Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Thông báo 34/2015/TB-LPQT về hiệu lực của Hiệp định bổ sung Hiệp định khung hợp tác giữa Việt Nam và Bô-lô-vi-a Vê-nê-xu-ê-la trong lĩnh vực thương mại

Số hiệu 34/2015/TB-LPQT
Ngày ban hành 11/03/2015
Ngày có hiệu lực 17/07/2015
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,Chính phủ nước Cộng hòa Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-la
Người ký Vũ Huy Hoàng,Elías Jaua Milano
Lĩnh vực Thương mại

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2015/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2015

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định bổ sung cho Hiệp định khung về hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Bô-li-vi-a Vê-nê-xu-ê-la về hợp tác trong lĩnh vực thương mại, ký tại Hà Nội ngày 11 tháng 3 năm 2015, có hiệu lực kể từ ngày 17 tháng 7 năm 2015.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG





Lê Đức Hạnh

 

HIỆP ĐỊNH

BỔ SUNG CHO HIỆP ĐỊNH KHUNG VỀ HỢP TÁC GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA BÔ-LI-VA VÊ-NÊ-XU-Ê-LA VỀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-la, sau đây gọi tắt là “các Bên”.

XÉT Hiệp định khung về hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-Ia ký tại thành phố Hà Nội ngày 31 tháng 7 năm 2006;

TÁI KHẲNG ĐỊNH ý chí chung của hai quốc gia trong việc đạt được các mục tiêu và lý tưởng hợp tác kinh tế và thương mại;

VỚI MONG MUỐN tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị sẵn có giữa hai nước để đạt được sự phát triển đa dạng và hai hòa trong quan hệ thương mại song phương;

CÔNG NHẬN tầm quan trọng sống còn đối với các Bên về sự phát triển và đa dạng hóa quan hệ thương mại, duy trì đối thoại thường xuyên về các vấn đề liên quan đến trao đổi thương mại nhằm cải thiện quan hệ hợp tác song phương cũng như sự phát triển và tiến bộ kỹ thuật cả hai nước.

KHẲNG ĐỊNH sự nhất trí của các Bên về đối xử bình đẳng và cùng có lợi trong quan hệ thương mại, trên cơ sở các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế;

NHẬN THẤY mối quan tâm đặc biệt đối với hai Chính phủ trong việc chung sức nhằm đạt hiệu quả tối đa trong sản xuất, mang lại lợi ích cho nền kinh tế của nhân dân hai nước, dựa trên việc đánh giá các mức độ phát triển khác nhau;

Hai Bên cùng thỏa thuận như sau:

ĐIỀU I

MỤC ĐÍCH

Hiệp định này có mục đích thiết lập một khung pháp lý nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển hợp tác thương mại giữa các Bên, thông qua việc cùng xây dựng và triển khai các chương trình và/hoặc dự án mà qua đó cho phép tạo điều kiện và tăng cường trao đổi thương mại song phương, đáp ứng những ưu tiên đặt ra trong các kế hoạch chiến lược và chính sách phát triển kinh tế xã hội của cả hai nước, dựa trên các nguyên tắc bổ trợ, tôn trọng chủ quyền và quyền tự quyết của mỗi Bên, phù hợp với pháp luật mỗi nước và các quy định của Hiệp định này.

ĐIỀU II

HÌNH THỨC HỢP TÁC

Hợp tác thương mại theo Hiệp định này có thể được triển khai thông qua các hoạt động như:

a) Tổ chức các hội chợ, các đoàn và triển lãm, hội thảo và hội nghị ở mỗi quốc gia;

b) Hỗ trợ và phát triển các đầu mối kinh doanh giữa các tổ chức và doanh nghiệp nhà nước của cả hai nước;

c) Trao đổi thông tin về các luật quốc gia hiện hành đang điều chỉnh các hoạt động thương mại;

d) Thúc đẩy trao đổi thương mại song phương và xác định các cơ hội kinh doanh ở cả hai nước.

[...]