Thông báo 349/TB-BYT năm 2014 kết luận của Bộ trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp về bảo đảm thuốc, trang thiết bị phòng, chống dịch sởi

Số hiệu 349/TB-BYT
Ngày ban hành 25/04/2014
Ngày có hiệu lực 25/04/2014
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Xuân Trường
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 349/TB-BYT

Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ TẠI CUỘC HỌP VỀ BẢO ĐẢM THUỐC, TRANG THIẾT BỊ PHÒNG, CHỐNG DỊCH SỞI

Ngày 22/4/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp về bảo đảm thuốc, trang thiết bị phòng, chống dịch sởi, tham dự cuộc họp có các đồng chí Thứ trưởng: Nguyễn Viết Tiến, Nguyễn Thị Xuyên, Phạm Lê Tuấn; đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị: Văn phòng Bộ Y tế, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Quản lý Dược, Cục Y tế dự phòng; Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW.

Sau khi nghe lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính báo cáo tóm tắt việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch sởi từ nguồn dự trữ quốc gia, nguồn phòng chống dịch của Bộ Y tế và từ nguồn kinh phí 80.875 triệu đồng được Thủ tướng Chính phủ bổ sung tại Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 17/4/2014; báo cáo của Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW đề xuất và danh mục, chủng loại, số lượng thuốc, trang thiết bị và cơ chế mua sắm; ý kiến tham gia của các Vụ, Cục; ý kiến của các đồng chí Thứ trưởng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kết luận chỉ đạo như sau:

1. Đối với công tác điều tra người bệnh sởi: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng thuốc Gamaglobulin để điều trị hoặc dự phòng: (1) Đối với người có thẻ BHYT được cơ quan BHYT thanh toán theo quy định hiện hành và đối với người không có thẻ BHYT được NSNN chi trả; (2) Áp dụng cơ chế đặc thù: được hưởng mức phụ cấp chống dịch nhóm B đối với người trực tiếp tham gia khám, chẩn đoán, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm. Đây là sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch sởi.

Giao cho các Bệnh viện tập trung nhân lực, nguồn lực, thuốc, trang thiết bị để cấp cứu và điều trị người bệnh kịp thời, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Đối với các ca nặng phải thở máy yêu cầu phải cách ly, bố trí 1 người bệnh 1 giường, không được để nằm ghép và hạn chế tối đa lây nhiễm chéo. Đối với các ca bệnh nặng phải tập trung mọi nguồn lực, giải pháp để cấp cứu, điều trị, không được để người bệnh tử vong do thiếu thuốc, trang thiết bị, kinh phí và không được để người bệnh phải xin về do không có kinh phí điều trị, dù chi phí điều trị hết bao nhiêu bệnh viện cũng phải tập trung cứu chữa người bệnh.

2. Đối với 42 máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia đã cấp cho các bệnh viện theo Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 10/4/2014 và Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 17/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ:

Các bệnh viện được cấp máy khẩn trương đưa máy thở vào sử dụng để phục vụ công tác cấp cứu và điều trị người bệnh. Trường hợp cần phải thay thế các phụ kiện, vật tư các bệnh viện phải chủ động sử dụng dự toán ngân sách được giao và các nguồn thu để mua và thay thế nhằm bảo đảm hoạt động của máy thở.

3. Về việc mua thuốc, trang thiết bị phòng, chống dịch:

3.1. Về danh mục, chủng loại, số lượng trang thiết bị cần mua mỗi loại: sau khi nghe báo cáo của các bệnh viện về nhu cầu, sự cần thiết phải trang bị, ý kiến của các Vụ, Cục, Bộ Y tế thống nhất với đề xuất của các Bệnh viện theo danh mục, số lượng các bệnh viện đã báo cáo và Bộ Y tế đã tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch, không được để thiếu các trang thiết bị thiết yếu khác phục vụ công tác điều trị, yêu cầu các Bệnh viện tiếp tục khẩn trương rà soát danh mục, chủng loại, số lượng và dự toán để mua sắm đáp ứng yêu cầu chuyên môn, báo cáo cụ thể bằng văn bản về Bộ Y tế để xem xét phê duyệt danh mục, số lượng và kế hoạch đấu thầu mua sắm.

3.2. Về danh mục thuốc: Để đảm bảo thuốc điều trị, cấp cứu và điều trị dự phòng, vừa qua các bệnh viện đã mua và sử dụng (1) thuốc IVIG (Intravenous Immunoglobulin) để truyền tĩnh mạch trong điều trị và (2) thuốc Immune Globulin (IG) để tiêm bắp trong điều trị dự phòng. Tại công văn 1977/BYT-KH-TC ngày 16/4/2014, Bộ Y tế đã tổng hợp đề nghị Thủ tướng Chính phủ về sử dụng thuốc Gamaglobulin trong điều trị cấp cứu và điều trị dự phòng, Hội đồng chuyên môn đã báo cáo và Bộ Y tế đã ký Quyết định số 1327/QĐ-BYT ngày 18/4/2014 ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Sởi; trong đó hướng dẫn chỉ định sử dụng thuốc điều trị IVIG (Intravenous Immunoglobulin) để truyền tĩnh mạch trong điều trị và sử dụng Immune Globulin (IG) tiêm bắp để điều trị dự phòng.

Để bảo đảm mua và sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị đã được Bộ Y tế ban hành, giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với Vụ KH-TC dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép được sử dụng 02 loại thuốc trên cho điều trị và điều trị dự phòng thay cho tên thuốc Gamaglobulin như đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các bệnh viện có trách nhiệm căn cứ vào dự toán kinh phí mua thuốc được Bộ Y tế giao (Bệnh viện Nhi TW: 7.000 triệu đồng; Bệnh viện Bạch Mai: 1.500 triệu đồng; BV Bệnh nhiệt đới TW: 1.500 triệu đồng) và dự báo tình hình dịch bệnh để xây dựng số lượng mua của từng loại cho phù hợp.

Giao Cục Quản lý Dược hướng dẫn các bệnh viện, các doanh nghiệp nhập khẩu và giải quyết kịp thời giấy phép nhập khẩu, cấp đơn hàng hoặc số đăng ký cho các loại thuốc phục vụ công tác phòng, chống dịch sởi.

4. Về nguyên tắc và cơ chế mua sắm:

4.1. Nguyên tắc:

a) Thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình mua sắm theo quy định; máy phải đảm bảo mới 100%, có đầy đủ CO, CQ, sản xuất 2013 hoặc 2014; và cam kết thời gian giao hàng sớm nhất;

b) Nếu một loại trang thiết bị có nhiều chủng loại đáp ứng yêu cầu chuyên môn thì ưu tiên chủng loại có thể mua được ngay để đáp ứng kịp thời cho công tác chống dịch; thời gian giao hàng nhanh nhất từ 5-7 ngày, tối đa 15 ngày đến 1 tháng.

4.2. Về cơ chế và các hình thức mua sắm:

Thực hiện theo Luật đấu thầu số 61/2005/QH11, Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ và Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính. Các đơn vị chịu trách nhiệm rà soát để đề xuất việc phân chia các gói thầu, hình thức đấu thầu trình Bộ Y tế phê duyệt theo các hình thức:

a) Đối với trang thiết bị: Mua sắm trực tiếp; chào hàng cạnh tranh; chỉ định thầu (áp dụng theo quy định tại Điều 40 của Nghị định 85, Điều 32 của Thông tư 68) và các hình thức khác nếu đáp ứng yêu cầu kịp thời về thời gian.

d) Đối với thuốc điều trị: thực hiện việc mua sắm (áp dụng kết quả đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh hoặc chỉ định thầu) theo quy định tại Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/01/2012 và Thông tư số 36/2013/TTLT-BYT-BTC ngày 11/11/2013.

5. Về thời gian: yêu cầu các bệnh viện, các Vụ, Cục phải khẩn trương triển khai thực hiện:

5.1. Trước 16 giờ ngày 24/4/2014 các bệnh viện phải hoàn thành việc trình Bộ Y tế thẩm định cấu hình (đối với các trang thiết bị phải thẩm định cấu hình theo quy định) và phê duyệt kế hoạch đấu thầu;

5.2. Giao Vụ TTB và CTYT phải khẩn trương tổ chức thẩm định cấu hình các trang thiết bị, chậm nhất 02 ngày kể từ khi bệnh viện gửi cấu hình phải thẩm định xong;

5.3. Giao Vụ KH-TC phải khẩn trương tổ chức thẩm định và hoàn thành việc trình Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch đấu thầu trước ngày 28/4/2014.

5.4. Giao các bệnh viện phải khẩn trương mua sắm và đảm bảo thời gian giao hàng theo nguyên tắc nêu trên để đưa trang thiết bị vào sử dụng.

6. Giao Vụ BHYT, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Vụ KH-TC rà soát, trao đổi, thống nhất với BHXH Việt Nam việc thanh toán BHYT.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ