Thông báo 30/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp giao ban trực tuyến với địa phương về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 30/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 17/01/2013 |
Ngày có hiệu lực | 17/01/2013 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Văn Tùng |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI CUỘC HỌP GIAO BAN TRỰC TUYẾN VỚI CÁC ĐỊA PHƯƠNG VỀ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM
Ngày 09 tháng 01 năm 2013, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng ban Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát, các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, lãnh đạo Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ; đại diện các Bộ: Công Thương, Nội vụ, Công an và thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội; tại đầu cầu địa phương có các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của Uỷ ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tổng kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2012, nhiệm vụ trọng tâm năm 2013 và tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trong cả nước, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận như sau:
Công tác an toàn thực phẩm trong năm 2012 được các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo và có bước tiến bộ đáng ghi nhận. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được đẩy mạnh, trong năm, các cơ quan trung ương đã ban hành 03 Nghị định của Chính phủ, 05 Quyết định của Thủ tướng, 57 Thông tư của các Bộ, 11 Quy chuẩn kỹ thuật và 67 Tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm. Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành kế hoạch ban hành văn bản chỉ đạo. Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp đã được kiện toàn, hiện nay cả nước chỉ còn 3 huyện và 71 xã chưa thành lập Ban chỉ đạo. Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành sâu, rộng hơn, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Công tác truyền thông được đẩy mạnh tích cực từ Trung ương đến các địa phương với nhiều trang, bài, chuyên đề và thông tin thiết thực về an toàn thực phẩm. Các cuộc vận động từ cơ sở với phong trào “ba không”: Không sản xuất rau không an toàn, không giết mổ gia súc gia cầm không an toàn, không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục, bước đầu có kết quả tích cực được dư luận đồng tình ủng hộ. Đặc biệt đã quyết liệt triển khai một hoạt động có tính đột phá, trên cơ sở phát huy sức mạnh liên ngành, liên địa phương đối với việc kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả gà nhập lậu.
Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm chưa thực sự kiên quyết, 78% các vụ vi phạm ở cấp xã vẫn chỉ nhắc nhở mà không áp dụng chế tài xử phạt. Mặc dù có những tiến bộ về giảm ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể nhưng số vụ ngộ độc thực phẩm trong gia đình tăng, trong đó đáng lưu ý là ngộ độc rượu mà nhiều trường hợp đã tử vong; việc phân bổ kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm còn chậm.
Trong năm 2013, phải tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm một cách hiệu quả toàn diện hơn, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai và làm tốt các nhiệm vụ theo phân công như sau:
1. Bộ Công Thương
- Tập trung triển khai Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép (Đề án 2088); Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu qua các đường nhỏ lẻ, kể cả chính ngạch và không chính ngạch. Trên cơ sở kết quả thực hiện Đề án 2088, nghiên cứu và xây dựng các đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh đối với các mặt hàng khác như gia súc, rau, củ, quả nhập khẩu trái phép hoặc có nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
- Tiếp tục triển khai nghiêm quy định tạm thời về cấm kinh doanh, tạm nhập, tái xuất đối với mặt hàng phủ tạng, phụ phẩm gia súc, phụ phẩm gia cầm đông lạnh và tổ chức sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện.
- Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình chợ an toàn tại các địa phương, xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình chợ an toàn; tổ chức sơ kết việc xây dựng mô hình này và nhân rộng trong toàn quốc.
- Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh việc kiểm soát kinh doanh và sử dụng rượu. Tổ chức khảo sát và có văn bản hướng dẫn cụ thể việc triển khai Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu phù hợp với điều kiện của địa phương. Nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định để quản lý các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ khác.
2. Bộ Y tế
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tốt Tháng cao điểm về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Quý Tỵ, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2013 (từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 15 tháng 5 năm 2013), bảo đảm hiệu quả cao.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương xây dựng các tiêu chí về xã phường an toàn thực phẩm để bổ sung vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
4. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an, Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành liên quan
- Ban hành các văn bản hướng dẫn quản lý các mặt hàng liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ, tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật an toàn thực phẩm và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, theo lĩnh vực được phân công.
- Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh vận động phong trào “ba không”: không sản xuất rau không an toàn, không giết mổ gia súc gia cầm không an toàn, không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục.
- Tiếp tục kiểm tra, giám sát công tác an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, trong các kế hoạch, chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai kế hoạch hành động về an toàn thực phẩm năm 2013 để thực hiện đề án 2088, trình Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm trước ngày 31 tháng 01 năm 2013, tạo chuyển biến về chất trong nhận thức người dân về nguy cơ tác hại sức khoẻ và nòi giống khi tiêu thụ thực phẩm nhập khẩu không được kiểm dịch thú y và kiểm tra an toàn thực phẩm.
- Biểu dương khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng kịp thời cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương có điều kiện, tiếp tục triển khai mô hình liên kết giữa các địa phương để tiêu thụ sản phẩm an toàn trên địa bàn.
- Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể tại doanh nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Tiến hành các hoạt động thiết thực, tăng cường thanh, kiểm tra tạo được những chuyển biến tích cực, cụ thể trong tháng cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn của mỗi địa phương.
- Tổ chức khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.