Quyết định 969-TTg năm 1996 về việc thành lập Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 969-TTg
Ngày ban hành 28/12/1996
Ngày có hiệu lực 28/12/1996
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 969-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng, phát triển và quản lý các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu công nghiệp cao trên địa bàn cả nước;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc chuẩn bị, xây dựng, phát triển và quản lý các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã được quy hoạch và phê duyệt.

Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Ban được sử dụng con dấu có hình Quốc huy.

Điều 2. Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam có các nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau đây:

1. Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là cơ quan Chính phủ) và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) trong việc xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch có liên quan tới việc xây dựng, phát triển và quản lý các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu công nghệ cao (gọi chung là khu công nghiệp), các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài khu công nghiệp để đồng bộ với việc xây dựng các công trình trong khu công nghiệp.

Đôn đốc các cơ quan Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền các quy định cụ thể về quản lý khu công nghiệp, liên quan đến khu công nghiệp (như quy hoạch, đất đai, tài nguyên,n ôi trường, công nghệ, lao động, tài chính, xuất nhập khẩu, tổ chức dịch vụ ở khu công nghiệp).

2. Tham gia thẩm định quy hoạch các khu công nghiệp hoặc bổ sung, sửa đổi quy hoạch các khu công nghiệp, các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp.

3. Phối hợp với các cơ quan Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục các ngành nghề được khuyến khích, các ngành nghề cấm và hạn chế đầu tư vào từng khu công nghiệp.

4. Trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết các đề nghị của các cơ quan Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp cấp tỉnh về những vấn đề của khu công nghiệp và liên quan đến khu công nghiệp.

5. Được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

a) Đôn đốc và kiểm tra các cơ quan Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp cấp tỉnh và các tổ chức sản xuất, kinh doanh hoạt động trong khu công nghiệp trong việc thực hiện pháp luật, chính sách xây dựng, phát triển và quản lý khu công nghiệp. Trường hợp phát hiện thấy vi phạm hoặc trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước thì đề nghị các cơ quan hữu quan hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

b) Phối hợp với các cơ quan Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tìm biện pháp giải quyết hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề có liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương trong quá trình xây dựng, phát triển và quản lý khu công nghiệp.

c) Được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền giải quyết kịp thời những vấn đề mới nẩy sinh đối với những việc có liên quan đến khu công nghiệp và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về vấn đề đó.

6. Truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến các cơ quan Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp cấp tỉnh về các vấn đề của khu công nghiệp và liên quan đến khu công nghiệp.

Được cử đại diện tham dự các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các cơ quan Chính phủ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khi bàn về xây dựng, phát triển và quản lý các khu công nghiệp.

Được nhận các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; được các cơ quan Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cung cấp các tài liệu, thông tin cần thiết có liên quan đến khu công nghiệp.

Tổ chức công tác tuyên truyền về pháp luật, chính sách đầu tư vào khu công nghiệp, tổ chức vận động, xúc tiến đầu tư vào từng khu công nghiệp trên địa bàn cả nước.

7. Tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ, đột xuất về việc xây dựng, phát triển và quản lý các khu công nghiệp.

Điều 3. Tổ chức bộ máy của Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam gồm có:

1. Trưởng ban, các Phó trưởng ban. Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ công tác của Ban và việc chỉ đạo hoạt động của các Ban quản lý các khu công nghiệp cấp tỉnh. Các Phó Trưởng ban chịu trách nhiệm về nhiệm vụ công tác được phân công.

Trưởng ban, các Phó trưởng ban do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

2. Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam có bộ máy giúp việc do Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam đề nghị với sự thoả thuận của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định bộ máy giúp việc nói trên.

3. Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam có biên chế riêng, kinh phí riêng (được tổng hợp chung trong kế hoạch biên chế và kinh phí của Văn phòng Chính phủ), trụ sở làm việc và phương tiện hoạt động do Văn phòng Chính phủ bố trí.

Điều 4. Quan hệ giữa Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam với các cơ quan Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Ban quản lý các khu công nghiệp cấp tỉnh:

[...]