Thông báo 385/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 385/TB-VPCP
Ngày ban hành 21/11/2012
Ngày có hiệu lực 21/11/2012
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Văn Trọng Lý
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 385/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2012

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2010 - 2020

Ngày 08 tháng 11 năm 2012, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Tham dự cuộc họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và các đồng chí cố vấn Ban Chỉ đạo Trung ương.

Sau khi nghe Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo kết quả sơ kết 02 năm triển khai Chương trình và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo số 169/TB-VPCP ngày 09 tháng 5 năm 2012 và Thông báo số 243/TB-VPCP ngày 10 tháng 7 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ, ý kiến phát biểu của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có ý kiến kết luận như sau:

1. Sau hơn 02 năm, nhất là trong năm 2012, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; nhận thức về xây dựng nông thôn mới của cán bộ và người dân đã có chuyển biến tích cực. Chương trình đang dần trở thành phong trào sâu rộng trong cả nước, huy động cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương vào cuộc, được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhiều địa phương đã chủ động huy động nguồn lực tại chỗ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể của Chương trình; nhiều nội dung của Chương trình đã được triển khai thực hiện có kết quả bước đầu, trong đó 68% tổng số xã của cả nước đã có quy hoạch được phê duyệt; nhiều xã ở các địa phương đạt thêm các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Một số tỉnh như: Tuyên Quang, Thái Bình, Hà Tĩnh... đang trở thành những điểm sáng về xây dựng nông thôn mới với những cách làm chủ động, sáng tạo. Một số đoàn thể đã tích cực tham gia vận động thực hiện các nội dung cụ thể của xây dựng nông thôn mới phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại như: Việc hoàn thiện, bổ sung và ban hành cơ chế, chính sách của một số Bộ, ngành cũng như nhiều địa phương còn chậm so với yêu cầu; nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân nông thôn về Chương trình ở một số nơi còn chưa đầy đủ và chưa thực sự chủ động; tiến độ thực hiện công tác quy hoạch chung ở một số địa phương duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, miền núi phía Bắc còn chậm; nhiều đồ án quy hoạch đã được phê duyệt nhưng chất lượng còn thấp; (số xã đã hoàn thành đề án nông thôn mới còn thấp), nhiều đề án phát triển sản xuất còn sơ sài, thiếu tính khả thi; việc huy động nguồn lực thực hiện Chương trình đang gặp khó khăn; một số địa phương có điều kiện về nguồn nhân lực nhưng kết quả triển khai Chương trình còn hạn chế.

2. Một số nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2012 và chuẩn bị cho triển khai kế hoạch 2013.

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2012 và chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện nhiệm vụ chương trình năm 2013, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện những nhiệm vụ sau đây:

a) Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới. Các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương phải bố trí thời gian và thời lượng thích hợp để phát sóng chuyên mục về xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung tuyên truyền phổ biến những mô hình thành công, cách làm hay ở các địa phương.

b) Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam cùng với các chương trình với thời lượng truyên truyền về nông thôn mới hiện có, cần tăng cường và mở thêm các chuyên mục về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Chương trình ở các địa bàn, khu vực, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng đồng bào còn nhiều khó khăn.

c) Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn các địa phương kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh những hạn chế, khiếm khuyết trong công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đảm bảo nâng cao chất lượng; trực tiếp hỗ trợ các địa phương triển khai chậm để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới; các Bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra và hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương quy hoạch các nội dung chuyên ngành.

d) Các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách theo nhiệm vụ đã được giao tại Thông báo số 169/TB-VPCP ngày 09 tháng 5 năm 2012 và Thông báo số 243/TB-VPCP ngày 10 tháng 7 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ (bao gồm cả văn bản hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa cho xây dựng nông thôn mới). Thời hạn hoàn thành: Tháng 12 năm 2012.

đ) Về bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình từ ngân sách nhà nước: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài chính bố trí đủ nguồn vốn để hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình cho năm 2013 và giai đoạn 2013 - 2015, đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ cho năm sau phải cao hơn năm trước, có thể xem xét ứng trước nguồn ngân sách để hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình. Trong đó, lưu ý bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp cho 11 xã điểm thuộc Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới của Ban Bí thư khóa X và các xã được lựa chọn xây dựng mô hình nông thôn mới theo chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước.

Về việc thanh quyết toán nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trực tiếp cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2012: Giao Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành văn bản cho phép các Bộ, ngành, các địa phương được phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân và thanh quyết toán sang năm 2013.

e) Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ đầu tư phát triển địa phương; Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục ưu tiên cho vốn vay ưu đãi cho xây dựng nông thôn mới.

Từ năm 2013, các cấp ngân sách địa phương (tỉnh, huyện) phải ưu tiên cân đối chi ngân sách hàng năm cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để đảm bảo ổn định trong kế hoạch hàng năm. Giao Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất tỷ lệ tối thiểu của ngân sách các cấp bố trí trực tiếp cho Chương trình.

g) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch tổ chức các hội thi về văn nghệ, thể thao quần chúng theo từng vùng miền để triển khai từ năm 2013.

3. Về công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình:

a) Về bộ máy giúp việc cho Ban Chỉ đạo Chương trình, thống nhất thành lập Văn phòng Điều phối cấp tỉnh. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có Văn phòng Điều phối phải khẩn trương thành lập trong năm 2012, trong đó lưu ý bố trí một số cán bộ chuyên trách trên cơ sở cân đối tổng biên chế hiện có của địa phương; ở cấp huyện, bố trí ít nhất 02 cán bộ chuyên trách theo dõi Chương trình nông thôn mới.

b) Về phương pháp chỉ đạo triển khai ở địa phương: Ban Chỉ đạo các cấp có văn bản hướng dẫn, phân công rõ trách nhiệm thực hiện từng tiêu chí, từng chỉ tiêu cho cấp xã, cấp thôn và hộ gia đình, quy định cụ thể những tiêu chí ưu tiên có thể triển khai ngay mà không đòi hỏi nhiều nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách. Mỗi đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội chủ động lựa chọn một số tiêu chí cụ thể để vận động thành viên thực hiện.

c) Để chuẩn bị tổ chức Hội nghị Sơ kết 2 năm và năm 2012, triển khai Kế hoạch năm 2013 (dự kiến vào tháng đầu quý I năm 2013), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị báo cáo tổng hợp đánh giá kết quả 2 năm và năm 2012. Ban Chỉ đạo các cấp nghiêm túc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và Cơ quan Thường trực Chương trình.

d) Văn phòng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các Bộ, ngành kịp thời hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản điều chỉnh cơ chế, chính sách theo đúng thời hạn.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tuớng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Hội Cựu Chiến binh Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục.
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý