Thông báo số 111/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị Đổi mới doanh nghiệp nhà nước do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 111/TB-VPCP
Ngày ban hành 29/04/2008
Ngày có hiệu lực 29/04/2008
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Phạm Viết Muôn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:  111/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI HỘI NGHỊ ĐỔI MỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Ngày 23 tháng 4 năm 2008, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì Hội nghị Đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Tham dự có đại diện các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91, các ngân hàng thương mại nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Sau khi nghe Báo cáo công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và chương trình, kế hoạch giai đoạn 2008-2010 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Báo cáo tham luận của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và ý kiến của một số đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng kết luận như sau:

I. Công tác sắp xếp, đổi mới DNNN đã được Chính phủ, các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả: cơ chế, chính sách đã được sửa đổi khá đồng bộ nhằm nâng cao tính công khai minh bạch và hiệu quả trong sắp xếp, cổ phần hóa, đổi mới tổ chức quản lý DNNN. Sắp xếp lại một bước quan trọng DNNN, giảm mạnh các doanh nghiệp nhỏ, thua lỗ, DNNN hoạt động hiệu quả hơn. Việc cổ phần hóa được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, có nhiều DNNN quy mô vừa và lớn được cổ phần hóa; hầu hết doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đều hoạt động tốt hơn. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được đổi mới một bước, nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh, tiếp tục giữ được vai trò nòng cốt và góp phần bảo đảm cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Đã giải quyết tốt chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại DNNN tạo thêm được sự đồng thuận, bảo đảm an sinh xã hội. Những kết quả đạt được thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc đổi mới, sắp xếp DNNN, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế là đúng đắn, cần tiếp tục triển khai tốt hơn.

Tuy nhiên, DNNN và công tác đổi mới DNNN cũng còn có những hạn chế là: nhìn chung quy mô DNNN chưa lớn; còn nhiều doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ vốn và giữ cổ phần chi phối hoạt động trong những ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần chi phối; việc đổi mới quản lý trong DNNN còn chậm, hiệu quả hoạt động kinh doanh chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước; một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã đầu tư vào những lĩnh vực ít liên quan đến ngành nghề kinh doanh của tập đoàn, không xuất phát từ điều kiện, lợi thế của tập đoàn, nhất là trong lĩnh vực có độ rủi ro cao như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu chính khi thành lập doanh nghiệp; việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh chưa có kết quả rõ rệt, việc sử dụng đất đai trong các lâm trường có nhiều biểu hiện phức tạp, chậm được rà soát, xử lý; nhiều cán bộ quản lý DNNN chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị DNNN trong điều kiện chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

II. TRƯỚC THỰC TRẠNG VÀ YÊU CẦU NÂNG CAO HIỆU QUẢ, SỨC CẠNH TRANH CỦA DNNN, CÁC BỘ, ĐỊA PHƯƠNG, TẬP ĐOÀN KINH TẾ VÀ TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN TỐT CÁC CÔNG VIỆC SAU:

1. Trên cơ sở ý  kiến phát biểu tại Hội nghị và qua theo dõi, các Bộ nghiên cứu trình Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới DNNN. Trong đó, chú trọng cơ chế quản lý tài chính, các quy định liên quan đến người lao động khi cổ phần hóa DNNN; việc bán cổ phần của dự án đầu tư cho người có đất trong diện phải giải tỏa để thực hiện dự án; cổ phần hóa DNNN sản xuất, cung ứng những sản phẩm, dịch vụ công ích có điều kiện; việc cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước quản lý nhiều đất, có vị trí địa lý thuận lợi. Chưa cổ phần hóa trường học, bệnh viện. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quy định về việc chuyển những đơn vị sự nghiệp có đủ điều kiện thành công ty cổ phần theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1699/VPCP-ĐMDN ngày 30 tháng 3 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ.

2. Các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà  nước thực hiện nghiêm túc phương án sắp xếp, đổi mới DNNN trực thuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung phương án để đạt được mục tiêu sắp xếp, đổi mới DNNN đến năm 2010 nếu thấy cần thiết.

a) Tiếp tục thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo kế hoạch và lộ trình đã đề ra. Trong đó, chú ý:

- Căn cứ vào tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để xác định những doanh nghiệp mà Nhà nước cần tiếp tục duy trì 100% vốn điều lệ và tỷ lệ cổ phần Nhà nước cần nắm giữ ở những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.

- Gắn cổ phần hóa với phát triển bền vững thị trường chứng khoán, sắp xếp lịch trình bán đấu giá cổ phần lần đầu một cách hợp lý, nếu phát hành lần đầu chưa bán hết cổ phần thì điều chỉnh tăng tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ và sau đó tiếp tục bán.

- Căn cứ vào ngành, lĩnh vực hoạt động của mỗi DNNN để lựa chọn cổ đông chiến lược phù hợp là những nhà đầu tư kinh doanh cùng ngành, nghề hoặc có năng lực tài chính, trình độ quản trị doanh nghiệp. Việc lựa chọn cổ đông chiến lược của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN quy mô lớn phải dựa vào tư vấn có kinh nghiệm; nếu có nhiều nhà đầu tư chiến lược cùng đăng ký mua cổ phần thì tổ chức đấu giá để lựa chọn.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ quy định hiện hành, thực trạng của địa phương và ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa mà quyết định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cho hợp lý.

b) Đối với việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh:

- Chưa cổ phần hóa nông, lâm trường quốc doanh. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan nghiên cứu xác định những bộ phận sản xuất, làm dịch vụ trong nông, lâm trường có thể thực hiện cổ phần hóa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sơ kết việc thí điểm cổ phần hóa vườn cây gắn với cơ sở chế biến.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và các cơ quan liên quan phải khẩn trương thực hiện nhiệm vụ rà soát lại việc sử dụng đất trồng lúa và đất do các nông, lâm trường quản lý, sử dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, tổ chức sơ kết việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh nhằm hoàn chỉnh về tổ chức và mô hình quản lý.

c) Khẩn trương chuyển các doanh nghiệp mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp theo kế hoạch và lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đủ điều kiện thì thực hiện cổ phần hóa.

d) Tiếp tục chỉ đạo việc thí điểm một số hình thức đổi mới DNNN đối với những đơn vị đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép: Hội đồng quản trị ký hợp đồng với Giám đốc điều hành DNNN, cổ phần hóa vườn cây gắn với cơ sở chế biến, hình thành tập đoàn kinh tế,...

3. Các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước phải chú ý đến việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp; trong đó, cần đặc biệt chú trọng đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ doanh nhân. Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước nghiên cứu để kiến nghị với Chính phủ về chương trình đào tạo này.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích ở địa phương. Các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định hiện hành; phối hợp với Tổng công ty này xử lý dứt điểm những tồn tại về tài chính, lao động của doanh nghiệp khi bàn giao; sớm chuyển số tiền thu được từ sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước quản lý.

5. Về kiện toàn tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước:

a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty trình Chính phủ xem xét, ban hành.

b) Chú ý nâng cao năng lực của Tổng công ty để làm được việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp độc lập cổ phần hóa và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, tiến tới sau này đối với các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

6. Các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có hành động cụ thể thực hiện nghiêm túc các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Các Bộ quản lý chuyên ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

7. Bộ Tài chính và các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, theo thẩm quyền, tăng cường thực hiện việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có đối với các hoạt động của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

8. Các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước cần chú ý đến vấn đề tổ chức của Đảng, Đoàn thể trong doanh nghiệp. Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, kiến nghị về hoạt động của các tổ chức Đảng, Đoàn thể trong doanh nghiệp có vốn nhà nước một cách phù hợp với yêu cầu và điều kiện mới.

9. Các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước cần củng cố, tăng cường tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của mình để bảo đảm yêu cầu của công tác sắp xếp, đổi mới DNNN trong thời gian tới.

10. Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các công việc nêu trên; hàng Quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề xuất biện pháp xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

[...]