Quyết định 111/1998/QĐ-TTg thành lập Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
Số hiệu | 111/1998/QĐ-TTg |
Ngày ban hành | 29/06/1998 |
Ngày có hiệu lực | 29/06/1998 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Tấn Dũng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 111/1998/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN ĐỔI MỚI QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để giúp Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo việc đổi mới quản lý nhà nước
đối với doanh nghiệp;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng
Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác đổi mới quản lý doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu như sau:
1. Nghiên cứu, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ chương trình, kế hoạch về đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức quản lý doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, sắp xếp, cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu doanh nghiệp nhà nước và tiến hành thí điểm chính sách mới, mô hình tổ chức quản lý mới đối với doanh nghiệp.
Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, kế hoạch nói trên.
2. Thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các phương án sắp xếp doanh nghiệp, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ.
Nghiên cứu, theo dõi, tổng hợp tình hình đổi mới cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý của các Tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
3. Phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đổi mới cơ chế, chính sách quản lý doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mang nội dung nêu trên.
Tổ chức nghiên cứu và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ các chính sách và cơ chế nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; cơ chế, chính sách trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
4. Phối hợp với các cơ quan ở Trung ương và địa phương có liên quan giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc trong quá trình đổi mới quản lý doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phối hợp với các cơ quan có liên quan và Văn phòng Chính phủ trong việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp về đổi mới chính sách, thể chế quản lý đối với doanh nghiệp.
5. Theo dõi, sơ kết, tổng kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ 6 tháng, cả năm và đột xuất về tình hình đổi mới doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Điều 3. Tổ chức bộ máy của Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương như sau:
1. Lãnh đạo Ban:
- Trưởng ban: do một Phó Thủ tướng kiêm nhiệm.
- Một số Phó Trưởng ban, trong đó có một Phó Trưởng ban thường trực.
- Các cơ quan sau đây cử một đại diện lãnh đạo làm ủy viên: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Văn phòng Chính phủ.
- Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương Đảng và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, mỗi cơ quan cử một đại diện lãnh đạo làm ủy viên.
Danh sách lãnh đạo của Ban do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trưởng ban chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Ban trước Thủ tướng Chính phủ. Các Phó Trưởng ban và ủy viên Ban chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về lĩnh vực được phân công.
2. Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương có bộ máy giúp việc do Trưởng ban thống nhất với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quyết định.
Ban có biên chế riêng được tổng hợp chung trong biên chế của Văn phòng Chính phủ. Kinh phí, trụ sở và phương tiện làm việc do Văn phòng Chính phủ bảo đảm.
3. Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương làm việc theo quy chế do Trưởng ban quyết định. Trưởng ban cùng với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quy định cụ thể các mối quan hệ làm việc giữa Ban và Văn phòng Chính phủ.