Báo cáo 185/BC-BYT về báo cáo tình hình bệnh cúm A (H5N1) và các biện pháp phòng, chống dịch do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu | 185/BC-BYT |
Ngày ban hành | 15/03/2006 |
Ngày có hiệu lực | 15/03/2006 |
Loại văn bản | Báo cáo |
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Người ký | Đỗ Hán |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế |
BỘ Y TẾ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 185/BC-BYT |
Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2006 |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH BỆNH CÚM A (H5N1) VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH (Báo cáo số 85)
Tiếp theo báo cáo số 84 ngày 10/03/2006, Bộ Y tế xin báo cáo tình hình bệnh cúm A(H5N1) và một số biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai như sau:
I. TÌNH HÌNH BỆNH CÚM A (H5N1) Ở NGƯỜI:
1. Tình hình trên Thế giới:
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới ngày 10/03/2006:
Tại Indonesia: Bộ y tế Indonesia đã ghi nhận 01 trường hợp mắc cúm mới A(H5N1) bệnh nhân nam 4 tuổi, sống ở Semerang, Trung tâm tỉnh Java, khởi bệnh ngày 10/02/2006 và tử vong ngày 28/02/2006. Các nhà chức trách địa phương đã khẳng định có gà chết tại các gia đình hàng xóm của bệnh nhân.
Hiện nay dịch cúm gia cầm đang lây lan rất mạnh tại các vùng ở trung tâm và phía đông tỉnh Java.
Đến nay tại Indonesia đã có 28 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó có 21 trường hợp tử vong.
Kể từ tháng 12/2003 đến nay, trên thế giới đã ghi nhận 176 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó có 97 trường hợp tử vong tại 7 quốc gia: Thái Lan (mắc 22, chết 14), Indonesia (mắc 28, chết 21), Campuchia (mắc 4, chết 4), Trung Quốc (mắc 15, chết 10), Việt Nam (mắc 93, chết 42), Thổ Nhĩ Kỳ (mắc 12, chết 04), Iraq (mắc 02, chết 02).
2. Tình hình trong nước:
Trong các ngày 10/03 - 13/03/2006, không ghi nhận trường hợp nào dương tính với cúm A(H5N1).
Tính từ ngày 14/11/2005 đến nay đã gần 4 tháng không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Kể từ trường hợp mắc cúm A(H5N1) đầu tiên tại Việt Nam (26/12/2003) đến nay đã ghi nhận 93 trường hợp mắc tại 32 tỉnh/thành phố, trong đó có 42 trường hợp tử vong.
II. CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH ĐÃ TRIỂN KHAI:
1. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan Thông tấn và báo chí tuyền truyền nhân dân về sử dụng gia cầm sạch, có nguồn gốc, không bị bệnh, có kiểm định của cơ quan thú y và đảm bảo vệ sinh cá nhân, tăng cường kiểm tra giám sát sử dụng gia cầm, đề phòng dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ khi nào.
2. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện chiến dịch Vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại trên phạm vi cả nước từ 01/03/2006 đến 31/03/2006. Tổ chức thực hiện điểm tại các tỉnh Hà Tây, Quảng Nam, Tiền Giang.
3. Công văn 1617/BYT-DP ngày 10/3/2006 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phối hợp tăng cường công tác phòng chống dịch cúm A(H5N1) tại các địa phương.
4. Phối hợp với Ủy ban nhân dân, Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam chuẩn bị triển khai tổ chức Lễ phát động Chiến dịch Vệ sinh chuồng trại, vệ sinh môi trường phòng chống dịch cúm A(H5N1) vào ngày 14/03/2006.
5.Tiếp tục tổng hợp danh sách các Bộ, ngành tham gia thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người theo Quyết định 348/QĐ-TTg ngày 21/02/2006 của Thủ tướng Chính Phủ.
6.Dự thảo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, gửi xin ý kiến đóng góp của các Viện thuộc hệ Y tế dự phòng và Sơ Y tế 64 tỉnh/thành phố. Công văn gửi các Bộ, ngành liên quan đề nghị cử cán bộ tham gia thành viênBan soạn thảo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.
7. Tích cực triển khai hoạt động các Dự án hợp tác Quốc tế hỗ trợ cho công tác phòng chống cúm A(H5N1) tại Việt Nam
Bộ Y tế báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ để tiếp tục thực hiện.
Xin trân trọng cảm ơn.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |