý kỷ luật nghiêm những trường hợp vi phạm, nhắc nhở, thông báo công khai trên toàn trường để răn đe, giáo dục.

4. Rà soát quy định về xử lý học sinh, sinh viên vi phạm quy định về an toàn giao thông để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

5. Đề nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tham gia giao thông an toàn và giữ gìn trật tự an toàn giao thông khu vực cổng trường; ngành Công an thông báo kịp thời về nhà trường những trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm an toàn giao thông để nhà trường có biện pháp giáo dục, quản lý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo để các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các đơn vị thuộc Bộ biết và thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- BT. Nguyễn Thiện Nhân (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để b/c);
- Chủ tịch UBATGTQG (để b/c);
- Bộ GTVT, Bộ CA; TW Đoàn TNCSHCM; Đài THVN;
- Các sở GD&ĐT; các ĐH, HV, trường ĐH, CĐ, TCCN (để t/h);
- Các đơn vị liên quan trong Bộ (để t/h);
- Lưu: VT, Vụ CTHSSV.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ CÔNG TÁC HỌC SINH, SINH VIÊN




Phùng Khắc Bình