Thông báo 393/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 393/TB-VPCP
Ngày ban hành 26/09/2023
Ngày có hiệu lực 26/09/2023
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Cao Huy
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 393/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG LÊ MINH KHÁI TẠI HỘI NGHỊ CỦA CHÍNH PHỦ LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KẾT QUẢ RÀ SOÁT HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Ngày 21 tháng 9 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 101/2023/QH15 của Quốc hội. Tham dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đồng chủ trì Hội nghị, có đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, các thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; tại điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, đại diện các Sở, ban, ngành của địa phương. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp - Cơ quan Thường trực của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ của Thường trực Tổ công tác, ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang bộ và đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái kết luận như sau:

1. Đánh giá chung:

- Ghi nhận Bộ Tư pháp với vai trò Cơ quan Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội đã chủ động phân loại, xây dựng các phụ lục, có văn bản gửi các bộ, ngành, các thành viên Tổ Công tác, tổ chức các cuộc họp với các cơ quan liên quan để phối hợp cho ý kiến đối với kết quả rà soát của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và một số cơ quan, đơn vị có liên quan. Trên cơ sở đó, xây dựng và hoàn thiện Dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.

- Đồng thời, ghi nhận sự cố gắng của các thành viên Tổ công tác; các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

2. Về nội dung của Dự thảo Báo cáo

- Cơ bản nhất trí nội dung, kiến nghị của dự thảo Báo cáo và các Phụ lục kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội do Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị.

Đối với văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập chưa có trong chương trình, kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024, nghiên cứu, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 hoặc đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của các năm tiếp theo.

Đối với các văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu, xử lý hoặc đề xuất xử lý theo chức năng, thẩm quyền quản lý nhà nước của mình. Trường hợp các văn bản này đã có trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trong năm 2023 thì đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; trường hợp các văn bản này không có trong chương trình công tác năm 2023 (việc xử lý không phụ thuộc vào tiến độ sửa Luật), tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bổ sung kế hoạch xây dựng văn bản trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện xử lý ngay trong năm 2023 hoặc đưa vào chương trình năm 2024 (xử lý ngay trong 6 tháng đầu năm 2024). Đối với các nội dung khác cần tiếp tục nghiên cứu, đưa vào chương trình công tác của những năm tiếp theo để xử lý triệt để các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập nhằm kịp thời khắc phục khiếm khuyết của hệ thống pháp luật.

- Cần nghiên cứu việc có một luật sửa các luật để bảo đảm tháo gỡ kịp thời các mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập tại các luật chưa có trong chương trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung.

- Ngoài các vấn đề nêu trên, đối với các kết quả rà soát qua nghiên cứu cho thấy chưa chính xác, hoặc còn có ý kiến khác nhau, tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3. Các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ việc rà soát văn bản theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương cần phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Thường xuyên thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm, yêu cầu, trình tự được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Xác định nhiệm vụ rà soát, xử lý kết quả rà soát là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

- Giao các bộ, cơ quan ngang bộ, các thành viên Tổ công tác phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan, tiếp tục nghiên cứu, rà soát về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình còn ý kiến khác nhau; trường hợp nội dung rà soát chưa chính xác, khó khăn, vướng mắc không phải do quy định của pháp luật thì chủ động hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật; đối với các vấn đề các bộ, cơ quan chưa thống nhất cần chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

- Khẩn trương nghiên cứu, tham mưu xử lý các kết quả rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập tại các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ngay trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 (đối với những văn bản không phụ thuộc vào việc sửa đổi Luật).

- Tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong quá trình hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ; tiếp thu, giải trình các vấn đề có liên quan sau khi có ý kiến của thành viên Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội.

b) Bộ Tư pháp:

- Trên cơ sở kết quả Hội nghị, ý kiến của các Thành viên Tổ công tác, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Tư pháp tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Chính phủ và các Phụ lục kết quả rà soát kèm theo trình Chính phủ trong ngày 26 tháng 9 năm 2023;

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, các cơ quan có liên quan tiếp thu, giải trình các nội dung của Báo cáo sau khi có ý kiến thành viên Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội.

c) Văn phòng Chính phủ:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp lấy ý kiến các thành viên Chính phủ đối với dự thảo Báo cáo của Chính phủ và các Phụ lục kết quả rà soát theo Quy chế làm việc của Chính phủ trước ngày 27 tháng 9 năm 2023.

d) Tăng cường truyền thông, tạo sự đồng thuận của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, tạo môi trường thông thoáng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTgCP (để b/c);
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN; các Vụ, Cục KSTT;
- Lưu: VT, PL(2).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Cao Huy

[...]