Sắc lệnh số 29/SL về việc quy định những sự giao dịch về việc làm công, giữa các chủ nhân người Việt nam hay người ngoại quốc và các công nhân Việt nam làm tại các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm và các nhà làm nghề tự do do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà ban hành

Số hiệu 29/SL
Ngày ban hành 12/03/1947
Ngày có hiệu lực 27/03/1947
Loại văn bản Sắc lệnh
Cơ quan ban hành Chủ tịch nước
Người ký Hồ Chí Minh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 29 NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 1947

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ

Chiểu Sắc lệnh số 64 ngày 8 tháng 3 năm 1946 tổ chức các cơ quan lao động;

Chiểu Nghị định số 1 ngày 1 tháng 10 năm 1945 sửa đổi bởi Nghị định số 5 ngày 23 tháng 11 năm 1945 của Bộ trưởng Bộ Lao động về thời hạn báo trước khi thải hồi công nhân;

Chiểu Nghị định số 2 ngày 1 tháng 10 năm 1945 sửa đổi bởi Nghị định số 4 ngày 12 tháng 10 năm 1945 của Bộ trưởng Bộ Lao động về phụ cấp thâm niên;

Chiểu Sắc lệnh số 55 ngày 20 tháng 4 năm 1945 về việc cho các công nhân được nghỉ mà được ăn lương ngày lễ lao động mùng 1 tháng 5;

Chiểu lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động;

Sau khi các nguyên tắc đã được Quốc hội thông qua;

Hội đồng Chính phủ đã thoả hiệp,

RA SẮC LỆNH:

Chương thứ nhất

TỔNG LỆ

Điều thứ nhất

Mục đích Sắc lệnh này là để qui định trong toàn cõi Việt Nam những sự giao dịch về việc làm công, giữa các chủ nhân, người Việt Nam hay người ngoại quốc và các công nhân Việt Nam làm tại các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm và các nhà làm nghề tự do.

Riêng chế độ thi hành cho công nhân đồn điền, công nhân nông nghiệp, các người làm với tư gia (gia nhân), công nhân làm việc cho Chính phủ sẽ do những Sắc lệnh quy định sau.

Điều thứ 2

Phàm công việc cưỡng bách thì cấm hẳn, trừ khi có lệnh trưng tập của Chính phủ.

Công việc cưỡng bách là những công việc người ta không thuận làm mà bị ép phải làm.

Điều thứ 3

Cấm hẳn những sự mộ nhân công theo cách thức dụ dỗ hoặc cưỡng bách.

Điều thứ 4

"Công nhân" là người làm thuê với một người chủ để lấy tiền và thuộc quyền điều khiển của người chủ.

Công nhân gồm có: thợ, gia nhân, người làm công và phu.

Điều thứ 5

"Thợ" là những người có nghệ, làm việc thủ công hay việc gì khác cho chủ.

Điều thứ 6

"Gia nhân" là những người mà chủ thuê để giúp việc trong nhà.

Điều thứ 7

"Người làm công" là những người không làm việc thủ công mà chủ mượn để giúp mình về công việc thương mại, kỹ nghệ, nông lâm hay nghề tự do.

[...]