Thông báo 104/TB-BTC kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng năm 2017 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 104/TB-BTC
Ngày ban hành 24/02/2017
Ngày có hiệu lực 24/02/2017
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104/TB-BTC

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾ HOẠCH KIỂM TRA, TỰ KIỂM TRA CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NĂM 2017

Căn cứ Quy chế kiểm tra, tự kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng ban hành kèm theo Quyết định số 576/QĐ-BTC ngày 5/2/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và chương trình công tác thi đua, khen thưởng năm 2017, Bộ Tài chính thông báo kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng năm 2017 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Thông qua kiểm tra, tự kiểm tra để nắm tình hình triển khai và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng ở đơn vị, đánh giá về các hình thức, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước của đơn vị.

2. Phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác thi đua khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn luật để đề xuất các biện pháp tháo gỡ, khắc phục.

3. Phát hiện và đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng.

II. NỘI DUNG TRỌNG TÂM VÀ THỜI KỲ KIỂM TRA, TỰ KIỂM TRA

A. Nội dung trọng tâm kiểm tra, tự kiểm tra:

1. Việc thực hiện các văn bản pháp luật về công tác TĐKT:

1.1. Việc phổ biến, quán triệt, thực hiện các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và các hướng dẫn của Chính phủ, của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục.

1.2. Tổ chức phổ biến, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 19/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng.

1.4. Đánh giá khái quát những thuận lợi, khó khăn khi vận dụng các văn bản pháp luật và chỉ đạo của cấp trên về công tác TĐKT tại đơn vị.

2. Công tác thi đua:

2.1. Công tác tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản phát động, tổ chức các phong trào thi đua của đơn vị thời gian qua:

+ Phong trào thi đua xuyên suốt trong năm nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị (liệt kê tên phong trào, các chỉ tiêu thi đua lớn cần phấn đấu...), cách thức duy trì hoạt động phong trào trong năm, kết quả thực hiện.

+ Tham mưu, tổ chức xây dựng các phong trào thi đua ngắn hạn, chuyên đề, nước rút giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, nhiệm vụ phát sinh của cơ quan đơn vị thời gian qua (số lượng phong trào đã phát động, phân tích 1 hoặc 2 phong trào tiêu biểu: Tên, khẩu hiệu, chỉ tiêu thực hiện, kết quả đem lại....).

+ Công tác tham mưu, tư vấn của cơ quan làm công tác TĐKT giúp Lãnh đạo đơn vị trong việc lồng ghép triển khai các phong trào thi đua của Bộ, Tổng cục với phong trào thi đua của địa phương để đạt được mục tiêu và hiệu quả.

2.2. Việc tham gia hoạt động Cụm, Khối thi đua của tỉnh, hiệu quả đem lại cho việc phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chính trị chuyên môn của đơn vị thời gian qua.

2.3. Công tác cổ động, tuyên truyền, hưởng ứng các phong trào thi đua trong toàn bộ cơ quan, đơn vị.

2.4. Việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, công tác tuyên truyền nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến qua các phong trào thi đua....

2.5. Đánh giá về thực trạng công tác xây dựng, tổ chức, phát động, hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua (mặt được, chưa được); về số lượng các phong trào thi đua do đơn vị phát động (ý nghĩa, tác dụng); bài học rút ra từ công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua của đơn vị.

3. Công tác khen thưởng:

3.1. Việc phổ biến, ban hành, hướng dẫn các văn bản về công tác TĐKT ở đơn vị.

3.2. Công tác tổ chức chấm điểm, đánh giá, bình xét thi đua và đề nghị khen thưởng tại từng tổ chức cơ sở thuộc đơn vị.

+ Việc tuân thủ các quy trình, thủ tục trong công tác khen thưởng; việc thực hiện công khai, dân chủ trong bình xét thi đua, khen thưởng; Việc áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn để đề nghị khen thưởng; cách thức lựa chọn tiêu biểu xuất sắc; Chất lượng thẩm định của tổ chức, cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng.

+ Tính trung thực trong nội dung báo cáo thành tích của đối tượng được đề nghị khen thưởng; các vướng mắc, bất cập khi kê khai và viết báo cáo thành tích.

+ Sự chính xác, công bằng trong bình xét của Hội đồng TĐKT thuộc đơn vị. Mối quan hệ giữa chấm điểm- bình xét thi đua- tiền thưởng (tăng thu nhập).

[...]