Thông báo 465/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 465/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 22/12/2014 |
Ngày có hiệu lực | 22/12/2014 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Đầu tư |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 465/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO VỀ ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG - TƯ
Ngày 16 tháng 12 năm 2014, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận như sau:
1. Về hoàn thiện khung chính sách đầu tư PPP
Biểu dương Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian qua đã hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy triển khai mô hình PPP, phù hợp với thông lệ quốc tế. Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, sớm hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hai Nghị định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan chủ động xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện đầu tư theo mô hình PPP trong lĩnh vực mình phụ trách để ban hành ngay sau khi Nghị định PPP có hiệu lực. Đối với Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng Nguồn vốn vay ADB, AFD để hỗ trợ chuẩn bị đầu tư dự án PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đẩy mạnh việc soạn thảo để ban hành kịp với hiệu lực của Nghị định PPP.
2. Về nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị dự án PPP
Việc chuẩn bị dự án có ý nghĩa rất quan trọng đến sự thành công của dự án. Hiện nay nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị dự án đã sẵn sàng (Nguồn vốn PDF). Vì vậy, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, lựa chọn một số dự án có khả năng thành công cao để tổ chức triển khai; khi lựa chọn được nhà đầu tư cần thực hiện thu hồi chi phí chuẩn bị dự án để tái tạo nguồn vốn cho chuẩn bị đầu tư các dự án PPP tiềm năng khác.
3. Về đề xuất của Văn phòng Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trong việc thúc đẩy một số dự án tiên phong, tạo động lực cho thực hiện các dự án: đồng ý lựa chọn một số dự án lớn, khả thi (như dự án: điện, đường cao tốc, xử lý chất thải, nước thải) để triển khai. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ liên quan đề xuất cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về danh mục dự án PPP
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương xác định lĩnh vực phù hợp, lựa chọn dự án tiềm năng cao, có khả năng thu hồi vốn, lập danh mục dự án PPP, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với 4 lĩnh vực có nhiều dự án PPP tiềm năng, yêu cầu cụ thể như sau:
+ Bộ Giao thông vận tải chủ động rà soát lại danh mục dự án PPP, lựa chọn dự án cụ thể trong các lĩnh vực như đường bộ cao tốc, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không - sân bay.
+ Bộ Xây dựng chủ động rà soát lại danh mục dự án PPP, lựa chọn dự án cụ thể trong các lĩnh vực như xử lý chất thải rắn, nước thải, cấp nước đô thị.
+ Bộ Công Thương chủ động rà soát lại danh mục dự án PPP, lựa chọn dự án trong các lĩnh vực như năng lượng, chợ đầu mối.
+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động rà soát lại danh mục dự án PPP, lựa chọn dự án cụ thể trong các lĩnh vực như nước sạch nông thôn, thủy lợi nhỏ, trạm bơm, kho chứa, trồng rừng, rừng ngập mặn.
- Các Bộ nêu trên sớm rà soát, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Các Bộ, ngành hướng dẫn, chỉ đạo ngành dọc trong lĩnh vực mình phụ trách tại địa phương để đảm bảo thực hiện dự án PPP xuyên suốt, thống nhất; hàng năm tổ chức kiểm tra các địa phương để kịp thời phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong lập, thực hiện dự án PPP, đặc biệt là mô hình tài chính.
5. Tổng hợp số liệu về các dự án PPP
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương rà soát, tổng hợp, thống kê các nghĩa vụ tài chính của Nhà nước trong các hợp đồng PPP đã ký với nhà đầu tư để nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, ưu đãi bảo đảm đầu tư có hiệu quả; sớm xây dựng cơ chế chung cho toàn quốc; tiếp tục trao đổi với các đối tác phát triển dự án, nhà tài trợ ODA phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thúc đẩy nguồn lực hỗ trợ dự án phù hợp với khung chính sách được ban hành.
- Giao các Bộ khẩn trương thống kê số liệu vốn của các dự án có đóng góp của tư nhân đã triển khai chiếm tỷ lệ bao nhiêu % trong tổng vốn đầu tư toàn ngành (từ trung ương đến địa phương); giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, tổng hợp số liệu từ các Bộ.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo, tăng cường năng lực về PPP; phân cấp nhiều cấp độ đào tạo (ví dụ các khóa học cơ bản, nâng cao...), mời các chuyên gia giỏi quốc tế trong các khóa đào tạo chuyên sâu.
7. Trong năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm tra tình hình triển khai các dự án PPP tại Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |