Thông báo số 52/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2006 và triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2007 của Tổng công ty hàng hải Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 52/TB-VPCP
Ngày ban hành 21/03/2007
Ngày có hiệu lực 21/03/2007
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Phạm Viết Muôn
Lĩnh vực Doanh nghiệp

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 52/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2007

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2006 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM 2007 CỦA TỔNG CÔNG TY HÀNG HẢI VIỆT NAM

Ngày 5 tháng 3 năm 2007 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự, chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2006 và triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2007 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Sau khi nghe Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam báo cáo tổng kết công tác năm 2006 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2007 của Tổng công ty, ý kiến phát biểu của lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến kết luận như sau:

1. Về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2006 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam:

- Biểu dương tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, sỹ quan, thuyền viên toàn Tổng công ty đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2006, góp phần tích cực vào sự phát triển ngành Giao thông vận tải và phát triển kinh tế đất nước.

- Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng công ty cần khắc phục một số vấn đề còn tồn tại như: đội tàu biển có quy mô còn nhỏ, tuổi tàu khá cao, cơ cấu đội tàu chưa hợp lý; hạ tầng cảng biển 1 số khu vực đã quá tải về công suất và lạc hậu về công nghệ, chưa có cảng nước sâu, cảng trung chuyển có tầm cỡ khu vực và quốc tế; chưa thiết lập được mạng lưới dịch vụ logistics hoàn chỉnh và đồng bộ; giá dịch vụ hàng hải còn cao. Tổng công ty cần tiếp tục đoàn kết nhất trí, phấn đấu nỗ lực phát huy những thế mạnh của mình để có những bước phát triển mới, xứng đáng với vai trò nòng cốt của ngành Hàng hải Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

2. Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2007 và các đề xuất, kiến nghị của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam:

Tổng công ty cần chủ động rà soát lại quy hoạch, kế hoạch của mình để phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch chung của Ngành; đồng thời có chương trình và giải pháp cụ thể để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới nhằm chủ động tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

a) Về đầu tư phát triển đội tàu vận tải biển:

- Tập trung phát triển đội tàu vận tải biển theo Kế hoạch phát triển Tổng công ty giai đoạn 2006-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với khả năng, nguồn vốn và nhu cầu của thị trường.

- Đối với một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 49/2006/NĐ-CP ngày 18/5/2006 của Chính phủ về đăng ký và mua bán tàu biển: giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét, chỉnh sửa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tự quyết định và chịu trách nhiệm về hiệu quả, bảo đảm quy định của pháp luật.

b) Về đầu tư phát triển và khai thác hạ tầng cảng biển:

- Đối với cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và cảng cửa ngõ Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng (giai đoạn khởi động): Bộ Giao thông vận tải tổ chức thẩm định và phê duyệt Dự án đầu tư theo quy định hiện hành. Giao Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chủ trì huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư Dự án. Tổng công ty phải chủ động nghiên cứu, đề xuất cụ thể về cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư và khai thác 2 cảng trên, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định những vấn đề vượt thẩm quyền,

- Về đề nghị bổ sung, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển tại khu vực Hải Phòng, Đà Nẵng: giao Bộ Giao thông Vận tải xem xét, giải quyết và trình Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. Trước mắt Tổng công ty cần tập trung hoàn thành dự án Nâng cấp cảng Hải Phòng giai đoạn II và dự án xây dựng cảng Đình Vũ theo quy hoạch được duyệt; đồng thời hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định hiện hành để sớm triển khai đầu tư đối với các dự án xây dựng hạ tầng cảng biển đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

- Đối với cảng Cái Lân: Tổng công ty cần chủ động, khắc phục khó khăn, tập trung khai thác có hiệu quả các bến của giai đoạn 1; đồng ý bố trí kinh phí (khoảng 100 tỷ đồng) trong năm 2007 để khởi công Dự án nạo vét luồng cho tàu 40.000 DWT vào cảng. Bộ Giao thông Vận tải làm việc cụ thể với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

- Một số đề nghị liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông khác: Tổng công ty báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét, giải quyết.

c) Về huy động vốn để đầu tư phát triển:

- Căn cứ Chiến lược, Quy hoạch đã được phê duyệt, Tổng công ty cần tính toán nhu cầu và có các giải pháp, phương án, dự án cụ thể để huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước bảo đảm đủ vốn cho đầu tư phát triển.

- Đối với các kiến nghị được vay lại nguồn vốn trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế và Chính phủ bảo lãnh cho Tổng công ty được vay vốn tại các Ngân hàng thương mại quốc tế: giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ.

d) Về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp:

Tổng công ty cần hoàn thành quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên trong năm 2007. Cơ cấu lại tổ chức, hoạt động của Tổng công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con, phát triển Tổng công ty theo hướng trở thành Tập đoàn Hàng hải mạnh trong khu vực, đa sở hữu (trong đó Nhà nước đóng vai trò chi phối), đa ngành nghề (trong đó ngành Hàng hải đóng vai trò chủ đạo).

đ) Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:

Tổng công ty cần có chương trình, kế hoạch cụ thể đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ, phẩm chất và tâm huyết với nghề để xây dựng, phát triển Tổng công ty vững mạnh.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Tổng công ty Hang hải Việt Nam và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg Chính phủ;
- Các Bộ: GTVT, KH&ĐT, TC, QP, CA, NV, TM, TS, LĐ-TB&XH, CN, NN&PTNT, KH&CN, TN&MT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố duyên hải
- Cục hàng hải Việt Nam;
- Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website CP, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ: KTTH, TH, ĐMDN, NC, QHQT, TTBC;
- Lưu: VT, CN(5), 70

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NGHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Viết Muôn