Thông báo 381/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 381/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 24/09/2014 |
Ngày có hiệu lực | 24/09/2014 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 381/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 2014 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH KHÁNH HÒA
Ngày 15 tháng 9 năm 2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thăm và làm việc tại tỉnh Khánh Hòa; dự Hội nghị tổng kết công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ triển khai các Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Cùng dự làm việc với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và đại diện các Bộ: Công an, Tài chính, Tư pháp. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo kết quả kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2014, công tác phòng chống tội phạm, cải cách hành chính, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng; ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
1. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao sự đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn và những thành tích đạt được trong thời gian qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Khánh Hòa. Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, kinh tế của Tỉnh 8 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng, phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,25%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,9%; doanh thu dịch vụ tăng 14,84%; thu ngân sách đạt 84,71% dự toán; cơ cấu kinh tế chuyển biến mạnh mẽ theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp; công tác xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tốt; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,26%... các hoạt động văn hóa xã hội có chuyển biến tích cực, quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được tăng cường; đời sống nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định.
2. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt nhiều kết quả; Tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội và Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống tội phạm. Triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, mở nhiều đợt cao điểm tấn công truy quét làm giảm tội phạm hình sự, điều tra làm rõ 308/408 vụ phạm pháp hình sự, trong đó triệt phá được 27 nhóm đối tượng có dấu hiệu hình thành băng nhóm tội phạm, góp phần xây dựng xã hội an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
3. Về công tác cải cách hành chính: Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện 6 lĩnh vực cải cách hành chính, tập trung nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức về tầm quan trọng và tính bức thiết của cải cách hành chính để xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại … Tỉnh đã ban hành mới 11 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 70 thủ tục; bãi bỏ 28 thủ tục hành chính. Tính đến tháng 7 năm 2014, ở cấp tỉnh đã có 18/18 Sở, ngành được phê duyệt Đề án thực hiện mô hình một cửa liên thông theo hướng hiện đại, trong đó 12/18 đơn vị đã vận hành chính thức, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
4. Về công tác thanh tra, tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo: Tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, nhất là thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng. Kết quả, đã phát hiện 22/173 đơn vị có vi phạm, kiến nghị xử lý và thu hồi trên 2 tỷ đồng, đề nghị chấn chỉnh và xử lý khác trên 4 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 145 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, tỷ lệ các vụ việc giải quyết theo thẩm quyền đạt khá, tập trung giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Toàn tỉnh đã tiếp 1.499 lượt công dân khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị (giảm 29,72% so với cùng kỳ năm 2013).
Ngoài ra, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh chưa đạt kế hoạch đề ra; hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn; tai nạn giao thông tuy giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn cao; tình hình tội phạm còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp; công tác cải cách hành chính tuy đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn khiêm tốn, chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh còn ở mức thấp (34/63); khiếu kiện đông người vẫn còn diễn ra ở một số nơi.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 mà tỉnh đã đặt ra, đặc biệt là chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021, Tỉnh cần quan tâm làm tốt một số việc sau đây:
1. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ.
2. Triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị; triển khai thực hiện Luật tiếp công dân, Nghị định 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Coi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài; trong quá trình xem xét, giải quyết cần kiểm tra, làm rõ nội dung vụ việc, xem xét, cân nhắc đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực tế để có biện pháp giải quyết có lý, có tình, chấm dứt khiếu nại, nhất là những vụ việc kéo dài.
3. Tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020; đảm bảo chất lượng của từng nội dung; xác định kết quả cụ thể phải đạt được, những nhiệm vụ phải thực hiện gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân, cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện.
4. Nâng cao hiệu quả Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh. Kiên quyết xử lý các hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại. Thực hành tiết kiệm chi thường xuyên, chống lãng phí trong sử dụng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, chi hành chính và các lĩnh vực khác. Thực hiện tốt Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị.
5. Tổ chức rà soát phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là các lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, dễ phát sinh tội phạm. Quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; có phương án tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết, hợp lý để chủ động bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm trong mọi tình huống. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, nhất là công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Tăng cường công tác phòng ngừa nghiệp vụ, quản lý chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự; đồng thời, tiếp tục mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm; xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phòng chống tội phạm.
6. Thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, chính sách đối với người có công; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nhất là trong những tháng cuối năm; bảo đảm an toàn giao thông, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm hành vi xe ô tô chở quá tải; tăng cường công tác quốc phòng an ninh.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về kinh phí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (phòng, chống tội phạm, ma túy): Tỉnh chủ động sử dụng kinh phí đã được bố trí, huy động ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện.
2. Về để lại ngân sách địa phương 70% số thu từ tiền phạt về trật tự giao thông: Tỉnh thực hiện theo quy định của Luật xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Giao Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp nhu cầu bố trí vốn cho tỉnh, có mức điều tiết hợp lý và đẩy nhanh tiến độ cấp lại đối với các địa phương, nhằm đảm bảo điều kiện và phương tiện làm việc của các lực lượng thi hành nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông.
3. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát lại các văn bản hướng dẫn thi hành luật liên quan đến công tác khởi tố, điều tra, xét xử các vụ án về xâm phạm sở hữu, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng … để sớm có những sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, phục vụ công tác điều tra, xét xử tội phạm.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |