Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông báo 325/TB-VPCP năm 2017 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 325/TB-VPCP
Ngày ban hành 25/07/2017
Ngày có hiệu lực 25/07/2017
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 325/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2017

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, KINH DOANH TÀI NGUYÊN CÁT, SỎI

Ngày 06 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân; Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính); Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (Bộ Quốc phòng); lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các Sở, ban ngành của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố, Giám đốc các Sở, ban ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và trưởng Công an cấp huyện có liên quan. Sau khi nghe báo cáo của các Bộ, ý kiến của các cơ quan Trung ương, địa phương và ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kết luận như sau:

1. Về tình hình quản lý, khai thác cát, sỏi

Cát, sỏi là nguồn tài nguyên đóng vai trò rất quan trọng, thiết yếu trong xây dựng. Trong thời gian qua, tài nguyên cát, sỏi đã được quản lý, khai thác, sử dụng theo quy hoạch, quy định của pháp luật, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Do nhu cầu sử dụng cát, sỏi ngày càng lớn, trong khi nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, mặt khác công tác quản lý nhà nước còn bất cập đã dẫn đến việc khai thác cát, sỏi quá mức, khai thác cát sỏi, trái phép đã tác động tiêu cực đến dòng chảy, hạ thấp lòng sông, gây sạt lở bờ, bãi sông, gây thiệt hại tài sản của nhân dân, tác động xấu đến môi trường. Vì vậy, việc quản lý, khai thác cát, sỏi cần phải được quy hoạch trên cơ sở đánh giá trữ lượng, khả năng cung cấp, nhu cầu sử dụng của cả nước, của các địa phương và phải đánh giá đầy đủ tác động đến dòng chảy, môi trường chung theo từng lưu vực sông, bảo đảm tuân thủ các quy định về bảo vệ lòng sông và bảo vệ tài nguyên nước; đồng thời phải quản lý, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên cát sỏi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi và chỉ đạo mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tại các địa phương. Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là lực lượng Công an đã tích cực triển khai thực hiện và bước đầu đạt được những kết quả nhất định, Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên sông vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều nơi với thủ đoạn đối phó tinh vi, sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ, đe dọa người dân đấu tranh; trong đó tại một số địa phương đã xảy ra vi phạm nghiêm trọng, bức xúc trong nhân dân. Thực tế cho thấy nổi lên 3 nhóm vi phạm về khai thác cát, sỏi là:

- Khai thác không đúng giấy phép: Các đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng không thả phao xác định mốc giới mỏ; tiến hành khai thác ngoài phạm vi được cấp phép; khai thác vượt quá khối lượng và số lượng phương tiện cho phép, không xuất hóa đơn, chứng từ theo quy định.

- Khai thác trái phép: Các đối tượng thực hiện khai thác cát, sỏi trái phép, hoạt động này thường lén lút vào ban đêm, lợi dụng các ngày nghỉ, lễ để khai thác với nhiều thủ đoạn đối phó, che giấu tinh vi.

- Vi phạm trong vận chuyển tập kết bến bãi, tiêu thụ cát, sỏi làm ảnh hưởng đến dòng chảy và an toàn đê điều trong mùa mưa lũ.

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương chưa thật quyết liệt, chưa hiệu quả, sự phối hợp chưa chặt chẽ; một số quy định pháp luật còn bất cập; việc phân cấp trách nhiệm chồng chéo, chưa rõ ràng; một số nơi buông lỏng quản lý, có biểu hiện lợi ích nhóm, bao che cho các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

2. Về kết quả xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ khi mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép (từ ngày 30 tháng 3 năm 2017 đến nay) đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 3.282 vụ bằng 75% so với tổng số vụ việc cả năm 2016 (trong đó 1.323 vụ việc khai thác cát trái phép, 1.959 vụ vi phạm kinh doanh, bến bãi, giao thông), làm rõ và xử lý 925 đối tượng vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính trị giá 17,2 tỷ đồng; tịch thu 32 tàu, thuyền hút cát và 22.902 m3 cát, xử phạt hành chính trên 13 tỷ đồng. Đến nay, hầu hết các dự án xã hội hóa nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm cát đã tạm dừng để chờ hoàn thiện các điều kiện, thủ tục quy định pháp luật về quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hoạt động khai thác cát trái phép đã giảm rõ rệt so với trước đây về số vụ, về tính manh động và ngang nhiên.

3. Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới

Để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát, sỏi và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật hiện hành và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thi hành chính sách, pháp luật về khoáng sản và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 357/TB-VPCP ngày 06 tháng 11 năm 2015 và số 161/TB-VPCP ngày 24 tháng 3 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

a) Bộ Giao thông vận tải

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định ban hành Quy chế quản lý hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, vùng nước cảng biển và luồng đường thủy nội địa, trong đó lưu ý quy định phân cấp giao địa phương tổ chức cấp phép, thực hiện các dự án nạo vét, duy tu các tuyến luồng có tận thu sản phẩm, trình Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm 2017 để triển khai thực hiện từ năm 2018.

- Phối hợp với Bộ Công an, các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra phương tiện giao thông đường thủy, kiên quyết xử lý phương tiện hoạt động không có đăng ký, đăng kiểm, các phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi quá tải, không có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 357/TB-VPCP ngày 06 tháng 11 năm 2015 và Công văn số 4648/VPCP-CN ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về việc tạm dừng cấp mới các dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm cát. Rà soát các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa; đối với các dự án cấp bách, đúng quy hoạch, bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật của tuyến luồng và môi trường cho phép tiếp tục thực hiện trên cơ sở phối hợp, thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra vi phạm trong quá trình thực hiện dự án.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án đang thực hiện, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá tình trạng biển xâm thực; nghiên cứu, lập phương án sử dụng nguồn cát nhiễm mặn thu hồi từ các dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải để bồi đắp những khu vực bờ biển bị xâm thực, công trình lấn biển, chống biến đổi khí hậu.

- Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, phát triển bền vững khu vực bị ảnh hưởng từ việc khai thác cát, vấn đề sạt lở ven sông, ven biển cũng như tác động cộng hưởng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Trung Trung Bộ.

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ và giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 7 năm 2017.

- Khẩn trương hoàn thiện và ban hành văn bản quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông, bảo vệ lòng sông, bờ, bãi sông, trong đó quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, khắc phục tình trạng không tương đồng về độ sâu khai thác cát, sỏi lòng sông trong cùng một lưu vực có nguy cơ ảnh hưởng an toàn các công trình thủy lợi; nghiêm cấm quy hoạch khai thác cát sỏi tại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, các khu vực đang có xu thế thay đổi chế độ thủy văn, thủy lực.

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để sớm hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy chế phối hợp quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động nạo vét, khơi thông luồng, kết hợp thu hồi cát. Thành lập Đoàn kiểm tra một số dự án nạo vét, khơi thông luồng, đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý dự án, nhất là các dự án gây bức xúc dư luận xã hội đã được báo chí phản ánh.

[...]