KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 697/QĐ-UBND ngày 22/3/2013 của Chủ tịch
UBND tỉnh Bình Định)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tổ chức phổ biến Luật Xử lý vi phạm hành chính
đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao nhận thức
và hiểu biết của nhân dân và nhất là đội ngũ công chức làm công tác xử lý vi phạm
hành chính.
- Làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội
ngũ công chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính.
- Tăng cường
sự phối hợp và phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh
trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Yêu cầu
- Cụ thể hóa
và tổ chức triển khai các nhiệm vụ, nội dung thuộc trách nhiệm của Chủ tịch
UBND tỉnh theo Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chuẩn bị tốt
nội dung tập huấn chuyên sâu và phổ biến sâu rộng Luật Xử lý vi phạm hành chính
trong các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức.
- Trong quá trình thực hiện, phải đảm bảo sự phối
hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo
gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến
độ triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC
1. Nội
dung
- Phổ
biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Luật Xử lý vi phạm hành chính và
các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ
cho một số cán bộ, công chức làm công tác quản lý và những người có thẩm quyền
xử lý vi phạm hành chính.
- Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật xử
lý vi phạm hành chính.
- Xây dựng và kiện toàn đội ngũ công chức làm công
tác xử lý vi phạm hành chính.
2. Hình thức
a. Tổ chức phổ biến, quán triệt những nội
dung cơ bản của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi
hành
- Sở Tư pháp
giúp UBND tỉnh tổ chức Hội nghị ở cấp tỉnh.
Thời gian thực hiện: Tháng 4 năm 2013.
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các
huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Tư pháp, UBND cấp xã phối hợp với
Phòng Tư pháp tổ chức ở ngành, địa phương mình với hình thức phù hợp.
Thời gian thực hiện: Quý II năm 2013.
- Sở
Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh,
truyền hình của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố phổ biến Luật Xử lý vi phạm
hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thời gian thực hiện: Quý II năm 2013.
- Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức phổ
biến, quán triệt những nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản
quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật cho cán bộ trong ngành mình, nhất là
cán bộ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thẩm quyền xem xét, áp
dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo việc thi hành và áp dụng
đúng pháp luật.
Thời gian thực hiện: Quý II năm 2013.
- Báo cáo viên: Có thể mời Báo cáo viên
pháp luật của Trung ương, tỉnh, cấp huyện để triển khai tại hội nghị.
- Tài liệu phổ biến: Đề cương giới thiệu
Luật do Bộ Tư pháp phát hành đăng tải trên Trang Thông tin điện tử của Bộ Tư
pháp tại địa chỉ: http://www.moj.gov.vn.
b. Biên
soạn tài liệu phục vụ công tác phổ biến Luật Xử lý vi phạm hành chính và các
văn bản hướng dẫn thi hành
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức
có liên quan biên soạn, phát hành tài liệu hỏi - đáp pháp luật về xử lý vi phạm
hành chính.
Thời gian thực
hiện: Quý III năm 2013.
c. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý vi
phạm hành chính
Các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị
xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn cho lãnh đạo
các cấp, cán bộ làm công tác quản lý, công chức trực tiếp làm công tác xử lý vi
phạm hành chính; tổ chức hoặc phối hợp với Sở Tư pháp tập huấn chuyên sâu các nội
dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành cho
người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của sở, ngành, địa phương mình.
Thời gian thực hiện: Quý III, quý IV năm
2013.
d. Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật xử
lý vi phạm hành chính
- Rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên
quan đến lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính do HĐND và UBND các cấp ban hành, đối
chiếu với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, đề xuất
sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp.
- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các
ngành có liên quan thống kê, lập danh mục; rà soát văn bản quy phạm pháp luật
và hướng dẫn thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh.
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh;
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp xã chỉ đạo theo ngành,
lĩnh vực, địa phương mình.
- Thời gian thực hiện:
+ Năm 2013: Rà soát, lập danh mục và đối chiếu.
+ Năm 2014: Đề xuất ban hành văn bản sửa đổi, bổ
sung hoặc thay thế.
đ. Xây dựng và kiện toàn đội ngũ công chức
làm công tác xử lý vi phạm hành chính
- Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị
có liên quan xây dựng phương án về tổ chức và biên chế trình UBND tỉnh xem xét,
phê duyệt và triển khai thực hiện.
- Thời gian thực hiện: Sau khi Chính phủ phê duyệt
Đề án xây dựng tổ chức, bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất
công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp và các
cơ quan tư pháp địa phương.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với các
sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch này; theo dõi, kiểm tra,
đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ
Tư pháp.
2. Sở Tài chính: Tham mưu trình UBND tỉnh
cấp kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch này; hướng dẫn, quản lý, sử dụng
kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của pháp
luật.
3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh,
cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã,
thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức phổ biến Luật Xử lý vi phạm hành
chính thuộc quyền quản lý của cấp mình.
Trong quá
trình thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, nếu
có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh bằng
văn bản về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để chỉ đạo, giải quyết theo thẩm quyền./.