Thông báo 24/TB-VPCP năm 2018 về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về phát triển điện lực và nghe báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 24/TB-VPCP
Ngày ban hành 16/01/2018
Ngày có hiệu lực 16/01/2018
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2018

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC VÀ NGHE BÁO CÁO KIỂM ĐIỂM TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUY HOẠCH ĐIỆN VII ĐIỀU CHỈNH

Ngày 20 tháng 12 năm 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo và nghe báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu Khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Sau khi nghe báo cáo của Bộ Công Thương, EVN, PVN, TKV về tiến độ triển khai các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Trong thời gian vừa qua, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan và chủ đầu tư các dự án điện đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao trong việc thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh; đặc biệt là EVN với trọng trách được giao đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong đầu tư xây dựng các dự án điện. Trong năm 2017, EVN đã hoàn thành đưa vào vận hành phát điện 2.135 MW công suất nguồn điện, 48 công trình đường dây và trạm biến áp 500, 220kV, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai nhiều dự án nguồn và lưới điện hiện bị chậm tiến độ so với dự kiến, trong đó có các dự án đang thực hiện đầu tư xây dựng và các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Một số dự án có tiến độ rất chậm và còn tồn tại nhiều vướng mắc như các dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú I, Sông Hậu I, Thái Bình II; nhiều dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT cũng gặp vướng mắc trong quá trình đàm phán bộ Hợp đồng BOT hoặc trong giai đoạn thu xếp vốn, đóng tài chính; nhiều công trình đường dây truyền tải 500, 220 kV gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tình hình nêu trên dẫn đến nguy cơ có thể thiếu điện khá nghiêm trọng tại miền Nam trong những năm tới.

2. Hiện nay, cơ cấu nguồn điện của hệ thống điện quốc gia đã có thay đổi không nhỏ so với Quy hoạch VII điều chỉnh được phê duyệt nhưng chưa được bổ sung, cập nhật kịp thời để có bức tranh tổng thể của ngành Điện giúp cho công tác quản lý và điều hành minh bạch, hiệu quả.

3. Những vấn đề nêu trên cần phải được tiếp tục tập trung xử lý, giải quyết đồng bộ để bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững ngành Điện.

II. NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

Đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, không để xảy ra thiếu điện trong mọi tình huống trong thời gian tới là nhiệm vụ quan trọng trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, ngành và địa phương liên quan cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

1. Bộ Công Thương

- Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan sớm thực hiện rà soát toàn diện Quy hoạch điện VII điều chỉnh phù hợp với thực tiễn hiện nay, trong đó, rà soát tiến độ thực hiện các dự án nguồn điện, lưới điện, các công trình hạ tầng phục vụ ngành điện như cảng than, kho cảng nhập LNG v.v...; cập nhật nhu cầu phụ tải điện, tính toán cân bằng cung - cầu hệ thống điện quốc gia và các miền với các yếu tố thay đổi của nguồn điện trong nước (nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thủy điện, điện mặt trời, điện gió v.v...) và mua điện từ bên ngoài, làm cơ sở để quản lý điều hành quá trình thực hiện các dự án đầu tư nguồn điện, lưới điện và các công trình hạ tầng đồng bộ khác, đáp ứng yêu cầu đủ điện cho sản xuất và đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

- Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến bổ sung các dự án điện mặt trời vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh tại Thông báo số 530/TB-VPCP ngày 13 tháng 11 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương liên quan trong việc điều chỉnh quy hoạch khai thác khoáng sản và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch phát triển điện lực, đưa ra kế hoạch, lộ trình thực hiện quy hoạch cụ thể của từng khu vực khai thác, không để quy hoạch treo.

- Tăng cường công tác kiểm điểm tiến độ các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhất là đối với các dự án nhà máy nhiệt điện; trực tiếp chỉ đạo các chủ đầu tư bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án, công trình điện được giao; xử lý hoặc đề xuất xử lý các dự án chậm tiến độ theo quy định của pháp luật, không để tình trạng các dự án trì trệ, kéo dài, gây ô nhiễm môi trường.

- Rà soát kỹ các khó khăn vướng mắc của từng dự án nguồn và lưới điện đang thực hiện đầu tư xây dựng bị chậm tiến độ, xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm gây chậm tiến độ các dự án để giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất biện pháp giải quyết để thúc đẩy tiến độ dự án, nhất là các dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú I, Sông Hậu I, Thái Bình II.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng đối với các dự án đã hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư; chỉ đạo triển khai thực hiện quá trình đấu thầu, đầu tư xây dựng theo quy định để đảm bảo các dự án vào đúng tiến độ.

- Sớm chỉ đạo hoàn thiện các hồ sơ chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII và chưa thực hiện chuẩn bị đầu tư để đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án, chú ý các dự án có nhiều thuận lợi để triển khai như các dự án nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4; nghiên cứu điều chỉnh quy mô của cảng nhập LNG tại Thị Vải.

- Rà soát tổng thể và đề xuất các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Gói thầu EPC của Dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú I, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2018.

- Chỉ đạo xử lý dứt điểm vấn đề khiếu kiện liên quan đến gói thầu cung cấp thiết bị khử lưu huỳnh - FGD (Gói M05) của Dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu I; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2018.

- Sớm xem xét phương án đầu tư xây dựng Dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I, trong đó xem xét về phương án hợp tác đầu tư của TKV với các đối tác có năng lực và kinh nghiệm, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thực hiện phù hợp để thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án.

- Xem xét, đề xuất chuyển giao chủ đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú III (thay thế chủ đầu tư PVN).

- Sớm chỉ đạo, hướng dẫn EVN đàm phán về giá mua điện và sản lượng điện nhập khẩu từ bên ngoài để giảm áp lực các nguồn điện trong nước và để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng và bán điện về Việt Nam.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường dây 500 kV Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2; sớm xem xét, đề xuất cụ thể về đường dây truyền tải liên kết hai nước Lào - Việt Nam phù hợp với nội dung Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào, đấu nối hệ thống điện và mua bán điện.

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng nghiên cứu tính toán lại, rà soát điều chỉnh lại quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng cho phát triển nguồn điện, trong đó có các cảng trung chuyển nhập khẩu than, kho nhập LNG; làm rõ việc quy hoạch cảng theo hướng tập trung hay phân tán trên cơ sở tính hiệu quả của dự án.

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án điện cấp bách thay thế cho Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp Văn phòng Chính phủ để tổ chức báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, cho ý kiến hoàn thiện.

- Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Đề án Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia và Đề án Chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam; rà soát quy mô phát triển các dạng năng lượng tái tạo nhất là điện mặt trời và điện gió, phát triển thủy điện tích năng trong Đề án Chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam.

2. Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật quy định việc xử lý, sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, giao thông, san lấp mặt bằng... đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2017.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường

[...]