Thông báo số 77/TB-BGTVT về việc kết luận của Thứ trưởng thường trực Ngô Thịnh Đức tại cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản tháng 2 năm 2008 do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 77/TB-BGTVT
Ngày ban hành 04/03/2008
Ngày có hiệu lực 04/03/2008
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Văn Công
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------

Số: 77/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC NGÔ THỊNH ĐỨC TẠI CUỘC HỌP GIAO BAN XÂY DỰNG CƠ BẢN THÁNG 2 NĂM 2008

Ngày 14 tháng 02 năm 2008, Thứ trưởng Thường trực Ngô Thịnh Đức đã chủ trì cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản tháng 2 năm 2008 của Bộ Giao thông vận tải. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng, Lãnh đạo và chuyên viên các Vụ Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Khoa học công nghệ, Pháp chế, Hợp tác quốc tế, Tổ chức cán bộ, Vận tải, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Cục Giám định và QLCLCTGT, các Cục quản lý chuyên ngành, Tổ công tác giúp việc Bộ trưởng và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI).

Sau khi nghe Cục Giám định và QLCLCTGT báo cáo về những vấn đề thay đổi biến động về thể chế chính sách năm 2007 và các khó khăn, vướng mắc trong quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông, Vụ Kế hoạch đầu tư báo cáo về những vấn đề liên quan đến dự án BOT và các ý kiến phát biểu của lãnh đạo các thành viên dự họp, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã kết luận như sau:

Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân năm 2008 của Bộ được giao gần gấp đôi so với năm 2007, trong tình hình thực thực tế có nhiều cơ chế chính sách đang hoàn thiện, một số quy định còn chưa thống nhất, phù hợp với chuyên ngành xây dựng giao thông. Trong thời gian qua đã tháo gỡ một phần, tuy nhiên còn nhiều nội dung trong năm 2008 phải tiếp tục kiến nghị tháo gỡ. Đồng thời với việc kiến nghị các vướng mắc về thể chế, chính sách cần tiếp tục khẩn trương triển khai các dự án, chấn chỉnh bộ máy của chủ đầu tư và tăng cường năng lực các chủ thể tham gia trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng các dự án xây dựng giao thông để phấn đấu đạt được kế hoạch năm 2008.

I. CÁC VẤN ĐỀ CẦN THÁO GỠ TRÌNH THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ:

1. Về giá và biến động giá:

Bộ Xây dựng đã có văn bản số 190/BXD-KTTC ngày 28/01/2008 hướng dẫn áp dụng giá vật liệu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể việc áp dụng trong quá trình thanh toán. Các quy định của Nghị định 99/2007/NĐ-CP cũng chưa nêu rõ điều kiện thanh toán khi áp dụng giá vật liệu theo hướng “mở” và giao quyền, trách nhiệm cho các chủ đầu tư.

Do đó cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn được thanh toán theo công thức điều chỉnh giá, cho lấy chỉ số cơ bản vào thời điểm 28 ngày trước ngày mở thầu và được điều chỉnh giá tại các thời điểm thanh toán như đối với các dự án ODA hiện nay, chủ đầu tư chịu trách nhiệm kiểm soát khối lượng được điều chỉnh.

Trong tình hình biến động giá hiện nay, việc áp dụng công thức điều chỉnh giá cũng gặp phải bất cập khi các chỉ số giá xây dựng chưa phản ánh hết những biến động của thị trường, cần tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành liên quan có hướng dẫn phân định rõ 02 khái niệm biến động giá và trượt giá để đảm bảo cho các hoạt động đầu tư xây dựng.

2. Về Ban quản lý dự án

Theo Thông tư số 02/2007/TT-BXD chưa rõ Ban QLDA được thành lập hoặc lựa chọn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư hay thực hiện đầu tư, sẽ gặp phải khó khăn trong quá trình chuẩn bị đầu tư khi không có Ban QLDA để thực hiện.

Cần tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi Thông tư 02/2007/TT-BXD theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời cần sớm chuyển đổi mô hình các Ban QLDA để phù hợp với các quy định hiện hành. Trong giai đoạn chuyển tiếp, cần tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các chủ đầu tư được ký hợp đồng với các Ban QLDA thuộc Bộ.

3. Về chính sách giải phóng mặt bằng

- Để đảm bảo tiến độ dự án, các khu tái định cư phải được thực hiện trước, tuy nhiên hiện nay các địa phương đều chưa chuẩn bị đủ quỹ đất hoặc không có kinh phí để xây dựng trước. Do đó cần đề nghị Nhà nước có kế hoạch cấp hoặc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để tạo đủ quỹ đất dự trữ theo quy hoạch, đảm bảo khi có các dự án của nhà nước đầu tư xây dựng trên địa bàn, địa phương có sẵn đất tái định cư phục vụ các hộ dân bị ảnh hưởng phải di chuyển chỗ ở.

Mặt khác trong thực tế chi phí xây dựng khu TĐC cao hơn chi phí đền bù nên các hộ dân không đủ tiền mua nhà, đất TĐC. Đề nghị phải có chính sách hỗ trợ hoặc trả chậm phần chênh lệch. Ngoài ra để công tác GPMB đi trước một bước, đối với các loại tư vấn, xây dựng phục vụ công tác GPMB cũng cần được áp dụng hình thức chỉ định thầu để rút ngắn thời gian thực hiện.

- Về đền bù di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật, cần tiếp tục đề nghị được bồi thường theo phương thức xây dựng hoàn trả công trình hạ tầng kỹ thuật mới với quy mô tương đương thay thế công trình phải di dời. Trường hợp đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, nguồn kinh phí còn hạn hẹp, khi đền bù các công trình phúc lợi công cộng như trường học, bệnh viện, nhà trẻ v.v… cần có chính sách hỗ trợ thêm để tạo điều kiện ổn định cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng và nâng cao hiệu quả dự án.

- Về chi phí tổ chức thực hiện GPMB, đề nghị được tiếp tục có hướng dẫn cho phép lập dự toán chi phí đối với công trình có tính đặc thù như công trình XDGT.

- Các địa phương phải kiện toàn bộ máy tổ chức làm nhiệm vụ GPMB theo hướng: tổ chức bộ máy chuyên trách (như tổ chức phát triển quỹ đất), có đủ cán bộ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn về các lĩnh vực liên quan đến việc tổ chức GPMB.

- Cần báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên môi trường phối hợp với các Bộ ngành rà soát lại các Nghị định, văn bản quy định, tiếp thu ý kiến của các địa phương là chủ đầu tư tiểu dự án GPMB trực tiếp thực hiện việc này để hoàn chỉnh các quy định trong công tác GPMB; để thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu.

4. Các vấn đề vướng mắc khác về quản lý đầu tư, đấu thầu, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình đã được Cục Giám định và QLCL CTGT các Cục, Vụ trình bày tại hội nghị sẽ phải tiếp tục báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành xem xét giải quyết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng giao thông có những tính chất đặc thù.

II. ĐỂ THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG NÊU TRÊN, THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC NGÔ THỊNH ĐỨC ĐÃ GIAO NHIỆM VỤ CHO CÁC CƠ QUAN THAM MƯU CỦA BỘ NHƯ SAU:

1. Vụ Tài chính:

- Chuẩn bị nội dung làm việc với Bộ Tài chính về chi phí QLDA và chi phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Đề xuất giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến thủ tục thanh toán tại Kho bạc theo phản ánh của một số chủ đầu tư.

2. Cục Giám định và QLCL CTGT:

- Chuẩn bị nội dung để làm việc với Bộ Xây dựng về chi phí thẩm định, chi phí thẩm tra các dự án.

- Có văn bản yêu cầu TEDI về chi phí tư vấn giám sát, định mức, đơn giá công tác khảo sát, định vị mốc để thực hiện cắm cọc GPMB và mốc lộ giới.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ