Thông báo 112/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Tây Bắc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 112/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 19/03/2014 |
Ngày có hiệu lực | 19/03/2014 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Quang Thắng |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 112/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 19 tháng 03 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO TÂY BẮC VỚI BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Ngày 06 tháng 3 năm 2014, tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo Tây Bắc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Dân tộc về công tác dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và phòng, chống tệ nạn xã hội vùng Tây Bắc.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
1. Hoan nghênh Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chuẩn bị chu đáo nội dung làm việc; cơ bản thống nhất với báo cáo và đánh giá cao những kết quả công tác của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tại vùng Tây Bắc, những ý kiến tâm huyết, sâu sắc và đề xuất kiến nghị cụ thể, khả thi của các đại biểu dự họp để tháo gỡ vướng mắc trong công tác dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và phòng, chống tệ nạn xã hội vùng Tây Bắc.
2. Năm 2013, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành, địa phương vùng Tây Bắc đã nỗ lực, sáng tạo thực hiện đồng bộ các giải pháp và đạt được những kết quả đáng khích lệ sau:
- Tỷ lệ giảm nghèo đạt 3,04%, gấp khoảng 1,7 lần mức bình quân cả nước;
- Mạng lưới dạy nghề được mở rộng, chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, mô hình xuất khẩu lao động cho người lao động thuộc hộ nghèo được triển khai tích cực ở một số huyện nghèo;
- Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm, trong đó công tác cai nghiện, quản lý, hỗ trợ tạo việc làm và thu nhập sau cai nghiện đạt kết quả tốt ở một số địa phương.
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, gấp khoảng 2,7 lần so với tỷ lệ bình quân cả nước; số người nghiện ma túy còn lớn, công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn hạn chế; đào tạo nghề gắn với tạo việc làm chưa hiệu quả; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp; công tác xuất khẩu lao động và quản lý lao động phổ thông di chuyển tự do qua biên giới Trung Quốc và Lào còn hạn chế.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Ban Chỉ đạo Tây Bắc để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã thảo luận, thống nhất và quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau:
a) Về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững
- Trước tiên, cấp ủy đảng, chính quyền xã, huyện, tỉnh cần rà soát, tìm rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp thiết thực để giảm nghèo bền vững ở địa phương mình;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành và địa phương vùng Tây Bắc cần tập trung hơn nữa cho công tác giảm nghèo đối với các huyện, xã khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ các đối tượng cận nghèo và những hộ vừa thoát nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, giảm khoảng cách về thu nhập và đời sống của người dân trên từng địa bàn;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các Bộ, ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ:
+ Rà soát, đánh giá toàn diện chính sách giảm nghèo, làm cơ sở hệ thống các chính sách để dễ hướng dẫn, thuận lợi cho việc triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát;
+ Nghiên cứu, xây dựng đề án giảm nghèo toàn diện, phù hợp với đặc điểm vùng Tây Bắc; phân loại đối tượng nghèo cần hỗ trợ, nhất là đối tượng mà Nhà nước có chính sách cho không, đối tượng có hỗ trợ để tự tạo việc làm và thu nhập, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
+ Nhân rộng mô hình tài chính vi mô cho vay thoát nghèo thành công.
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc hoàn thiện thêm Đề tài nghiên cứu khoa học năm 2012 "Nâng cao hiệu quả ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách xóa đói giảm nghèo tại địa bàn vùng cao Tây Bắc", bàn giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để phục vụ việc xây dựng, triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo vùng Tây Bắc;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện hiệu quả các nguồn vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo.
b) Về công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng Tây Bắc triển khai hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05 tháng 11 năm 2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; đào tạo nghề phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của vùng; đẩy mạnh xuất khẩu lao động;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Chỉ đạo Tây Bắc chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2020; phát hiện kịp thời những vấn đề bất cập, nảy sinh từ cơ sở để tham mưu, đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả Đề án, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn vùng Tây Bắc;
- Các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ban Chỉ đạo Tây Bắc thực hiện hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy nghề của các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề trong vùng, từng bước xây dựng lộ trình hình thành các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực những ngành mũi nhọn ưu tiên của từng huyện, từng tỉnh trong vùng gắn với đầu ra để phát triển vùng Tây Bắc;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 267/2005/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu lao động vùng Tây Bắc; chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, sử dụng nguồn lao động của địa phương, tạo việc làm và thu nhập cho người dân vùng nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
c) Về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội