Thông báo 13/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ tại phiên họp Ban Chỉ đạo do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 13/TB-VPCP
Ngày ban hành 11/01/2013
Ngày có hiệu lực 11/01/2013
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Hữu Vũ
Lĩnh vực Giáo dục

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 13/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2013

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA HỘI NHẬP QUỐC TẾ VỀ GIÁO DỤC VÀ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ TẠI PHIÊN HỌP CỦA BAN CHỈ ĐẠO

Ngày 15 tháng 12 năm 2012, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ đã chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có các đồng chí Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân; các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh; đại diện các Bộ là thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an; đại biểu mời dự có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tóm tắt tình hình hợp tác về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo với Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Đức; ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có các ý kiến kết luận như sau:

Thời gian qua, các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều hoạt động phát triển hợp tác quốc tế thông qua việc ký kết, triển khai nhiều hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.

Để phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nhân lực trình độ cao, phù hợp với mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, cần làm rõ mục tiêu, yêu cầu hợp tác quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ ở tầm quốc gia.

Về mục tiêu, cần lựa chọn các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học mạnh ở các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam và các nước là cường quốc về khoa học, công nghệ để phối hợp với các đơn vị trong nước xây dựng các trường đại học và trường dạy nghề trình độ quốc tế, xây dựng các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở các lĩnh vực công nghệ ưu tiên trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.

1. Việc xây dựng các trường đại học và trường dạy nghề trình độ quốc tế có thể tiến hành theo nhiều cách khác nhau, tùy điều kiện của nước hợp tác và cơ quan cho vay vốn ODA. Có thể thành lập mới hoàn toàn một trường đại học theo chuẩn mực chất lượng của nước đối tác, hoặc nâng cấp từ khoa, ngành đào tạo theo chuẩn mực của nước và trường đối tác. Việc hình thành các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc cần dựa trên các Trung tâm nghiên cứu mạnh của Việt Nam và phối hợp với một hoặc một số Trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở nước ngoài. Ở cấp quốc gia, cần xác định mục tiêu và theo dõi hợp tác quốc tế để làm chủ và ứng dụng nhanh các công nghệ cao như: công nghệ sinh học, cơ điện tử, tin học, công nghệ vũ trụ, tự động hóa, vật liệu mới và nano…, hay các ngành khoa học cơ bản như toán, vật lý. Hoạt động của các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc có thể có 3 mức, tương ứng với 3 giai đoạn: (1) Phối hợp để đào tạo nhân lực cho Trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam (thạc sỹ và tiến sỹ); (2) Tiến hành các nghiên cứu chung và công bố chung kết quả; (3) Ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế Việt Nam. Đối tác phía Việt Nam trong hợp tác nghiên cứu với đối tác nước ngoài nên từ 2 đến 4 đơn vị mạnh nhất trong nước về lĩnh vực liên quan. Việc hình thành các trường đại học và trường dạy nghề trình độ quốc tế, các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc là cơ hội quan trọng để thu hút sự tham gia, đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài.

Để xây dựng các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc, căn cứ vào Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng kế hoạch để triển khai các việc sau đây:

a) Xác định các nhóm công nghệ cần ưu tiên làm chủ, phát triển và ứng dụng đến năm 2020;

b) Xác định các nhóm đơn vị nghiên cứu khoa học, các trường đại học cần được giao nhiệm vụ triển khai xây dựng các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc để phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến ở tầm quốc gia;

c) Các đơn vị nghiên cứu khoa học, các trường đại học nói trên đề xuất danh mục các loại đề tài nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ cần được triển khai và danh sách các tổ chức nghiên cứu khoa học, các trường đại học trình độ cao ở nước ngoài (các nước là đối tác hợp tác chiến lược của Việt Nam, các nước mạnh về khoa học và công nghệ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam) cần được vận động để hợp tác với Việt Nam xây dựng các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc;

d) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ và địa phương liên quan dự kiến mức kinh phí có thể dành cho việc xây dựng các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc và tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ trong giai đoạn đến năm 2020;

đ) Các đơn vị nghiên cứu khoa học, các trường đại học nói trên tổ chức trao đổi, thảo luận với các đối tác nước ngoài dự kiến về kế hoạch hợp tác xây dựng các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở Việt Nam, làm rõ khả năng hỗ trợ, hợp tác của phía bạn và các yêu cầu về nhân lực, điều kiện nghiên cứu và tài chính của các đơn vị Việt Nam để có thể hợp tác, cụ thể hóa các hướng nghiên cứu, các đề tài nghiên cứu và ứng dụng cần hợp tác;

e) Các đơn vị nghiên cứu khoa học, các trường đại học đánh giá kết quả làm việc với các đối tác nước ngoài, đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ danh sách các tổ chức nghiên cứu khoa học, các trường đại học nước ngoài cần được lựa chọn làm đối tác chiến lược để xây dựng các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở Việt Nam; nhu cầu kinh phí dự kiến cho giai đoạn đến năm 2015 và năm 2020, dự kiến các kết quả đạt được;

g) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, tổng hợp các đề xuất về xây dựng các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia Hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ xem xét, quyết định Kế hoạch xây dựng các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc của Việt Nam đến năm 2020.

Đồng thời, Bộ chủ trì xây dựng Kế hoạch chi tiết xây dựng các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc của Việt Nam đến năm 2020 theo tinh thần nêu trên, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2013 và phấn đấu hoàn thành việc thực hiện kế hoạch này trước ngày 31 tháng 7 năm 2013 để triển khai từ tháng 01 năm 2014.

2. Trên cơ sở Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 và Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lập đề án xây dựng các trường đại học, trường dạy nghề đạt trình độ quốc tế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó làm rõ nhu cầu nhân lực trình độ quốc tế ở các ngành, nghề gì, đối tác nước ngoài được xác định thế nào, phương thức quản lý nhà trường, điều kiện tài chính để thành lập và vận hành các cấp đào tạo này, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 3 năm 2013.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam để ký trong tháng 01 năm 2013 thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực theo chuẩn nghề nghiệp của Đức và Nhật Bản tại Việt Nam, cung cấp cho các doanh nghiệp Đức, Nhật Bản và doanh nghiệp khác ở Việt Nam.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cử 01 Lãnh đạo Bộ để bổ sung tham gia Ban Chỉ đạo quốc gia Hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia, Văn phòng Chính phủ trình các biện pháp kiện toàn bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia theo tinh thần Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trục thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;
- Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Các thành viên BCĐQG Hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Cổng TTĐT;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ