Thông báo số 578/TB-BGTVT về việc kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu | 578/TB-BGTVT |
Ngày ban hành | 19/12/2007 |
Ngày có hiệu lực | 19/12/2007 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Bộ Giao thông vận tải |
Người ký | Nguyễn Văn Công |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải |
BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 578/TB-BGTVT |
Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2007 |
KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH THANH HÓA
Ngày 15/12/2007, tại Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã làm việc với Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa về tình hình thực hiện các dự án tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đồng chí Lê Thế Bắc phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Lãnh đạo Sở, Ban, ngành tham mưa của tỉnh Thanh Hóa. Về phía Bộ GTVT có đại diện các cơ quan, đơn vị: Vụ Kế hoạch và đầu tư, Cục Giám định & QLCL CTGT, Cục Đường bộ Việt Nam, các Ban QLDA; 18, Đường Hồ Chí Minh và Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa cùng tham dự.
Sau khi nghe Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao đổi về tình hình thực hiện và kiến nghị liên quan đến các dự án hạ tầng giao thông thuộc địa bàn tỉnh; ý kiến phát biểu của các thành viên tham dự, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thống nhất với Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa kết luận như sau:
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị và xã hội việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất quan trọng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn Ngân sách dành cho xây dựng công trình giao thông hết sức hạn hẹp. Để tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn, Chính phủ đã đàm phán với các nhà Tài trợ nước ngoài (như: WB, JBIC…) để vay vốn đầu tư cho các công trình giao thông; Do vậy, trách nhiệm của Bộ GTVT, UBND các tỉnh được ưu tiên sử dụng nguồn vốn vay hết sức nặng nề, cần phải sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả đầu tư và đúng thời hạn cam kết của Hiệp định đã ký kết.
Hiện nay yêu cầu tiến độ của Dự án QL47 rất gấp, nếu công tác GPMB không đạt thì WB sẽ dừng cấp vốn. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa đẩy nhanh tiến độ GPMB đáp ứng tiến độ của Dự án, khẩn trương phê duyệt toàn bộ phương án đền bù GPMB; ban QLCDA 18 thẩm định lại (trong thời gian 7 ngày) và chuyển kinh phí đền bù GPMB để địa phương hoàn thành việc chi trả các hộ dân bị ảnh hưởng trước Tết Nguyên đán 2008; Trước ngày 15/02/2008 bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Ban QLCDA18 và Nhà thầu thi công thực hiện, hoàn thành Dự án trước ngày 30/6/2008.
Yêu cầu Cục Gián định & QLCL CTGT chỉ đạo Ban QLCDA18 khẩn trương tổ chức cuộc họp với Nhà thầu thi công, Tư vấn Giám sát, Tư vấn thiết kế và các bên liên quan để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Yêu cầu Nhà thầu tập trung thiết bị, nhân lực, tài chính, thi công ngay tại các vị trí đã có mặt bằng và các vị trí mới được bàn giao mặt bằng; lập biểu tiến độ thi công chi tiết để đôn đốc, chỉ đạo sát sao, cụ thể; đồng thời gửi Bộ GTVT, UBND tỉnh Thanh Hóa và các huyện liên quan để địa phương tổ chức lực lượng bảo vệ thi công (nếu cần thiết).
2. Dự án đường ngang nối cảng Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh:
Dự án được khởi công từ tháng 12/2004, dự kiến hoàn thành tháng 7/2007. Tuy nhiên, đến nay Gói thầu Đ1 khối lượng thực hiện chỉ đạt 70% và Gói thầu Đ2 đạt 50%; Công tác GPMB còn vướng mắc tồn tại với khối lượng lớn.
Để hoàn thành dự án theo tiến độ đã được điều chỉnh, đề nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ GPMB, khẩn trương phê duyệt toàn bộ phương án đền bù GPMB; Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thẩm định lại (trong thời gian 7 ngày) và chuyển kinh phí đền bù GPMB để địa phương hoàn thành việc chi trả các hộ dân bị ảnh hưởng và bàn giao mặt bằng cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và Nhà thầu thi công trước 15/1/2008; Tiến độ hoàn thành dự án: Đối với đường hoàn thành trước 30/3/2008; cần hoàn thành trước 30/6/2008. Yêu cầu các Nhà thầu tập trung thiết bị, nhân lực, tài chính, thi công ngay khi có mặt bằng; lập biểu tiến độ thi công chi tiết để đôn đốc, chỉ đạo sát sao, cụ thể; đồng thời gửi Bộ GTVT, UBND tỉnh Thanh Hóa và các huyện liên quan để địa phương tổ chức bảo vệ thi công (nếu cần thiết).
3. Dự án xây dựng QL1A, đoạn tránh thành phố Thanh Hóa (BOT):
- Về việc chuyển đổi mô hình Chủ đầu tư từ Công ty TNHH BOT ĐT Thanh Hóa sang Công ty Cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa: Giao Cục Đường bộ Việt Nam hoàn tất các thủ tục trình Bộ xém xét quyết định trước ngày 30/1/2008.
- Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo UBND các cấp, các cơ quan ban ngành, Hội đồng GPMB các địa phương liên quan giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác GPMB và khẩn trương di dời các công trình công cộng bị ảnh hưởng và sớm bàn giao mặt bằng cho Công ty CP BOT tuyến tránh Thanh Hóa.
- Yêu cầu Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng GPMB địa phương, Chủ sở hữu các công trình công cộng khẩn trương di chuyển các công trình bị ảnh hưởng và giải quyết các vướng mắc trong công tác GPMB, hoàn thành dự án trước ngày 30/8/2008 để đưa vào khai thác sử dụng.
Đối với các Dự án; QL47 (Km 31-Km51), đường nối cảng Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh và BOT tuyến tránh Thanh Hóa nếu công tác GPMB và bàn giao mặt bằng không đúng tiến độ nêu trên, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và làm việc với UBND tỉnh đưa các đoạn vướng mắc GPMB nêu trên ra khỏi Dự án.
Giao các Chủ đầu tư (các Ban QLDA: 18, Đường Hồ Chí Minh, Công ty BOT) kiểm tra năng lực Nhà thầu, đề xuất báo cáo Bộ đưa khỏi công trường các Nhà thầu không đủ năng lực, bổ sung Nhà thầu khác để đảm bảo tiến độ của Dự án và xử lý các Nhà thầu vi phạm theo quy định.
4. Dự án tín dụng ngành GTVT cải tạo mạng lưới đường quốc gia (Dự án cầu yếu giai đoạn I):
Đầu tư xây dựng 5 cầu là Cầu Si (QL45) thuộc huyện Yên Định; Cầu Thiều (QL47) thuộc huyện Đông Sơn và Triệu Sơn; Cầu Khe Mục (QL15) thuộc huyện Thọ Xuân; Cầu Cừ (QL1A) thuộc huyện Hà Trung; Cầu Tống Giang (QL1A) thuộc huyện Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn, theo tiến độ dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào Quí I/2008. Hiện tại, ban QLDA Biển Đông đã ký hợp đồng GPMB với Hội đồng GPMB các huyện nêu trên. Tuy nhiên, công tác lập phương án đền bù GPMB, di dời các hộ dân hiện nay triển khai rất chậm. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện có công trình đi qua khẩn trương bàn giao khẩn trương bàn giao mặt bằng thi công cho Dự án đảm bảo tiến độ.
5.1. Đầu tư đường lối QL217 và QL15A (Cành Nàng – Phú lệ): Bộ GTVT đồng ý về nguyên tắc ủng hộ đề xuất của UBND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản gửi Văn phòng Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đề nghị bố trí đầu tư Dự án bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ ủng hộ đề nghị của Tỉnh.
5.2. Việc đề nghị Bộ GTVT đầu tư một số công trình:
- Một số cầu vượt Sông Mã: Đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị bố trí đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách. Bộ GTVT ghi nhận đề xuất của UBND tỉnh và sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu đưa vào danh sách các dự án sử dụng nguồn vốn vay (ODA) trong thời gian tới (nếu có thể).
- Mở rộng tuyến đường từ khu kinh tế Nghi Sơn đi Quỳnh Lưu (đường Đông Hội – Đền Cờn): Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu phương án nối các đường ngang vào khu Kinh tế Nghi Sơn, phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ đề nghị đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách hoặc kết hợp với nguồn vốn của Dự án đường ven biển.
- Mở rộng QL1A, đoạn qua khu Kinh tế Nghi Sơn (Km 368+700 – Km 382+500): Giao Cục Đường bộ Việt Nam lập dự án đầu tư; Trước mắt, kết hợp với khu Kinh tế Nghi Sơn mở rộng khoảng 3-5Km, Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Vụ KHĐT, Vụ Tài chính đề xuất nguồn vốn.
- Nâng cấp đường Hồi Xuân – Tén Tằm: Giao Cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, đánh giá mức độ cần thiết và giải quyết các vấn đề liên quan để tham mưu trình Bộ xem xét quyết định.
- Nâng cấp QL15A (Vạn Mai – Hòa Bình) nối đường Hồ Chí Minh (Ngọc Lặc – Thanh Hóa): Đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Văn phòng Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ; Bộ GTVT đồng ý về nguyên tắc ủng hộ đề xuất của tỉnh và đưa vào danh sách các dự án đường nhánh thuộc dự án đường Hồ Chí Minh.
- Sử dụng nguồn vốn ODA để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, GTNT: Bộ GTVT thống nhất đề xuất của UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ sẽ tiếp tục bố trí nguồn vốn ODA đề cải tạo, nâng cấp các tỉnh lộ, GTNT trên địa phận tỉnh Thanh Hóa khi có dự án mới.