Thỏa thuận hợp tác số 72/2004/LPQT giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục, Nghiên cứu và Thanh niên Ru-ma-ni giai đoạn 2003-2005
Số hiệu | 72/2004/LPQT |
Ngày ban hành | 16/10/2003 |
Ngày có hiệu lực | 28/04/2004 |
Loại văn bản | Điều ước quốc tế |
Cơ quan ban hành | Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam |
Người ký | Nguyễn Minh Hiển |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ NGOẠI GIAO ******* Số : 72/2004/PLQT |
Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2004 |
Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục, Nghiên cứu và Thanh niên Ru-ma-ni giai đoạn 2003-2005 có hiệu lực từ ngày 28 tháng 4 năm 2004./.
|
TL.
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO |
Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục, Nghiên cứu và Thanh niên Ru-ma-ni, dưới đây được gọi là "các Bên",
- Cùng mong muốn phát triển và củng cố quan hệ văn hóa, khoa học và giáo dục,
- Phù hợp với nội dung Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ru-ma-ni về hợp tác trong lĩnh vực Văn hóa, Khoa học, Giáo dục và Thể thao giữa hai nước ký ngày 08 tháng 7 năm 1995 tại Hà Nội.
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1. Các Bên sẽ thông tin cho nhau về:
a) Các quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động, cơ cấu và nội dung giáo dục ở mọi cấp, bậc học.
b) Các chính sách giáo dục và việc thực hiện các chính sách đó.
c) Các thuyết trình khoa học sẽ được tổ chức trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu và hoàn thiện.
Điều 2. Các Bên sẽ đàm phán và đưa ra văn bản chung về việc công nhận sự tương đương văn bằng tốt nghiệp, các học vị, chức danh khoa học do hai Nhà nước cấp.
Điều 3. Các Bên sẽ thực hiện trao đổi thông tin, tư liệu về văn hóa, nền văn minh, lịch sử, địa lý hai nước theo thỏa thuận, nhằm đảm bảo giới thiệu chính xác về các phương diện đó trong sách giáo khoa, bài giảng ở các trường đại học và các ấn phẩm chuyên ngành khác.
Điều 4. Các Bên sẽ thực hiện định kỳ trao đổi thông tin và các ấn phẩm về sự phát triển và hoàn thiện các hình thức giáo dục. Các Bên sẽ thông tin cho nhau về mức độ thực hiện cải cách trong hệ thống giáo dục và việc thực hiện nội dung Thỏa thuận này.
Vì mục đích này, hàng năm các Bên sẽ tổ chức trao đổi 3 (ba) chuyên gia của mỗi Bộ trong thời gian từ 5 đến 7 ngày tham khảo ý kiến về các vấn đề cải cách và các chính sách giáo dục, nội dung công tác quản lý các cơ sở giáo dục.
Điều 5. Các Bên khuyến khích việc hợp tác trực tiếp giữa các cơ sở giáo dục của hai nước ở tất cả các cấp.
Điều 6. Các Bên khuyến khích phát triển hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa của các nước đối tác, bằng việc trao đổi giáo viên dạy tiếng Việt ở Ru-ma-ni và giáo viên dạy tiếng Ru-ma-ni ở Việt Nam.
Điều 7. Hàng năm, các Bên dành cho nhau trên nguyên tắc trao đổi 10 (mười) học bổng đại học hoặc nghiên cứu sinh ở các lĩnh vực do Bên cử quan tâm.
Điều 8. Các Bên sẽ cấp hàng năm theo chế độ trao đổi học bổng 6 tháng cho các khóa học chuyên ngành hoặc sau đaạ học ở các học viện của Việt Nam hoặc của Ru-ma-ni trong các lĩnh vực mà Bên cử quan tâm.
Điều 9. Các Bên sẽ dành cho nhau trên cơ sở trao đổi mỗi năm 3 (ba) học bổng theo các khóa học mùa hè về ngôn ngữ, văn học và văn hóa.
Điều 10. Hàng năm, một Bên sẽ nhận sinh viên của phía bên kia theo học tự túc vào các khóa học đại học toàn phần, bán phần hoặc sau đại học và nghiên cứu sinh.
Điều 11. Các Bên sẽ nhận đào tạo miễn phí, trên cơ sở trao đổi, ở tất cả các cấp tại các cơ sở đào tạo Nhà nước, nhân sự đương nhiệm tại Cơ quan đại diện chính thức của hai nước (các Đại sứ quán, Lãnh sự quán, trung tâm văn hóa, trung tâm giảng dạy ngôn ngữ, văn học và văn hóa và các tổ chức chính thức khác), cũng như vợ, chồng, con cái họ.
Trình độ đào tạo của các đối tượng thuộc thành phần này cũng như việc thực hiện điều khoản trao đổi sẽ do Bộ Giáo dục của Bên tiếp nhận xác định.
Điều 12. Thỏa thuận này không loại trừ việc thực hiện các hoạt động trao đổi khác mà các Bên cho là có ích.
Điều 13. Việc thực hiện các hoạt động được ghi trong Thỏa thuận này phù hợp với luật pháp hiện hành tại mỗi nước.