Thông báo 8033/TB-BNN-VP về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 8033/TB-BNN-VP |
Ngày ban hành | 06/11/2023 |
Ngày có hiệu lực | 06/11/2023 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Nguyễn Xuân Chinh |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8033/TB-BNN-VP |
Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2023 |
Ngày 03 tháng 11 năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đã tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì, chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất, cung ứng thuốc thú y và vắc xin, hiệp hội có liên quan, Tổ chức USAID và FAO tại Hà Nội và một số cơ quan thông tấn, báo chí.
Sau khi nghe báo cáo của Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, tham luận của Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp về tình hình chăn nuôi, dịch bệnh động vật, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và tình hình sử dụng vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận và chỉ đạo như sau:
Trong 10 tháng đầu năm 2023, ngành Thú y và các địa phương đã cơ bản kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi phát triển bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm và an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, góp phần thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.
Tuy nhiên, một số loại dịch bệnh trong nước đang có chiều hướng gia tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2023 như bệnh DTLCP, Lở mồm long móng (LMLM), Cúm gia cầm (CGC), Viêm da nổi cục (VDNC), Tai xanh, Dại…. Nguyên nhân: (i) Tình hình dịch bệnh động vật trên thế giới và trong khu vực (như bệnh DTLCP, LMLM, CGC, VDNC…) diễn biến rất phức tạp, do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao; (ii) Tình trạng buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia cầm, lợn, trâu bò tại nhiều địa phương chưa được kiểm soát tốt; (iii) Sau một số năm, dịch bệnh động vật trong nước được kiểm soát tốt, nhiều địa phương chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh, chưa chú trọng đến phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, việc tiêm phòng các bệnh cho đàn vật nuôi đạt tỷ lệ rất thấp, không đáp ứng yêu cầu phòng bệnh; (iv) Một số địa phương, doanh nghiệp và người dân chưa thực hiện nghiêm việc giám sát, phát hiện, báo cáo, xử lý dịch bệnh theo quy định, tình trạng bán chạy gia súc, gia cầm nghi mắc bệnh đáng báo động; kết quả giám sát chủ động cho thấy một số loại mầm bệnh như DTLCP, LMLM, CGC, Dại, Nhiệt thán… còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao; (v) Nhiều địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí và các nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; (vi) Thời tiết biến đổi tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gây ra dịch bệnh.
Để chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh động vật trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành và chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người chăn nuôi tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chương trình, Kế hoạch quốc gia, chỉ thị, công điện; trong đó tập trung những nhiệm vụ quan trọng sau đây:
Bộ Nông nghiệp và PTNT giao:
- Cục Thú y: (i) Tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh; (ii) Rà soát, hướng dẫn, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kiểm nghiệm, khảo nghiệm và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, cung ứng thuốc, vắc xin thú y, hóa chất trong phòng, chống dịch bệnh động vật; đồng thời tham mưu chỉ đạo, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, buôn bán, sử dụng thuốc, vắc xin thú y giả, kém chất lượng, chưa được phép lưu hành; (iii) Xây dựng và trình Bộ ban hành Kế hoạch quốc gia về giám sát dịch bệnh, an toàn thực phẩm để bảo đảm yêu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang các nước; (iv) Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.
- Cục Chăn nuôi: (i) Tăng cường phối hợp với các địa phương để kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc tổ chức thực hiện các biện chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm nguồn cung thực phẩm; (ii) Chủ trì, phối hợp và tham mưu các giải pháp về quản lý chăn nuôi, đăng ký trang trại chăn nuôi có khả năng truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Bộ Nông nghiệp và PTNT thông báo để các cơ quan, đơn vị biết và tổ chức thực hiện./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |