Thông báo 102/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 102/TB-VPCP
Ngày ban hành 04/05/2011
Ngày có hiệu lực 04/05/2011
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Văn Trọng Lý
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 102/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 2011

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH SƠN LA

Ngày 22 tháng 4 năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi thăm và làm việc tại tỉnh Sơn La; kiểm tra và dự lễ phát điện tổ máy số 2 thủy điện Sơn La. Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có đồng chí Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng, Bộ Công Thương, đồng chí Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đồng chí Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Hồng Vinh, nguyên Tổng biên tập Báo nhân dân và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La, sau khi nghe đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần XI; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIII và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Đánh giá cao sự nỗ lực, những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng Tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực: tăng trưởng kinh tế GDP bình quân giai đoạn (2006-2010) đạt 13,99%/năm, năm 2010 tăng 12,8%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm từ 50,81% năm 2005 xuống còn 40,01% năm 2010; công nghiệp, xây dựng tăng từ 15,78% lên 23,43%; dịch vụ tăng từ 33,41% lên 36,56%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 316 USD/người năm 2006 lên 641 USD/người năm 2010.

Chỉ đạo giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; tổng số người được khám chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế chiếm 85,7% dân số; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới một tuổi giảm còn 0,058%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm còn 23,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 46,03% năm 2005 xuống còn 25% năm 2010 (theo tiêu chí mới là 38,13% và hộ cận nghèo là 14,38%).

Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội; đã cắt giảm 84 công trình khởi công mới và 1 công trình có vốn đầu tư vượt quá khả năng cân đối của ngân sách với số vốn cắt giảm trên 157 tỷ đồng.

Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác di dân tái định cư trên địa bàn, không để phát sinh vấn đề khiếu kiện. Sau 6 năm triển khai quyết liệt, đến nay Sơn La đã cơ bản hoàn thành nhệm vụ di chuyển gần 12.600 hộ dân đến các điểm tái định cư. Công tác cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; chỉ đạo xử lý tích cực các vấn đề xã hội, nhất là tệ nạn ma túy; hệ thống chính trị được củng cố, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, Sơn La vẫn là tỉnh nghèo và khó khăn (5/11 huyện, thành phố của tỉnh là huyện nghèo), ổn định dân cư khu tái định cư và hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thu hút đầu tư còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp và khu vực nông thôn tuy có bước chuyển biến nhưng còn chậm; là địa phương vẫn còn tiềm ẩn các tệ nạn về túy; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; thu nhập bình quân đầu người còn thấp.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Về cơ bản thống nhất với mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp đề ra của Tỉnh cho thời gian tới và ý kiến các Bộ, ngành. Để thực hiện được mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra, Tỉnh cần tiếp tục khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong đó tập trung lưu ý một số việc:

1. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan trong việc phát huy lợi thế về thủy điện với 57 nhà máy thủy điện với tổng suất 3.800 MW, trong đó có 3 nhà máy thủy điện lớn với tổng suất 3.120 MW (Sơn La 2.400 MW, Huổi Quảng 520 MW, Nậm Chiến 198 MW). Tỉnh cần đặc biệt quan tâm tới công tác di dân tái định cư, đảm bảo cho người dân tái định cư sớm có cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất ổn định khi đến nơi ở mới.

2. Tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về đất đai (trên 14.000 km2) để phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản nhanh và bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh; đồng thời đẩy mạnh ứng dựng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao hiệu quả và giá trị các sản phẩm nông nghiệp; chỉ đạo rà soát quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, chú trọng phát triển rừng kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả của rừng. Tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả một số cây trồng, vật nuôi mà Tỉnh có thế mạnh như: chè, ngô, cao su, bò sữa... Đối với việc phát triển cây bông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương làm việc cụ thể với tỉnh Sơn La và một số tỉnh trong Vùng nghiên cứu, đề xuất chủ trương và giải pháp để đảm bảo phát triển hiệu quả, bền vững; đồng thời Tỉnh cần có cơ chế, chính sách kêu gọi các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế vào đầu tư tại địa phương để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Phối hợp tốt với các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan trong việc quản lý xây dựng và thực hiện quy hoạch khai thác các tài nguyên khoáng sản, trước mắt là đá vôi, than bùn; khai thác tiềm năng các hồ thủy điện để phát triển thủy sản và du lịch mà Tỉnh có lợi thế.

3. Tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ, có giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm kiềm chế lạm phát; trong đó chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh phát triển sản xuất, tăng nguồn cung cho thị trường; kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường; rà soát, sắp xếp các công trình dự án đầu tư theo hướng ưu tiên tập trung cho các công trình cấp bách, có hiệu quả, các công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2011, không đầu tư dàn trải; tiết kiệm chi tiêu các nguồn ngân sách; tiết kiệm điện; đảm bảo an sinh xã hội.

4. Tỉnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt, giám sát thực hiện các chính sách về đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện công tác tái định cư, bảo đảm đời sóng đồng bào ở nơi ở mới tốt hơn.

5. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống các tệ nạn xã hội, nhất là buôn bán, tàng trữ và sử dụng các chất ma túy. Cùng với đó, tăng cường công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Tiếp tục làm tốt công tác cải cách hành chính, đồng thời đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân.

6. Chuẩn bị chu đáo, chỉ đạo tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, bảo đảm chất lượng cơ cấu nữ và người dân tộc.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về Đề án "Ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2010 - 2015": Tỉnh sớm hoàn thiện hồ sơ Đề án theo quy định, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Về việc đầu tư nâng cấp sân bay Nà Sản: Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xử lý bảo đảm lộ trình, hiệu quả đầu tư và phù hợp với Quy hoạch chung theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 301/TB-VPCP ngày 24 tháng 9 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ.

3. Về việc đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện tích năng tại huyện Phù Yên: Bộ Công Thương nghiên cứu, làm rõ sự cần thiết, tính khả thi, trên cơ sở đó chỉ đạo lập Dự án và trình duyệt theo quy định.

4. Về đầu tư dự án kè suối Nậm La: Tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lập, tổ chức thẩm định và phê duyệt dự án theo quy định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, bổ sung dự án trên vào danh mục sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 khi có chủ trương.

5. Về vốn tín dụng đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Xi măng lò quay tại huyện Mai Sơn: đồng ý về nguyên tắc, Ngân hành Phát triển Việt Nam cho vay bổ sung từ nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để sớm đưa Nhà máy vào hoạt động; giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam xử lý cụ thể.

6. Về việc đầu tư công trình sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ quôc lộ 6 đi xã Chiềng Yên, Chợ Bờ bị hư hỏng do cơn bão số 6 năm 2009 và hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả lũ bão, thiên tai: trước mắt, Tỉnh tập trung giải ngân nguồn vốn đã được bố trí; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục xem xét, tìm nguồn hỗ trợ Tỉnh khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Bộ Giao thông vận tải xem xét, phối hợp với Tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt Dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 37 theo quy định.

8. Về bố trí vốn cho dự án Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Nhai: trước mắt, đồng ý ứng từ nguồn vốn tái định cư Dự án thủy điện Sơn La để sớm hoàn thành Dự án đưa vào khai thác, sử dụng; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xem xét, bổ sung vốn từ nguồn ngân sách để hoàn trả nguồn vốn đã ứng.

[...]