Thông báo 261/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 261/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 17/06/2024 |
Ngày có hiệu lực | 17/06/2024 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 261/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2024 |
Ngày 9/6/2024 và ngày 10/6/2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Lê Thành Long và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài Chính, Thông Tin và Truyền Thông, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Đài truyền hình Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ý kiến của các Bộ, cơ quan tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:
I. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật
Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ tại Phiên họp Chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 02 năm 2024 chỉnh lý, hoàn thiện trình Chính phủ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật
Thường trực Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực này[1], cụ thể là trong xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường tương thích với sự thay đổi của hệ thống pháp luật trong nước và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Thường trực Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ, bảo đảm các yêu cầu sau:
- Rà soát, cụ thể hóa toàn bộ các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với lĩnh vực này, hoàn thiện Dự án Luật nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
- Tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, bảo đảm bao quát hết các đối tượng điều chỉnh, tháo gỡ đồng bộ các vướng mắc, tồn tại của quy định hiện hành, bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý… tham gia hoạt động;
- Rà soát các quy định về thủ tục hành chính, cắt bỏ toàn bộ các quy định không còn hợp lý, khả thi, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp;
- Hoàn thiện các quy định về phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm của các cấp trong quản lý nhà nước gắn với bảo đảm tăng cường nguồn lực, năng lực thực thi pháp luật cho các địa phương, cơ quan, tổ chức;
- Nghiên cứu quy định rõ hơn tại dự thảo Luật về điều khoản chuyển tiếp, bảo đảm không có khoảng trống trong việc áp dụng pháp luật theo quy định của của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với những quy định mới và những quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006;
- Rà soát các quy định của pháp luật có liên quan, trường hợp có quy định đặc thù cho lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà khác với quy định của luật có liên quan thì phải xây dựng quy định về áp dụng pháp luật theo hướng: có quy định khác nhau về cùng một nội dung thì áp dụng quy định của Luật này.
Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thường trực Chính phủ, ý kiến Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2024.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo dự án Luật này
II. Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)
Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Luật Hóa chất là luật chuyên ngành, có vai trò quan trọng trong hình thành hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại; cụ thể hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng phát về phát triển công nghiệp hóa chất trở thành ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế[2], bảo đảm an toàn hóa chất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Hóa chất hiện hành; phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ quốc tế.
Thường trực Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật; Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) với các yêu cầu cụ thể sau:
- Hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hóa chất năm 2007; xác định rõ các vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, nguyên nhân của các bất cập, vướng mắc để sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật này; tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các cá nhân, tổ chức có liên quan để hoàn thiện các chính sách, quy định cụ thể của dự thảo Luật; đẩy mạnh công tác truyền thông về các chính sách, nội dung dự thảo Luật nhằm tạo sự đồng thuận cao của Nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có liên quan và các đối tượng khác chịu sự tác động trực tiếp của dự án Luật.
- Tiếp tục rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Trồng trọt, Luật Phòng thủ dân sự và các luật khác có liên quan; trường hợp có quy định đặc thù về cơ chế đầu tư, thủ tục đầu tư, phân cấp, phân quyền, thủ tục hành chính… khác với quy định của luật có liên quan thì phải xây dựng quy định về áp dụng pháp luật theo hướng: có quy định khác nhau về cùng một nội dung thì áp dụng quy định của Luật này.
- Hoàn thiện nội dung về quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất, bảo đảm thể hiện rõ chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về hóa chất, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hóa chất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về hóa chất và Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng nhằm phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, chấm dứt tình trạng “xin - cho” trong quản lý hoạt động hóa chất
- Rà soát các quy định về hóa chất tại các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật; đối với các vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, áp dụng ổn định thì pháp điển thành các quy định của Luật; chỉ giao Chính phủ, các Bộ ban hành văn bản quy định chi tiết đúng với tính chất “ủy quyền lập pháp”; đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì không giao quy định chi tiết, Chính phủ ban hành theo thẩm quyền để quản lý hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện quy định về “điều khoản chuyển tiếp”, bảo đảm việc áp dụng Luật Hóa chất năm 2007 và Luật này khi có hiệu lực được thống nhất, không phát sinh nghĩa vụ của các chủ thể về thực hiện thủ tục hành chính trái quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không tạo khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực hóa chất.
- Hồ sơ dự án Luật phải thuyết minh rõ lý do kế thừa các quy định của Luật hiện hành, những quy định được sửa đổi, bổ sung. Nội dung thuyết minh cần phân tích kỹ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc kế thừa, sửa đổi, bổ sung đối với từng điều, khoản cụ thể tại dự thảo Luật.
- Về 03 nội dung Bộ Công Thương xin ý kiến Chính phủ:
+ Về ưu đãi đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm:
Thường trực Chính phủ thống nhất về nguyên tắc cần có cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm. Tuy nhiên, không thể ưu đãi tràn lan, phải tiết kiệm nguồn lực để đạt hiệu quả cao nhất; Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng các quy định về điều kiện để hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt cho các dự án hóa chất trọng điểm; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư, cá nhân, tổ chức có liên quan, kết hợp với hoạt động thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả của các dự án đó.
+ Về khai báo hóa chất nhập khẩu: