Thông báo số 235/TB-VPCP về việc ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với tỉnh Bình Định về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và triển khai đối phó với bão số 6 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 235/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 13/11/2007 |
Ngày có hiệu lực | 13/11/2007 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Văn Trọng Lý |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 235/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2007 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỈNH BÌNH ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ VÀ TRIỂN KHAI ĐỐI PHÓ VỚI BÃO SỐ 6
Ngày 10 tháng 11 năm 2007, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và triển khai phòng, chống bão số 6 ở tỉnh Bình Định. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và các ban ngành của tỉnh, sau khi nghe báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, ý kiến của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng đã có ý kiến như sau:
1. Từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh Bình Định phải chịu 4 đợt lũ lớn, mức nước trên các sông cao hơn mức lũ lịch sử năm 1999, vượt trên báo động 3 từ 1,0 - 2,0 m, làm thiệt hại nặng về người và tài sản của nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người bị chết, bị thương và gia đình bị thiệt hại về nhà cửa và tài sản. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và chính quyền địa phương các cấp đã chủ động chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống lũ và kịp thời khắc phục hậu quả do lũ gây ra; huy động các lực lượng trên địa bàn thực hiện triệt để việc sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm và triển khai kịp thời công tác cứu hộ, cứu nạn nên đã hạn chế được nhiều thiệt hai.
2. Về công tác tiếp tục khắc phục hậu quả lũ lụt và phòng, chống bão, lụt trong thời gian tới:
Cùng với việc chủ động các phương án phòng, chống bão, lụt trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung chỉ đạo thực hiện các công việc cấp bách sau đây:
- Tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ vật chất kịp thời cho những gia đình có người bị chết, bị mất nhà cửa và tài sản, cứu chữa người bị thương, huy động các lực lượng trên địa bàn và nhân dân giúp đỡ dân dựng lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống của người dân bị thiệt hại. Hỗ trợ lương thực kịp thời, đảm bảo đời sống cho dân, kiên quyết không để người dân nào bị đói do thiếu lương thực Có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ, quan tâm giúp đỡ, bảo đảm ổn định đời sống lâu dài cho những gia đình bị nạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
- Chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi nước rút, cấp đủ thuốc khử trùng làm sạch nguồn nước sinh hoạt, đề phòng xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là trong điều kiện có địch tiêu chảy cấp hiện nay.
- Tập trung sửa chữa những công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ cho đi lại, sinh hoạt và phục hồi sản xuất như: tu bổ đường xá, công trình thủy lợi cấp bách, hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc, làm sạch đồng ruộng, cung cấp đủ giống cây trồng, đặc biệt là giống cây ngắn ngày để nhanh chóng bù lại những thiệt hại về lương thực trong các đợt lũ.
- Tổ chức rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác chỉ đạo chống lũ vừa qua, nhất là việc để nhiều người bị chết do ngập lũ, làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền từng huyện, xã. Không được lơ là chủ quan khi mùa mưa lũ còn hơn một tháng nữa, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đối phó với các tình huống bão, lũ trong thời gian tới.
3. Về những đề nghị của tỉnh:
- Đồng ý tiếp tục hỗ trợ gạo cho tỉnh để chủ động cứu đói. Về kinh phí, trước mắt tỉnh trích ngân sách địa phương đảm bảo hỗ trợ dân sinh theo mức quy định; Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định hỗ trợ chung cho các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua.
- Bộ Y tế kiểm tra, cấp đủ cơ số thuốc y tế, thuốc Chloramin B làm sạch nguồn nước cho các tỉnh bị ngập lũ; cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, không để xảy ra dịch bệnh.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, cấp đủ nhu cầu vacxin lở mồm long móng trâu bò, lợn và vacxin phòng, chống dịch gia súc cho tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung bị ngập lũ; tổng hợp nhu cầu về giống lúa, giống ngô và giống rau, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho các tỉnh bị ngập lũ; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định kiểm tra, có kế hoạch ưu tiên hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước, đê điều, xây dựng kè bảo vệ sạt lở bờ sông; xem xét bố trí vốn sửa chữa đê Huỳnh Giảng đang bị hư hỏng nặng; sớm triển khai dự án đập Văn Phong để phát huy hiệu quả hồ chứa nước Định Bình.
- Bộ Giao thông vận tải thống kê những công trình giao thông bị hư hỏng nặng đổ mưa lũ trên địa bàn tỉnh Bình Định, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ biện pháp và kế hoạch khắc phục; khẩn trương kiểm tra, có phương án sửa chữa nâng cấp cầu Bà Gi trên Quốc lộ 1 bảo đảm an toàn giao thông; đề xuất nguồn vốn đối với tuyến đường ven biển của tỉnh và đường 639; xem xét giải quyết kiến nghị của tỉnh về đầu tư đoạn đường từ Quy Nhơn đi sân bay Phù Cát theo hình thức BOT.
- Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét kiến nghị của tỉnh về việc khoanh nợ, xoá nợ đối với khoản các hộ nuôi tôm vay trước năm 2000, nhưng không có khả năng trả nợ do mất mùa tôm liên tục.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định lập dự án đầu tư di dời khẩn cấp dân đang sống trong các vùng nguy hiểm: sạt lở bờ sông, bờ biển, vùng thường xuyên ngập lũ, xác định nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng nơi định cư mới, các điều kiện cho canh tác đảm bảo cuộc sống của người dân, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Về đầu tư Trung tâm nhiệt điện Cát Khánh, huyện Phù Cát: Bộ Công Thương chỉ đạo công ty tư vấn sớm hoàn thành quy hoạch để trình duyệt, trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành quy chế phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động khoáng sản.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi
nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |