Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Sắc lệnh số 51 năm 1945 về việc ấn định thể lệ cuộc tổng tuyển cử do Chủ tịch nước ban hành

Số hiệu 51
Ngày ban hành 17/10/1945
Ngày có hiệu lực 01/11/1945
Loại văn bản Sắc lệnh
Cơ quan ban hành Chủ tịch nước
Người ký Hồ Chí Minh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC SỐ 51 NGÀY 17 THÁNG 10 NĂM 1945

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu theo Sắc lệnh số 14 ngày 8-9-1945 mở cuộc tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội;

Chiểu theo Sắc lệnh số 39 ngày 26-9-1945 lập một Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc tổng tuyển cử;

Xét tờ trình của Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc tổng tuyển cử;

Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả thuận;

RA SẮC LỆNH:

KHOẢN THỨ NHẤT: NGÀY MỞ CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ

Điều thứ 1: Ngày 23 tháng 12 năm 1945 sẽ mở cuộc tổng tuyển cử trong toàn cõi Việt Nam dân chủ cộng hoà để bầu đại biểu dự vào quốc dân đại hội.

KHOẢN THỨ HAI: QUYỀN BẦU CỬ VÀ ỨNG CỬ

Điều thứ 2: tất cả những công dân Việt Nam 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ ra những người này .

1- Những người điên: những người mà dân địa phương đã công nhận là điên. Danh sách những người trong làng hay khu phố do Uỷ ban nhân dân làng hay khu phố ấn định.

2- Những người hành khất chuyên môn, hay là những người do một hội thiện nào nuôi vĩnh viễn. Danh sách những người này do Uỷ ban nhân dân làng hay khu phố ấn định

3- Những người bị can án mà không được hưởng sắc lệnh đại xá của Chính phủ dân chủ cộng hoà.

KHOẢN THỨ BA: VẬN ĐỘNG TUYỂN CỬ

Điều thứ 3: Được tự do vận động những cuộc vận động không được trái với nền Dân chủ cộng hoà.

Những cuộc tuyên truyền vận động có tính cách phương hại đến nền độc lập và cuộc trị an đều bị cấm.

Điều thứ 4: Trong việc vận động , người ứng cử có thể dùng riêng một danh sách hay hợp cùng nhiều người khác lập chung một danh sách; có thể lấy danh nghĩa một đoàn thể mà cổ động.

Điều thứ 5: Những cuộc hội họp để vận động tuyển cử (diễn thuyết, giới thiệu những người ứng cử) chỉ phải khai cho các Uỷ ban nhân dân địa phương biết trước 24 giờ. Nói rõ địa điểm cuộc họp ở đâu, mục đích làm gì và tên người chịu trách nhiệm cuộc họp đó. Uỷ ban nhân dân địa phương sẽ phái người đến kiểm soát cuộc hội họp và có quyền giải tán nếu thấy cuộc hội họp có tính cách phương hại đến nền độc lập và cuộc trị an.

Điều thứ 6: Những yết thị, biểu ngữ, truyền đơn phải đưa Uỷ ban nhân dân địa phương kiểm duyệt và dán ở những nhà công cộng (đình chùa, v.v...) cầm dán chồng lên và cấm xé (hay bóc) những yết thị, biểu ngữ, truyền đơn của người khác.

KHOẢN THỨ TƯ: ĐƠN VỊ TUYỂN CỬ

Điều thứ 7: Đơn vị tuyển cử là tỉnh , nghĩa là dân trong mỗi tỉnh bầu thẳng đại biểu tỉnh mình dự vào Quốc dân đại hội.

Điều thứ 8: Sáu thành phố sau này: Hà Nội , Hải Phòng , Nam Định , Vinh, Huế, Sài Gòn, Chợ Lớn, cũng được dùng riêng làm những đơn vị tuyển cử như các tỉnh.

Điều thứ 9: Số đại biểu một tỉnh (hay thành phố) thì căn cứ vào dân số tỉnh (hay thành phố) ấy mà ấn định, trừ một vài thành phố đặc biệt quan trọng số đại biểu có tăng lên (?) ít.

Bảng tổng kê số đại biểu các tỉnh và thành phố có đính theo Sắc lệnh này.

KHOẢN THỨ NĂM: DANH SÁCH ỨNG CỬ

Điều thứ 10: Danh sách ứng cử sẽ do Uỷ ban nhân dân tỉnh (hay thành phố) phụ trách lập lên.

Điều thứ 11: Chậm nhất là 15 ngày trước ngày bỏ phiếu, người ứng cử phải gửi thẳng lên Uỷ ban nhân dân tỉnh (tỉnh nơi mà mình ra ứng cử) (hay thành phố) đơn ứng cử (có ghi rõ địa chỉ) kèm theo một tờ giấy của Uỷ ban nhân dân địa phương (nguyên quán hoặc nơi trú ngụ) chứng nhân là đủ điều kiện ứng cử.

Điều thứ 12: Người ứng cử được tự do ứng cử nơi mình chọn lấy nhưng chỉ một nơi ấy thôi.

[...]