Thông báo 205/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc và gặp gỡ Ngoại giao đoàn năm 2014 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 205/TB-VPCP
Ngày ban hành 20/05/2014
Ngày có hiệu lực 20/05/2014
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Quang Thắng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 205/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TÂY BẮC TẠI HỘI NGHỊ LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG TÂY BẮC VÀ GẶP GỠ NGOẠI GIAO ĐOÀN NĂM 2014

Ngày 06 tháng 5 năm 2014, tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc và gặp gỡ Ngoại giao đoàn năm 2014. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các Bộ, cơ quan: Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh; đại diện 34 đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện 29 tập đoàn, công ty, hiệp hội du lịch trong và ngoài nước; các đồng chí thành viên kiêm nhiệm Ban Chỉ đạo Tây Bắc ở các Bộ, ban, ngành và lãnh đạo Ủy ban nhân dân 14 tỉnh trong vùng Tây Bắc.

Sau khi nghe Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo tiềm năng, lợi thế và tình hình hoạt động du lịch vùng Tây Bắc, định hướng phát triển trong thời gian tới; ý kiến tham luận của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Tây Bắc là vùng đất có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em với cảnh quan hùng vĩ, một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Những năm gần đây, du lịch đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng Tây Bắc. Việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác đã tạo điều kiện cho du lịch Tây Bắc phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi địa phương trong Vùng.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã tăng cường công tác đối ngoại, tích cực đẩy mạnh các mối liên hệ, trao đổi, tiếp xúc với nhiều cơ quan đại diện của các nước và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam nhằm xúc tiến đầu tư về du lịch, quảng bá hình ảnh để thế giới biết đến các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng Tây Bắc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế, đó là:

Du lịch chưa phát huy được tiềm năng, chưa phát triển xứng tầm cả về quy mô và chất lượng; sức cạnh tranh kém so với các vùng du lịch khác trong cả nước. Hiệu quả kinh tế du lịch còn khiêm tốn, chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế. Điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, hoạt động du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm du lịch còn đơn sơ, rời rạc, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch chất lượng chưa cao, chưa có thương hiệu thu hút thị trường trong và ngoài nước.

Liên kết phát triển du lịch ở vùng Tây Bắc chưa hiệu quả, chưa huy động được nguồn lực cho đầu tư. Hợp tác quốc tế còn khiêm tốn so với tiềm năng và triển vọng phát triển của vùng bởi những trở ngại, thách thức do các nguyên nhân khách quan và chủ quan mang lại như: điều kiện giao thông cách trở, đường xá xa xôi, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn nhiều yếu kém, nguồn lực hạn chế, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu quá trình hội nhập, toàn cầu hóa...

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Để đạt được mục tiêu nhằm tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển du lịch vùng Tây Bắc, giúp Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững, cần tập trung giải quyết một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới như sau:

1. Quy hoạch và ưu tiên đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia, đặc biệt đối với 12 khu: Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Thác Bản Giốc (Cao Bằng), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Tân Trào (Tuyên Quang), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Sa Pa (Lào Cai), Thác Bà (Yên Bái), Đền Hùng (Phú Thọ), Điện Biên Phủ-Bá Khoang (Điện Biên), Mộc Châu (Sơn La), Hồ Hòa Bình (Hòa Bình) và 4 điểm du lịch quốc gia đã được xác định trong quy hoạch: Thành phố Lào Cai, thành phố Lạng Sơn, Pắc Pó (Cao Bằng), Mai Châu (Hòa Bình), coi đây là điểm nhấn của du lịch vùng Tây Bắc.

2. Tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách để thu hút mọi nguồn lực xã hội, đẩy mạnh liên kết công tư đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời, có chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông vận tải, khách sạn, hạ tầng du lịch và các hạ tầng kỹ thuật cần thiết khác phục vụ du lịch. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nhà đầu tư chiến lược và đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Tập trung triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hoạt động kết nối du lịch với nước ngoài, tận dụng lợi thế của vùng Tây Bắc sát thị trường du lịch các nước lân cận, nhất là tuyến du lịch quan trọng.

4. Đẩy mạnh liên kết vùng, liên vùng trong thực hiện quy hoạch, phát triển các sản phẩm du lịch. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gắn với đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch Tây Bắc; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, gắn kết giữa các hình thức du lịch văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch hướng về lịch sử, cách mạng, du lịch mua sắm thương mại cửa khẩu...

5. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đầu tư đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại địa phương để góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào.

6. Để phù hợp với tình hình phát triển du lịch hiện nay, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng các Đề án:

- “Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch vùng Tây Bắc đến năm 2020, tầm nhìn 2030”;

- “Quy hoạch điều chỉnh tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

- “Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững”;

- “Bảo tồn, tôn tạo và sưu tầm những Di sản văn hóa cấp quốc gia đặc biệt và thế giới đã được công nhận để phát huy giá trị nhằm phát triển du lịch và kinh tế - xã hội” gắn với bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử cách mạng đối với các địa phương vùng Tây Bắc.

7. Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục trao đổi, thống nhất chương trình phối hợp công tác hàng năm với chủ đề: “Liên kết phát triển du lịch - động lực phát triển kinh tế vùng Tây Bắc”.

8. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các Bộ, ngành tích cực giúp đỡ các địa phương trong vùng thúc đẩy, mở rộng quan hệ, trao đổi, tiếp xúc với các cơ quan đại diện ngoại giao và các tổ chức phát triển nước ngoài tại Việt Nam xúc tiến đầu tư nhằm tranh thủ tối đa sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong tìm kiếm, vận động nguồn lực đầu tư phát triển. Chủ động xây dựng và đề xuất các dự án phát triển từ các nguồn vốn quốc tế; phối hợp với các địa phương, ban, ngành đề xuất danh mục các dự án tài trợ cụ thể.

9. Các địa phương trong vùng chủ động xây dựng, đề xuất các dự án phát triển du lịch, tận dụng lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Đồng thời, tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế để phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển du lịch. Thường xuyên củng cố, kiện toàn cơ quan ngoại vụ địa phương, xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại theo hướng chuyên nghiệp, tinh thông, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ hội nhập quốc tế; chú trọng quan hệ biên giới các nước chặt chẽ, chủ động trong mọi tình huống.

10. Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao hàng năm tổ chức các sự kiện, diễn đàn phát triển du lịch Tây Bắc gắn với đầu tư phát triển thương hiệu du lịch Tây Bắc; định kỳ 5 năm một lần tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc và gặp gỡ Ngoại giao đoàn. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết phát triển du lịch trong vùng Tây Bắc và liên kết giữa vùng Tây Bắc với các tỉnh, thành phố, các vùng trong cả nước để hợp tác, đầu tư phát triển du lịch; cụ thể hóa nội dung liên kết trong vùng và liên kết ngoài vùng.

11. Đối với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, phối hợp với các tỉnh vùng Tây Bắc trong việc cụ thể hóa liên kết, hợp tác du lịch, quảng bá một cách thiết thực, khả thi, đi vào chiều sâu và tạo điều kiện để du lịch vùng Tây Bắc phát triển.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các Bộ, cơ quan liên quan và các tỉnh vùng Tây Bắc biết, thực hiện./.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ