Thông báo 350/TB-VPCP năm 2014 về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp ban chỉ đạo nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 350/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 28/08/2014 |
Ngày có hiệu lực | 28/08/2014 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 350/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2014 |
Ngày 07 tháng 8 năm 2014, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ sự nghiệp công và cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó trưởng ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện một số Bộ, cơ quan liên quan. Sau khi nghe Bộ Tài chính báo cáo và ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận như sau:
1. Mục đích, yêu cầu về đổi mới khu vực sự nghiệp công:
Đổi mới khu vực sự nghiệp công là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách. Quan điểm, chủ trương, mục đích, yêu cầu đã được thể hiện rõ trong các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị, do đó cần thể hiện quyết tâm chính trị trong ban hành và thực hiện chính sách về việc này.
Đổi mới khu vực sự nghiệp công là thúc đẩy các sự nghiệp phát triển mạnh mẽ, phục vụ nhân dân tốt hơn cả về số lượng và chất lượng dịch vụ; nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, thúc đẩy sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; xóa bỏ tình trạng bao cấp tràn lan; huy động được các nguồn lực của xã hội để từ đó tái cơ cấu và sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách.
Đổi mới cơ chế quản lý tài chính là một nội dung đặc biệt quan trọng trong đổi mới khu vực sự nghiệp công. Trong quá trình này, cần chú ý có những quy định ưu đãi và có lộ trình hợp lý để các đơn vị sự nghiệp đổi mới, vừa phải có những điều kiện, chế tài để các cơ quan chủ quản và các đơn vị sự nghiệp phải nhanh chóng đổi mới.
a) Về cơ sở pháp lý cho việc xây dựng dự thảo Nghị định:
Nội dung của Nghị định cần vận dụng tối đa các quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là các quy định pháp luật về quản lý doanh nghiệp, để quy định các nội dung phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc đã có.
Các quy định về cơ chế hoạt động nếu đã được quy định tại các Nghị định của Chính phủ (ví dụ: Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập) thì không nêu lại trong dự thảo Nghị định này, xem xét các quy định về cơ chế hoạt động hiện chưa có hoặc cần gắn với đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập để bổ sung vào dự thảo Nghị định.
Đối với những nội dung chưa phù hợp với quy định của các luật hiện hành, cần tổng hợp, báo cáo Chính phủ để kiến nghị sớm đưa vào chương trình sửa Luật.
b) Về một số nội dung cụ thể:
Yêu cầu các Bộ công bố 3 mức giá, phí theo đúng Kết luận của Trung ương với lộ trình phù hợp; đồng thời có quy định cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện với lộ trình sớm hơn nếu đủ điều kiện.
- Về tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy và nhân sự:
Nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về nội dung quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế và cơ chế quản lý hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công. Trong đó, về biên chế, nghiên cứu theo hướng có quy định tổng mức biên chế hoặc ràng buộc điều kiện để đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm trong quản lý số lượng biên chế.
- Về cơ chế tài chính:
Cần có quy định về tổng hợp các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp, trong đó nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng cũng được coi là một nguồn thu, để phân loại và quy định mức độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công.
- Về phân phối kết quả tài chính:
+ Đối với tiền lương: Nghiên cứu tiến tới ban hành bảng lương riêng cho khu vực sự nghiệp, trên cơ sở tính đủ theo nhu cầu tối thiểu. Trong khi chưa ban hành được bảng lương riêng, nên có quy định mức trần tối đa (có thể cao nhất như doanh nghiệp nhà nước), căn cứ kết quả hoạt động và dịch vụ cung cấp của đơn vị sự nghiệp, đơn vị được quyết định mức chi trả tiền lương theo mức độ tự chủ, nhưng không quá trần tối đa.
+ Đối với tiền thưởng: Nghiên cứu để bổ sung quy định về chế độ tiền thưởng trên cơ sở tham khảo cơ chế thưởng của doanh nghiệp.
+ Đầu tư phát triển: Cần quy định tỷ lệ hợp lý trích Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
+ Về thuế: Trước mắt thực hiện theo các quy định hiện hành, nhưng cần nghiên cứu để sửa đổi theo hướng đối với các đơn vị sự nghiệp hoạt động không vì mục đích lợi nhuận thì không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
c) Về chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp:
Cần quy định rõ điều kiện, yêu cầu, khuyến khích và có lộ trình để các đơn vị sự nghiệp chủ động chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.
a) Bộ Nội vụ khẩn trương nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế, tiền lương và cơ chế quản lý hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, chuyển Bộ Tài chính để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Nghị định.