Thông báo 53/TB-BGDĐT về kết luận Hội nghị khoa học giáo dục thể chất và y tế trường học lần thứ V – 2009 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 53/TB-BGDĐT
Ngày ban hành 04/02/2010
Ngày có hiệu lực 04/02/2010
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phùng Khắc Bình
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 53/TB-BGDĐT

Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2010

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN HỘI NGHỊ KHOA HỌC GIÁO DỤC THỂ CHẤT VÀ Y TẾ TRƯỜNG HỌC LẦN THỨ V – 2009

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2009 và theo định kỳ hoạt động, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị khoa học giáo dục thể chất và y tế trường học lần thứ V – 2009 vào ngày 16/01/2010 tại trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Về tham dự Hội nghị có PGS.TS. Trần Quang Quý – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại biểu đại diện lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Tổng cục TDTT, Bộ VHTTDL, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Viện Khoa học TDTT và đại diện lãnh đạo, cán bộ, giáo viên của các sở giáo dục và đào tạo, các trường và các nhà khoa học có công trình nghiên cứu. Tham gia Hội nghị có 303 đại biểu, trong đó có 44 sở giáo dục và đào tạo với 83 đại biểu, 190 đại biểu khối các trường đào tạo và 30 đại biểu đại diện cho các bộ, ban ngành Trung ương.

I. KẾT QUẢ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ

1. Tổng số công trình nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục thể chất và y tế trường học tham dự Hội nghị là 76 công trình, trong đó có 03 bài chỉ đạo định hướng phát triển công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, 48 bài khoa học nghiên cứu về công tác giáo dục thể chất, 08 bài nghiên cứu về lĩnh vực y tế trường học và 17 bài khoa học nghiên cứu về y học và tâm sinh lý thể dục thể thao.

2. Trong 76 công trình nghiên cứu được đăng trong kỷ yếu, Hội nghị đã lựa chọn được 16 báo cáo khoa học điển hình về công tác giáo dục thể chất và y tế trường học để báo cáo tại Hội nghị. Các báo cáo đã phản ánh tương đối đầy đủ các mặt của công tác giáo dục thể chất và y tế trường học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

3. Hội nghị được tiến hành trong 01 ngày: buổi sáng, Hội nghị được nghe 06 báo cáo, trong đó có 01 báo cáo định hướng của ngành giáo dục về công tác giáo dục thể chất và y tế trường học đến năm 2020 và 05 báo cáo điển hình về lĩnh vực giáo dục thể chất, y tế trường học và y học tâm sinh lý thể dục thể thao. Buổi chiều, Hội nghị được chia làm 02 Hội đồng (Hội đồng giáo dục thể chất và Hội đồng y tế trường học), tại mỗi Hội đồng được nghe 05 báo cáo điển hình cho mỗi lĩnh vực nghiên cứu và tổ chức thảo luận, trao đổi rất sôi nổi.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả: Hội nghị khoa học giáo dục thể chất và y tế trường học lần thứ V – 2009 đã đạt được nhiều kết quả, các đề tài tham dự Hội nghị có độ tin cậy cao, có tác dụng thiết thực phục vụ cho công tác giáo dục thể chất cũng như công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên, góp phần tích cực trong công tác giáo dục và đào tạo. Các báo cáo đã nêu lên được một số vấn đề cần được quan tâm và giải quyết nhiều vấn đề thiết thực, có ảnh hưởng tích cực tới công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, đặc biệt là sức khoẻ và thể lực cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra có nhiều đề tài còn đề cập đến việc cải tiến nội dung và phương pháp giáo dục thể chất, y tế trường học; nghiên cứu những điều kiện đảm bảo cho công tác giáo dục thể chất và y tế trường học để có thể phát huy tối đa hiệu quả của các công tác này trong công tác giáo dục và đào tạo.

2. Hội nghị khoa học giáo dục thể chất và y tế trường học lần thứ V – 2009 đã có nhiều nét mới, số lượng các đề tài tham dự Hội nghị nhiều và đa dạng, các công trình nghiên cứu không chỉ của các nhà khoa học là cán bộ, giáo viên của các trường chuyên ngành. Hội nghị lần này đã thu hút được nhiều công trình nghiên cứu của cán bộ, giáo viên khối các trường phổ thông cũng như các nhà khoa học của các trường không chuyên ngành. Điều này thể hiện được sự tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học giáo dục thể chất và y tế trường học trong đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành.

3. Tuy nhiên, bên cạnh những nét mới và những kết quả đã đạt được, vẫn cần phải khắc phục một số những mặt tồn tại, chất lượng một số công trình nghiên cứu chưa cao, còn mang nặng tính hình thức. Việc cập nhật thông tin và ứng dụng các phương tiện để tiến hành tổ chức nghiên cứu còn chậm, lạc hậu, có nhiều đề tài vẫn sử dụng các phương tiện để tiến hành nghiên cứu đã cũ và không còn phù hợp. Đây là một điều đặc biệt chú ý đối với việc tiến hành tổ chức nghiên cứu khoa học.

III. ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU

1. Công tác tổ chức tiến hành nghiên cứu khoa học giáo dục thể chất và y tế trường học cần phải gắn với nhu cầu giáo dục và đào tạo ở các nhà trường, các địa phương theo hướng xuất phát từ thực tiễn, cụ thể:

- Cần đẩy mạnh việc nghiên cứu theo hướng cải tiến nội dung, phương pháp giáo dục thể chất và y tế trường học, kết hợp với công tác kiểm tra, đánh giá đối với các hoạt động giáo dục thể chất nội khóa trong các nhà trường.

- Tăng cường hiệu quả, nâng cao chất lượng các hoạt động thể thao ngoại khóa và y tế trường học.

- Các giải pháp về công tác tuyên truyền vị trí, vai trò của giáo dục thể chất và y tế trường học trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là nâng cao nhận thức của các cấp quản lý về công tác giáo dục thể chất và y tế trường học trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên.

- Đẩy mạnh các giải pháp nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác giáo dục thể chất và y tế trường học đáp ứng nhu cầu đổi mới của ngành và đưa giáo dục và đào tạo trở thành lợi thế của phát triển đất nước.

- Tập trung nghiên cứu, xây dựng các mô hình điểm về công tác giáo dục thể chất và y tế trường học tại các bậc học, các địa phương để nhân rộng và phát huy vai trò tích cực của giáo dục thể chất và y tế trường học trong công tác giáo dục và đào tạo.

2. Nghiên cứu khoa học giáo dục thể chất và y tế trường học phải xuất phát từ nhu cầu người học, nhu cầu giáo dục và thực tiễn xã hội.

- Nghiên cứu động cơ, sự ham thích của người học, từ đó đưa ra được giải pháp hữu hiệu trong việc rèn luyện thân thể, chăm sóc sức khỏe; nghiên cứu mối liên hệ giữa rèn luyện thân thể với giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng vận động, kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng xã hội của học sinh,sinh viên; kỹ năng giáo dục, tổ chức hoạt động giáo dục thể chất, y tế trường học của cán bộ, giáo viên.

- Nghiên cứu vai trò, vị trí và mối quan hệ của giáo dục thể chất, y tế trường học với việc gìn giữ nâng cao sức khỏe thể chất của học sinh, sinh viên kết hợp với công tác phòng chống các bệnh tật học đường, ngăn chặn các hiện tượng xấu, các tệ nạn xã hội xâm nhập học đường.

- Gắn giáo dục thể chất, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe cho học sinh sinh viên với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở các trường mầm non, phổ thông và “đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội” ở các trường đào tạo.

3. Phối hợp nghiên cứu giữa nhà trường với viện, cán bộ giáo viên với học sinh, sinh viên, nghiên cứu của Bộ, ngành với địa phương.

- Xác định rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ của các viện, các trường chuyên ngành. Có kế hoạch lâu dài, định hướng công tác nghiên cứu các lĩnh vực cụ thể để ứng dụng trong thực tiễn

- Công tác nghiên cứu khoa học có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan với các địa phương, để xây dựng kế hoạch dài hạn định hướng công tác nghiên khoa học đạt hiệu quả cao.

- Đối với các trường đào tạo không chuyên về lĩnh vực thể thao và y tế, việc nghiên cứu khoa học ứng dụng là chủ yếu.

- Đối với các trường phổ thông, tập trung nghiên cứu ứng dụng tại địa phương trên cơ sở có sự hỗ trợ từ các cơ quan nghiên cứu.

- Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học giáo dục thể chất và y tế trường học cùng với cán bộ, giáo viên hoặc nhóm nghiên cứu độc lập, cá nhân phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành.

[...]