Thông báo 277/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 277/TB-VPCP
Ngày ban hành 06/08/2020
Ngày có hiệu lực 06/08/2020
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Doanh nghiệp

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 277/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ VIỆT NAM VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT TRONG THỜI GIAN TỚI

Ngày 26 tháng 6 năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã chủ trì buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và một số đề xuất, kiến nghị. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo và đại diện các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội Vụ, Tư Pháp, Công Thương, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã báo cáo, ý kiến tham gia của đại diện các Bộ, cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao và biểu dương những thành tựu của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, kết quả hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong thời gian qua.

1. Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác) là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, được khẳng định trong Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Kết luận của Bộ Chính trị số 56-KL/TW ngày 21 tháng 02 năm 2013; Kết luận của Bộ Chính trị số 70-KL/TW ngày 09 tháng 3 năm 2020; Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Những năm vừa qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài; nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội nhưng cả nước vẫn thành lập mới 1014 hợp tác xã, 10 liên hiệp hợp tác xã, 3.000 tổ hợp tác. Đến tháng 6 năm 2020, cả nước có hơn 25.200 hợp tác xã, tăng 2.002 hợp tác xã so với cùng kỳ năm 2019; thu hút trên 6 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đạt hơn 54% (năm 2012 chỉ có 10% hợp tác xã), thu nhập của người lao động trong hợp tác xã được cải thiện.

2. Hệ thống Liên minh Hợp tác xã (bao gồm Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và cấp tỉnh) đã thực hiện các nhiệm vụ được giao, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; chủ động nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất và triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Trung ương và địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, cung ứng dịch vụ, tư vấn hỗ trợ tổ chức lại, thành lập mới hợp tác xã, xây dựng nhiều hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị, nhất là chuỗi giá trị nông sản (đến tháng 6 năm 2020, có hơn 2.000 hợp tác xã); tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm; kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, thực hiện các giải pháp tăng cường liên kết hệ thống phục vụ hợp tác xã.

3. Tuy vậy, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; tỉ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực; khả năng huy động nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn một số bất cập; chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn dàn trải, phân tán, thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện.

Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hoạt động còn nhiều khó khăn, vướng mắc; tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý chưa thống nhất, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn; số lượng cán bộ thiếu, cơ cấu chưa phù hợp, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu; cơ chế khai thác cơ sở vật chất và sử dụng chênh lệch thu, chi của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã để phát triển dịch vụ hỗ trợ hợp tác xã còn vướng mắc.

II. NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI

1. Nhiệm vụ chung

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là về hợp tác xã kiểu mới. Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các Bộ, cơ quan, địa phương;

b) Tập trung thực hiện tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác; trong đó, nghiên cứu, đề xuất những quy định mở rộng quyền của tổ hợp tác để phát huy vai trò tự chủ của tổ hợp tác và tạo động lực cho tổ hợp tác phát triển, hoạt động có hiệu quả; cùng các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, tín dụng, xúc tiến thương mại, công nghệ; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ trong đào tạo nhân lực, tiếp cận vốn, tổ chức sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung các quy định của pháp luật về tăng cường quyền của các xã viên hợp tác xã trong việc tham gia góp vốn để tạo động lực cho việc quản lý, hoạt động của hợp tác xã thực sự hiệu quả;

c) Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về kinh tế tập thể, hợp tác xã; chú trọng phát triển các cơ sở đảng, đoàn thể trong tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã;

d) Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã; nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã và cán bộ của hệ thống Liên minh Hợp tác xã; phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai các chương trình, hoạt động đào tạo nghề, lao động ngắn hạn cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã;

đ) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển hợp tác xã, dự báo xu hướng phát triển hợp tác xã.

2. Đối với hệ thống Liên minh Hợp tác xã

a) Đổi mới tổ chức hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong việc tiếp tục thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; gắn hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; thực hiện có hiệu quả Chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã;

b) Tổng kết các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả để nhân rộng; đẩy mạnh xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức diễn đàn kinh tế tập thể, hợp tác xã hằng năm, tham gia xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030;

c) Xây dựng kế hoạch và làm việc với các Bộ, ngành liên quan để tham gia và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã;

d) Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ các đề án triển khai trong năm 2020, bao gồm: Đề án Trung tâm Kiểm toán hợp tác xã; Đề án Đào tạo, nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giữ vai trò nòng cốt phát triển hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới giai đoạn 2020 - 2024; Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực và hiệu quả tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho các hợp tác xã và thành viên.

đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai các Đề án trong giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm: Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới”; Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, tay nghề lao động của các tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã”; Đề án “Xây dựng và phát triển hợp tác xã tiêu dùng”; Đề án “Nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương và địa phương”;

e) Tham gia một số hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, Điều lệ, năng lực của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và thành viên Ban chỉ đạo Chương trình; xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”;

g) Tổ chức thành công Đại hội Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo Kết luận của Ban Bí thư số 78-KL/TW ngày 10 tháng 6 năm 2020, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền và các quy định pháp luật có liên quan;

h) Sử dụng, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam để tạo nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 276/TB-VPCP ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ.

III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Về xử lý các vướng mắc liên quan đến phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã về: thuế; tài sản không chia; các khoản nợ; tín dụng nội bộ của hợp tác xã; tiền lương; giao đất, cho thuê đất; chính sách bảo hiểm xã hội; cân đối, bố trí kinh phí để Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triển khai, thực hiện các đề án, dự án, chương trình, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; cấp thẻ APEC:

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ