Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông báo 193/TB-TCT kết luận của Tổng cục trưởng tại Hội nghị triển khai giải pháp phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2012 do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 193/TB-TCT
Ngày ban hành 18/07/2012
Ngày có hiệu lực 18/07/2012
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Đoàn Xuân Trường
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 193/TB-TCT

Hà Nội, ngày 18 tháng 07 năm 2012

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ THU NSNN NĂM 2012

Ngày 13-14/7/2012 tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2012. Đến dự Hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và đồng chí Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính đã phát biểu chỉ đạo Hội nghị ngành Thuế. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, ý kiến tham gia, thảo luận của các đơn vị tại Hội nghị, đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam kết luận như sau:

Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế nước ta đã trải qua giai đoạn khá nặng nề với nhiều khó khăn và thách thức, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc ngừng kinh doanh; chỉ số hàng tồn kho tăng cao, số doanh nghiệp khai lỗ gia tăng, chi phí lãi vay lớn, tác động bất lợi đến tình hình sản xuất kinh doanh, tác động đến tổng cầu của toàn bộ nền kinh tế; GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 4,38% (quý I tăng 4%; quý II ước tăng 4,66%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch (tăng 0-6,5%) và cùng kỳ 2 năm trở lại. So với nhiều năm qua, đây là năm khó khăn nhất trong công tác thu ngân sách, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoàn thành dự toán pháp lệnh năm 2012. Tuy nhiên, toàn ngành đã đồng lòng, đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, đề án quản lý thuế nhằm tăng thu, chống thất thu ngân sách Trong khó khăn, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc, dám nghĩ, dám làm, đã có nhiều nếp nghĩ, nếp làm mới, nhất là những địa phương trọng điểm, các “đầu tầu” kinh tế của khu vực, vùng miền. Nhờ đó nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm đã được những kết quả căn bản, tạo ra sức mạnh, niềm tin và động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm và cả năm 2012.

Đối với 6 tháng còn lại, theo dự báo, nền kinh tế nước ta đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, tình hình kinh tế vĩ mô sẽ ổn định và khai sắc trở lại, tăng trưởng kinh tế tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Lãi suất tiếp tục giảm, lạm phát sẽ được kiềm chế đảm bảo mục tiêu đề ra, an sinh xã hội tiếp tục được duy trì tốt. Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư từ NSNN; giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ; ứng trước vốn đầu tư đối với các dự án trọng điểm, có khả năng hoàn thành trong năm 2012; các khoản chi tiêu, mua sắm công; mức tăng trưởng tín dụng..., đáng chú ý là tất cả những khoản này đều được bố trí trong kế hoạch của Chính phủ, Quốc hội. Từ đó, có tác dụng làm tăng tổng cầu, giúp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu sẽ sôi động hơn và kích thích tăng trưởng của nền kinh tế, tạo tiền đề, cơ sở quan trọng cho công tác thu ngân sách. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2012 và các năm tiếp theo còn hết sức nặng nề. Điều này đòi hỏi toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành cần bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, tiếp tục phấn đấu, vượt qua thách thức, phát huy những kết quả đã đạt được, triển khai quyết liệt các biện pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2012, cụ thể:

1. Về công tác chỉ đạo thu NSNN

(1) Toàn ngành triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 29/2012/NQ-QH13 của Quốc hội và Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành. Đảm bảo thực hiện nhanh chóng và kịp thời; đúng chính sách, chế độ; công khai, minh bạch và công bằng; Tạo thuận lợi tối đa cho đối tuợng thụ hưởng, tránh việc gây khó khăn, phiền hà, tạo ra niềm tin, sự phấn khởi, sức lan toả sâu rộng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, (Các Vụ/Đơn vị, Cục Thuế các tỉnh/thành phố)

(2) Các Cục Thuế tham mưu kịp thời với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các quận/huyện trên địa bàn tích cực đề ra các giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển, trợ giúp doanh nghiệp gặp khó khăn, đồng thời phối hợp kịp thời với cơ quan thuế trong việc đôn đốc thu thuế; tập trung chỉ đạo quản lý khai thác tăng thu đối với các nguồn thu còn tiềm năng, bù đắp nguồn thu để đảm bảo chủ động cân đối thu chi và góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN theo kế hoạch đã đề ra. (Cục Thuế các tỉnh/thành phố)

(3) Tập trung, nỗ lực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách. Bên cạnh số lượng cần chú trọng đến chất lượng của công tác thanh tra, kiểm tra tra. Ngoài việc phát hiện truy thu cho ngân sách, thanh tra, kiểm tra còn có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, do vậy, cần phải thực hiện công khai kết quả thanh tra, kiểm tra để phê phán các hành vi cố tình gian lận, trốn lậu thuế (Thanh tra, Cục Thuế các tỉnh/thành phố);

- Xuất phát từ bối cảnh khó khăn trong việc thu ngân sách hiện nay, sẽ phát sinh rủi ro ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành dự toán pháp lệnh. Do đó, trên cơ sở kế hoạch đã đề ra, trong 6 tháng cuối năm, toàn ngành cần tập trung thanh tra, kiểm tra đối với những doanh nghiệp có số thu lớn, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính tín dụng, các định chế tài chính (nhất là thanh tra, kiểm tra đối với việc trích lập dự phòng), các doanh nghiệp bảo hiểm... Đồng thời phấn đấu hết năm 2012 thu 80% kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán (đối với những kết luận, kiến nghị không có khiếu nại). Bên cạnh đó, cơ cấu lại lực lượng thanh tra, kiểm tra theo một lộ trình cụ thể: từ 18% hiện nay lên 25% trong cuối năm hoặc sang năm 2013 và 30-35% trong các năm tiếp theo.

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá. Trên cơ sở kết quả đã đạt được tại các địa phương (TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Dương...) thực hiện nhân rộng ra phạm vi toàn quốc.

(4) Nợ đọng thuế 6 tháng đầu năm tăng cao, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là không gia tăng nợ mới và đưa số nợ hiện nay về khoảng 30.000 ngàn tỷ đồng (tương ứng với mục tiêu tỷ lệ nợ thuế không vượt quá 5% tổng thu NSNN). Do đó, toàn ngành phải đẩy mạnh việc thực hiện đôn đốc thu hồi nợ đọng và cũng như tăng cường các biện pháp quản lý nợ đọng thuế nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Đối với niên độ ngân sách 2012, Tổng cục sẽ tham mưu, báo cáo Bộ xem xét chỉ xử lý ngân sách cho những địa phương bị hụt thu “ngân sách địa phương” (nếu có) trong trường hợp Cục Thuế đó có chỉ tiêu nợ dưới 5% và chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra từ 14% số doanh nghiệp trên địa bàn trở tên (Vụ QLN, Cục Thuế các tỉnh/thành phố)

(5) Đẩy mạnh kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh để phát hiện kịp thời các trường hợp thực tế có kinh doanh nhưng không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế để đưa vào diện quản lý. Tập trung rà soát việc kê khai của các tổ chức, cá nhân, phát hiện ngay các trường hợp kê khai không đúng số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời; theo dõi chặt chẽ việc kê khai thuế của các doanh nghiệp có số thu lớn, yêu cầu kê khai sát số phát sinh. (Vụ KK, Cục Thuế các tỉnh/thành phố)

(6) Tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa biên mậu theo Quyết định số 139/2009/QĐ-TTg ngày 23/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ ở các địa phương có biên giới đường bộ và hoạt động thương mại điện tử nói chung và kinh doanh qua mạng Internet nói riêng. (Vụ CS, Ban CC, các Cục Thuế liên quan)

(7) Toàn ngành thực hiện rà soát lại việc hoàn thuế GTGT đối với hàng hoá nông sản xuất khẩu, hoàn thành trước 31/7/2012. Bắt đầu từ tháng 8/2012 trở đi, nếu lực lượng thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng (Thuế, Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ,..) phát hiện sai phạm sẽ thuộc trách nhiệm của Cục trưởng Cục Thuế địa phương. (Cục Thuế các tỉnh/thành phố)

(8) Thực hiện xây dựng Đề án quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tập trung vào những lĩnh vực như: kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống...nhằm hạn chế tình trạng bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hoá đơn, tiến tới tạo ra sự văn minh cho người nộp thuế và tăng thu cho NSNN. Trước mắt, Cục Thuế TP Hà Nội và Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm trước, xây dựng các đề án cụ thể, lộ trình thực hiện, báo cáo kết quả triển khai để nhân rộng ra phạm vi cả nước (Cục Thuế TP Hà Nội và Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh)

(9) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, từ nay đến cuối năm các Cục Thuế tổng hợp kịp thời các trường hợp vướng mắc về cơ chế chính sách thuế, quy trình nghiệp vụ quản lý thuế đang có ý kiến khác nhau về Tổng cục để xem xét, xử lý kịp thời, gắn với việc tổ chức nhiều hơn nữa các buổi đối thoại với người nộp thuế (các Vụ, Phòng chức năng của Tổng cục, Cục Thuế phải tham gia các buổi đối thoại), tạo điều ra kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.

Cùng với việc tuyên truyền kịp thời các văn bản mới ban hành, toàn ngành cần thực hiện sâu rộng hơn nữa công tác tuyên truyền về ngành Thuế gắn với thực hiện có hiệu quả các biện pháp cải cách thủ tục hành chính thuế, sẽ tạo ra sự gần gũi, thân thiện với người nộp thuế, góp phần cải thiện và nâng cao hình ảnh cán bộ thuế trong xã hội. Ngoài ra cần có chế độ khuyến khích, động viên, biểu dương kịp thời những gương mặt, các điển hình tiên tiến trong toàn ngành, (Vụ TTHT, Cục Thuế các tỉnh/thành phố)

(10) Về công tác xây dựng dự toán thu NSNN năm 2013 (Vụ DT, Vụ KK, Cục Thuế các tỉnh/thành phố):

- Cục trưởng Cục Thuế các địa phương cần xác định công tác xây dựng dự toán là nhiệm vụ chung của toàn ngành đồng thời cần thực hiện đổi mới phương pháp thực hiện so với các năm trước đây; Kịp thời báo cáo, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền các địa phương không thực hiện giao tăng thu ngân sách trên địa bàn (sau khi Chính phủ, Bộ Tài chính đã giao dự toán hàng năm)

- Thực hiện đánh giá kết quả thu năm 2012 đảm bảo sát với thực tế phát sinh, nhất là trong bối cảnh điều kiện kinh tế rất khó khăn như hiện nay đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Tổng hợp, đánh giá chi tiết các khoản đuợc miễn, giảm, gia hạn theo Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội ảnh hưởng đến số thu ngân sách năm 2012, năm 2013. Đồng thời yêu cầu các Cục Thuế hướng dẫn, chỉ đạo các Chi cục Thuế báo cáo, đánh giá chi tiết tình hình thực hiện Nghị quyết số 08/2011/QH13, tổng hợp, báo cáo Tổng cục kịp thời, đây là nội dung quan trọng, được Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội lựa chọn để giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 của ngành Thuế.

- Cục Thuế các địa phương cần phân tích, đánh giá các nguồn thu, xây dựng phương án sát với số kiểm tra của Tổng cục, tránh tình trạng xây dựng ngân sách như các năm qua, để chênh lệch quá nhiều, tạo ra khó khăn trong quá trình thảo luận, quyết định khung ngân sách.

- Phối hợp thường xuyên vói KBNN các địa phương trong quá trình xây dựng dự toán nhằm xác định chính xác và cập nhật số liệu thu NSNN trên địa bàn. Tổng cục sẽ phải hợp với KBNN trung ương để cập nhật số thu của từng địa phương, làm căn cứ để tính toán và thảo luận với các Cục Thuế.

2. Về công tác cải cách, hiện đại hoá

(11) Các Cục Thuế địa phương chủ động, tham mưu, báo cáo UBND đồng tình, ủng hộ chủ trương thí điểm giảm tần suất kê khai thuế GTGT đối với doanh nghỉệp nhỏ và vừa (kê khai hàng tháng, chuyển thành khai hàng quý), làm cơ sở để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. (Hiện nay, Bộ Tài chính đã có văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành và UBND các địa phương) (Cục Thuế các tỉnh/thành phố)

(12) Triển khai thực hiện tốt ứng dụng CNTT trong quản lý thuế TNCN tại 63 Cục Thuế địa phương, tạo tiền đề vật chất, điều kiện quan trọng để tiến tới thực hiện Luật thuế TNCN sửa đổi bổ sung; Xem xét, xây dựng Đề án ứng dụng chữ ký số trong nội bộ ngành, thông qua việc báo cáo một số thông tin, tài liệu; Củng cố chất lượng đối với hơn 125.000 doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng Intemet như hiện nay (đảm bảo các doanh nghiệp này không thực hiện gửi hồ sơ giấy), tiếp tục mở rộng đảm bảo cuối năm thực hiện được 200.000 doanh nghiệp; Đẩy mạnh việc phối hợp thu thuế với hệ thống các ngân hàng thương mại trên phạm vi toàn quốc;

Chuẩn bị điều kiện vật chất, cơ sở pháp lý để cơ quan thuế mở tài khoản chuyên thu tại các ngân hàng thương mại, cải tiến một bước công tác kế toán thuế, góp phần xử lý nợ ảo; Sớm hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thuế tập trung, thống nhất (bao gồm cả 03 cấp quản lý thuế) trên phạm vi toàn quốc; Tăng cường quản lý thu thuế đối với khối doanh nghiệp lớn; Hoàn thiện Đề án kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống pháp chế trong toàn ngành đảm bảo thực hiện theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ. (Các Vụ/Đơn vị và Cục Thuế các tỉnh/thành phố)

3. Các công việc trọng tâm khác:

[...]