Thông báo 41/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 41/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 25/01/2017 |
Ngày có hiệu lực | 25/01/2017 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Tiến Dũng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2017 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH BÌNH PHƯỚC
Ngày 02 tháng 01 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước về kinh tế - xã hội năm 2016, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và một số kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Phước trong 20 năm sau khi chia tách tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn và đạt kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực: Quy mô kinh tế tăng gấp 24 lần, thu ngân sách tăng 23,7 lần, thu nhập bình quân đầu người/năm tăng hơn 8 lần so với năm đầu thành lập tỉnh; đã tập trung xây dựng được 13 khu công nghiệp tập trung và nhiều cụm công nghiệp, làng nghề để phát triển công nghiệp; hình thành vùng nông nghiệp tập trung, bước đầu áp dụng thành công một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Năm 2016, trong điều kiện khó khăn chung nhưng Tỉnh vẫn có 22/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; trong đó tổng sản phẩm địa phương tăng 6,6%; tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 33,8% trong cơ cấu kinh tế; xuất khẩu tăng 16,4%.
Chất lượng giáo dục được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) giảm xuống còn 5,65%. Chăm sóc sức khỏe nhân dân, y tế dự phòng được chú trọng. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Quan hệ hợp tác, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị cùng phát triển với Campuchia tiếp tục được tăng cường.
Tuy nhiên, Bình Phước vẫn là tỉnh nghèo, còn khó khăn: Thu nhập bình quân đầu người đạt 42,1 triệu đồng/năm, thấp hơn bình quân chung của cả nước; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính đứng ở mức thấp; số doanh nghiệp còn ít so với bình quân của cả nước. Còn một số vấn đề xã hội bức xúc chưa được xử lý dứt điểm như khiếu kiện, tranh chấp đất đai; tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; chuyển dịch cơ cấu lao động và ngành nghề nông thôn còn chậm; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI:
1. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, tổ chức thử nghiệm và thực nghiệm những đột phá mới về thể chế, chính sách, mô hình tiên tiến trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu là một tỉnh tiên phong đổi mới, phát triển nền nông nghiệp theo hướng thông minh, hữu cơ, chất lượng cao, trong đó tập trung vào sản xuất, chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị và giá trị gia tăng cao, thương hiệu quốc gia, đại diện xứng đáng cho thương hiệu nông nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.
2. Phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, nhất là công nghiệp phục vụ cho mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cùng với đó là bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch; Bình Phước phải là hình mẫu của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho bà con nông dân, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc thiểu số.
3. Cập nhật, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, bao gồm đất có rừng và đất chưa có rừng, từ đó có kế hoạch trồng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với sắp xếp lại nông lâm trường, giải quyết đất cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Xây dựng chương trình, kế hoạch để tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu gắn với quy hoạch có tính đặc thù, tạo lợi thế cạnh tranh, phát triển mạnh doanh nghiệp nông nghiệp, mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao; tăng cường liên kết giữa sản xuất với thị trường, giữa nông nghiệp với công nghiệp và liên kết vùng.
4. Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2017, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh; gương mẫu, đi đầu thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2017; lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên đột phá, tạo động lực, bước chuyển biến mới trong thực hiện chủ đề của năm 2017 “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch 2017 của địa phương.
5. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đề cao kỷ luật, kỷ cương công vụ; phòng chống tham nhũng, lãng phí.
6. Tiếp tục đổi mới giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tăng cường nền tảng và giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, tranh chấp khiếu kiện liên quan đến đất đai, ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu nghèo và các loại tội phạm không để xảy ra các điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự và an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
7. Chuẩn bị đầy đủ, cung cấp kịp thời hàng hóa phục vụ Nhân dân; quan tâm, chăm lo thiết thực cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đón Tết Nguyên Đán Đinh Dậu sắp tới trong không khí vui tươi, đầm ấm, an toàn và tiết kiệm.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường tuần tra biên giới từ vốn trái phiếu Chính phủ: Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý, bảo đảm kết hợp kinh tế với quốc phòng trên địa bàn.
2. Về hỗ trợ đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội các xã biên giới khó khăn: Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xem xét khi sửa đổi, bổ sung danh sách các huyện nghèo được áp dụng chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NĐ-CP giai đoạn 2017 - 2020, trong đó ưu tiên các xã thuộc các huyện biên giới có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về dự án cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số các huyện Bù Gia Mập, Đồng Phú: Thực hiện theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ trong đó có quy định về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, thôn bản đặc biệt khó khăn.
4. Về việc hoán đổi đất dự án trồng cao su thực hiện xây dựng căn cứ hậu phương của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22 tháng 7 năm 2016 về các giải pháp khôi phục rừng bền vững giai đoạn 2016-2020.
5. Về việc thu hồi đất dự án trồng cao su của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 16 và đất dự án trồng cao su của Công ty TNHH MTV cao su Phước Long: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng xử lý để kịp thời giải quyết cho các hộ dân còn thiếu đất sản xuất sớm ổn định cuộc sống.
6. Giao Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét việc thu hồi đất dự án của Công ty TNHH Sản xuất TM-DV B58 (do Ban liên lạc Khối tình báo B58 được giao quản lý trước đây) và Công ty Cổ phần TM-DV Rạng Đông để lập dự án quản lý bảo vệ rừng chăn nuôi dưới tán kết hợp du lịch sinh thái theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
7. Về việc quy hoạch đất lâm nghiệp để thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xác định quy mô, vị trí lập quy hoạch phù hợp; trên cơ sở đó hướng dẫn Tỉnh xây dựng Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trình duyệt theo quy định.
Về việc thu hồi diện tích bán ngập của các hồ thủy điện để thực hiện dự án trồng rừng bán ngập: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan hướng dẫn Tỉnh thực hiện theo quy định, bảo đảm cây rừng chống chịu được trong điều kiện ngập nước và an toàn hồ đập.
8. Về hỗ trợ kinh phí áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển cây điều: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các địa phương trồng điều trọng điểm của cả nước nghiên cứu chương trình tín dụng ưu đãi cho cây điều tương tự như với cây cà phê.
9. Về hỗ trợ vốn đầu tư các tuyến kênh thủy lợi nội đồng: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đề xuất việc hỗ trợ cho Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
10. Về cơ chế thanh toán Dự án đường Minh Hưng - Đồng Nơ đầu tư theo hình thức BT: giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ khẩn trương xử lý. Giao Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tình hình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 02 năm 2017.
Về việc định giá giao phần diện tích đất do Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam giao lại cho tỉnh Bình Phước để nhà đầu tư thực hiện dự án khu dân cư, đối với số vốn còn thiếu thực hiện giao đất khác cho nhà đầu tư thực hiện dự án nông lâm nghiệp: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam xem xét, xử lý theo quy định. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.