Thông báo 269/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 269/TB-VPCP
Ngày ban hành 10/08/2015
Ngày có hiệu lực 10/08/2015
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Khắc Định
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 269/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 10 tháng 08 năm 2015

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Ngày 30 tháng 7 năm 2015, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của Bộ Y tế và các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận:

Trong 6 tháng đầu năm 2015, công tác quản lý an toàn thực phẩm được triển khai theo kế hoạch; công tác truyền thông tiếp tục được chú trọng, đã huy động các thành phần và tổ chức trong xã hội cùng tham gia; thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với việc áp dụng chế tài xử phạt mạnh hơn so với năm 2014, tỷ lệ cơ sở bị đình chỉ hoạt động tăng từ 1,3% (2014) lên 5,1% (2015); mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn đang được triển khai hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục mở rộng ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, đã thí điểm kết nối thành công cơ chế hải quan một cửa quốc gia về kiểm soát thực phẩm nhập khẩu tại Cảng Hải Phòng, giúp minh bạch hóa quy trình thẩm định hồ sơ, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, còn nhiều nội dung công việc trong kế hoạch đã đề ra thực hiện còn chậm, hiệu quả thấp: việc quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung và kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y chưa được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện nên còn nhiều hạn chế; số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản vẫn xếp loại C sau tái kiểm tra còn chiếm tỉ lệ cao (36/52 cơ sở); việc xử lý các vi phạm còn chưa kiên quyết, chủ yếu tại tuyến xã (chiếm 81,7% số cơ sở vi phạm); ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn chưa giảm. Một số báo đưa tin không chính xác, chưa được kiểm chứng tạo sự lo lắng thái quá trong cộng đồng như: thông tin về gạo giả, mực cao su, sữa có đỉa, trứng gà giả.

Để tiếp tục tạo chuyển biến, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới, yêu cầu các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường công tác phối hợp, thực hiện kịp thời, đồng bộ các nhiệm vụ đã được giao, tập trung vào một số công việc cụ thể sau:

1. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương:

- Hỗ trợ, hướng dẫn địa phương triển khai Đề án Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, phường tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sau khi được Thủ tướng phê duyệt.

- Tập trung xây dựng nội dung Chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thật sự thiết thực theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo để có thể tận dụng tối đa, hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của các nhà tài trợ cho việc nâng cao hiệu lực quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam.

- Phối hợp chặt chẽ với Đài tiếng nói Việt Nam trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm theo phương thức đổi mới, có tác động thực sự hiệu quả đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm.

- Khẩn trương hoàn thành việc ban hành các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật trước tháng 11 năm 2015; nhanh chóng triển khai áp dụng cơ chế một cửa quốc gia đối với thực phẩm nhập khẩu.

2. Bộ Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đề xuất các giải pháp quản lý, biện pháp kiểm soát ngộ độc và nâng cao điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

- Triển khai giải pháp để quản lý việc kinh doanh và sử dụng phẩm màu, phụ gia thực phẩm một cách hiệu quả; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương nghiên cứu, quy định giá trị pháp lý đối với kết quả kiểm nghiệm của các thiết bị phát hiện nhanh các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm đặt tại các chợ, siêu thị.

- Phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ để thông tin cho nhân dân về những khuyến nghị trong sử dụng thực phẩm chức năng một cách phù hợp, giúp nhân dân có cách nhìn và sử dụng đúng loại thực phẩm này; nghiên cứu và đưa ra khuyến nghị cho người tiêu dùng về việc sử dụng bia bảo đảm sức khỏe.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tiếp tục triển khai kế hoạch giám sát các cơ sở giết mổ động vật và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

- Chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ tái kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản xếp loại C và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng;

Có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu chỉ đạo cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản sau khi tái kiểm tra vẫn xếp loại C, kể cả hình thức đình chỉ hoặc rút giấy phép hoạt động.

4. Bộ Công Thương:

- Nghiên cứu và mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm thực phẩm thông qua hệ thống siêu thị để từng bước thay thế các chợ tự phát, truyền thống.

- Rà soát, kịp thời điều chỉnh quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất chuyển khẩu hàng hóa, nhất là hàng thực phẩm đông lạnh, tránh trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm thẩm lậu ngược trở lại Việt Nam.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị; phát triển nhanh mô hình chợ an toàn thực phẩm.

- Tiếp tục duy trì hoạt động kiểm soát thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và không để thực phẩm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông: Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí giám sát và quản lý chặt chẽ việc quảng cáo thực phẩm đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các báo ngoài việc đưa tin về các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm cần đưa tin về các mô hình sản xuất an toàn, sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm. Tránh việc đưa các thông tin về an toàn thực phẩm không đầy đủ, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sản xuất.

6. Bộ Công an:

Chỉ đạo lực lượng chức năng bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác an toàn thực phẩm, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán, kinh doanh thực phẩm các loại gia súc, gia cầm, thực phẩm chức năng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng các chất cấm để chế biến, bảo quản thực phẩm...

[...]