Thông báo 250/TB-VPCP Kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, 5 tháng đầu năm 2024; tình hình giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 250/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 31/05/2024 |
Ngày có hiệu lực | 31/05/2024 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Thị Thu Vân |
Lĩnh vực | Đầu tư,Tài chính nhà nước |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 250/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2024 |
Ngày 30 tháng 5 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024; tình hình giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Tổng cục Thống kê.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thường trực Chính phủ thống nhất như sau:
a) Nhấn mạnh công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan, địa phương đã bám sát tình hình trong nước, quốc tế, nhất là các vấn đề mới phát sinh, để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
b) Phân tích, làm rõ các kết quả đạt được, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp; thu ngân sách nhà nước; thu hút đầu tư nước ngoài; giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, các tuyến đường bộ cao tốc; văn hóa, thể thao và du lịch; giáo dục và đào tạo; đối ngoại; bảo đảm an sinh xã hội....
c) Làm rõ các khó khăn, hạn chế của nền kinh tế trong thời gian tới, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế; áp lực lạm phát gia tăng; việc phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực cho các cơ quan, địa phương còn vướng mắc, cắt giảm thủ tục hành chính chưa thực sự triệt để; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục được nghiên cứu, đặc biệt trong bối cảnh các nước trong khu vực đang xem xét, triển khai các chính sách hỗ trợ, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn; vệ sinh an toàn thực phẩm có lúc, có nơi chưa bảo đảm; trật tự an toàn xã hội, cháy nổ, tình trạng bạo lực, buôn lậu, an ninh mạng còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ để phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả; cần có giải pháp để tiếp tục khôi phục tâm lý thị trường, nhà đầu tư và nhân dân.
d) Phân tích, làm rõ các nguyên nhân (kể cả nguyên nhân của kết quả đạt được và nguyên nhân của khó khăn, hạn chế). Rút ra bài học kinh nghiệm trong điều hành, phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 5 và 5 tháng, trong đó nhấn mạnh bài học về nắm chắc, phân tích kỹ và dự báo sớm tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; đoàn kết, thống nhất trong mọi tình huống; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; có quy định, cơ chế chính sách phù hợp để phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
đ) Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, bổ sung, làm rõ hơn một số nhiệm vụ sau:
- Nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo do Lãnh đạo Chính phủ làm Trưởng Ban, một số Bộ trưởng là thành viên để chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương rà soát các vướng mắc về pháp lý, trên cơ sở đó, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV để xem xét, ban hành 1 Luật sửa nhiều Luật nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
- Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; có giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 khoảng 15%; tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để góp phần giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1 - 2%. Thực hiện công khai lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng, có chế tài xử lý nghiêm đối với các tổ chức tín dụng không thực hiện.
- Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ, làm việc với các ngân hàng thương mại, các địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan, sớm có giải pháp phù hợp, hiệu quả, khả thi để tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhất là các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương...
- Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan đánh giá tổng thể việc triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ về nhà ở hiện nay, làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập; trong đó đánh giá tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất giữa các chương trình, chính sách về mục tiêu, cơ chế, nguồn lực thực hiện, đối tượng thụ hưởng, tính đặc thù của các vùng, miền, vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp... Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở phù hợp với mục tiêu, đối tượng, sát đúng với thực tiễn, đặc trưng, đặc điểm kinh tế - xã hội của các vùng, miền; khắc phục những hạn chế bất cập trong các chương trình hiện nay, bám sát chủ trương của Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về chính sách xã hội; Chỉ thị 34/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xóa nhà tạm, nhà dột với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm mọi người dân được sống trong môi trường an toàn, thụ hưởng các thành quả của sự phát triển, không để ai bỏ lại phía sau.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, khẩn trương tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra bản án tại một số tỉnh, thành phố, việc thực hiện Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội...; trên cơ sở đó, báo cáo Chính phủ trong tháng 6 năm 2024 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng.
- Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên, nhất là các ngành mới nổi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành, trình Chính phủ Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 223/TB-VPCP ngày 15 tháng 5 năm 2024; sớm đề xuất ban hành các tiêu chí để lựa chọn, thu hút đầu tư xanh, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất dự án thí điểm tạo động lực như điện gió ngoài khơi... và các cơ chế cần thiết kèm theo để triển khai JETP, AZEC...; trường hợp cần thiết, nghiên cứu việc đề xuất cấp có thẩm quyền giao các doanh nghiệp mạnh như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các tập đoàn tư nhân có đủ tiềm lực để thực hiện.
- Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ, khẩn trương nghiên cứu đề xuất việc phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 231/TB-VPCP ngày 18 tháng 5 năm 2024.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy và phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch các thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp bình ổn thị trường vàng theo quy định, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực, kịp thời trong việc sử dụng các công cụ điều hành của nhà nước; có giải pháp hiệu quả khắc phục ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới; khẩn trương rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
- Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin, truyền cảm hứng, tạo khí thế, động lực cho Nhân dân, doanh nghiệp và toàn xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
e) Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài
- Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Công điện số 54/CĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành giải phóng mặt bằng các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đúng kế hoạch.
- Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát các quy định pháp luật hiện hành đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để nghiên cứu, đề xuất bổ sung nội dung trong dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV về việc cho phép Chính phủ quyết định điều chuyển vốn của các Bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang các Bộ, cơ quan, địa phương có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.