Thông báo 5566/TB-BNN-VP năm 2012 về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần tại hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 5566/TB-BNN-VP
Ngày ban hành 14/11/2012
Ngày có hiệu lực 14/11/2012
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Văn Việt
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5566/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2012

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG DIỆP KỈNH TẦN TẠI HỘI NGHỊ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ NHẬP LẬU GIA SÚC, GIA CẦM QUA BIÊN GIỚI

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới, ngày 26/10/2012 tại thành phố Hà Nội, ngày 31/10/2012 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và ngày 01/11/2012 tại thành phố Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần chủ trì các Hội nghị nêu trên.

Tham dự Hội nghị tại Hà Nội gồm có: Đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng; VP bộ, các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Thú y của 32 tỉnh từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra.

Tham dự Hội nghị tại thành phố Nha Trang gồm có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo Cơ quan Thú y vùng IV và vùng V, lãnh đạo Phân Viện Thú y miền Trung; các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Thú y của các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên.

Tham dự Hội nghị tại thành phố Hồ Chí Minh gồm có: lãnh đạo Cơ quan Thú y vùng VI và vùng VII, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Thú y của các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

Hội nghị đã nghe báo cáo của Cục Thú y và Cục Chăn nuôi; các báo cáo tham luận của các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Giang, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắc Lắc, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Vĩnh Long và thành phố Hồ Chí Minh; ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đã kết luận và chỉ đạo Hội nghị như sau:

1. Năm 2012, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở nhiều nơi tập trung ở các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung bộ và một số tỉnh Tây Nam bộ, dịch xảy ra chủ yếu trên đàn vịt và đã xuất hiện nhánh vi rút cúm gia cầm mới (clade 2.3.2.1 nhóm C) có thể do việc nhập lậu gia cầm qua biên giới (gà đẻ loại và gia cầm giống). Hiện nay, các ổ dịch cúm gia cầm cả nước đã được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ phát sinh các ổ dịch mới là rất cao.

Dịch lở mồm long móng (LMLM) đã giảm nhiều so với năm 2011, dịch chỉ xảy ra ở 7 tỉnh và được khống chế từ cuối tháng 3, tuy nhiên việc tiêm phòng cho đàn gia súc chưa đạt tỷ lệ cao, kể cả Chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh LMLM giai đoạn II; nếu các địa phương không tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, tiêm phòng bổ sung ở vùng có nguy cơ cao, dịch LMLM có thể xuất hiện trở lại bất cứ lúc nào.

Dịch tai xanh đã xảy ra và gây thiệt hại cho đàn lợn ở nhiều nơi trong cả nước, hiện nay cả nước vẫn còn có 06 tỉnh: Đắk Lắk, Phú Yên, Khánh Hòa, Thái Bình, Long An và Sóc Trăng có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày, nguyên nhân xảy ra dịch là do công tác phát hiện dịch chậm, chỉ đạo chống dịch chưa kiên quyết, các tỉnh chưa chủ động sử dụng ngân sách địa phương cho công tác phòng chống dịch và vẫn trông chờ hỗ trợ từ ngân sách của trung ương. Tuy nhiên, một số địa phương đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, chủ động sử dụng nguồn kinh phí của địa phương cho công tác phòng chống dịch, do vậy dịch đã không xảy ra hoặc khi có dịch xảy ra đã được khống chế kịp thời, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

2. Cục Thú y cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán. Dự báo vào thời gian này một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát trở lại do việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm tăng cao, đồng thời người chăn nuôi cũng sẽ tái đàn nhiều;

Công tác phòng chống dịch bệnh cần phải tập trung vào 3 bệnh nguy hiểm là tai xanh, lở mồm long móng và cúm gia cầm, nhất là cần xác định rõ nguồn gốc chủng vi rút cúm gia cầm mới là do sự biến đổi của vi rút hay do từ nhập lậu gia cầm mà có. Tăng cường công tác giám sát, cảnh báo, dự báo dịch bệnh, nhất là đối với các chủng vi rút có biến đổi để có chỉ đạo, khuyến cáo sử dụng vắc xin cho phù hợp và hiệu quả. Chỉ đạo hệ thống thú y các cấp thực hiện nghiêm túc công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển để ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới.

3. Cục Chăn nuôi phối hợp với các địa phương, tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo việc phòng chống nhập lậu gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo đủ cung ứng thực phẩm và giống gia súc, gia cầm, không để xảy ra sốt giá, thiếu thực phẩm từ nay đến Tết Nguyên đán, góp phần giảm thiểu nhập lậu gà đẻ loại và gia cầm giống.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương cần chủ động tăng cường lực lượng kiểm soát tại các trạm, chốt kiểm dịch, đồng thời tham mưu đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí và thành lập các lực lượng liên ngành (bao gồm: Biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường) tổ chức kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến biên giới, các trục lộ giao thông chính, kiên quyết xử lý tịch thu, tiêu hủy, xử phạt hành chính các trường hợp buôn lậu, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

5. Các Cục: Thú y và Chăn nuôi cần phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân không sử dụng các sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch, các sản phẩm loại thải kém dinh dưỡng để từng bước hạn chế nhập lậu và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin thông báo để các đơn vị liên quan biết và phối hợp triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
- Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ thành viên BCĐ;
- Các thành viên BCĐQGPCDCGC;
- Các Sở NN và PTNT, Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố;
- Lưu VT, Cục Thú y.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Văn Việt

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ