Quyết định 9428/QĐ-BCT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm hội chợ triển lãm trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 9428/QĐ-BCT
Ngày ban hành 13/12/2013
Ngày có hiệu lực 13/12/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 9428/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TRUNG TÂM HỘI CHỢ TRIỂN LÃM TRÊN ĐỊA BÀN CẢ NƯỚC ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 9051/VPCP- KTTH ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ về Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm hội chợ triển lãm trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm hội chợ triển lãm trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

- Phát triển các trung tâm hội chợ triển lãm trở thành loại hình kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường trong và ngoài nước.

- Phát triển các trung tâm hội chợ triển lãm vừa đáp ứng đòi hỏi của doanh nghiệp về trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ, quảng bá, tuyên truyền thương hiệu nhằm mở rộng thị phần, phát triển thị trường vừa là nơi cung cấp cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng các thông tin đa dạng về thị trường; đồng thời có tác dụng lan tỏa và góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - thương mại của cả vùng, cả nước và ra nước ngoài.

- Phát triển các trung tâm hội chợ triển lãm theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp với nhiều quy mô và đẳng cấp, từng bước tham gia hội nhập quốc tế; đồng thời bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh và giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.

- Phát triển các trung tâm hội chợ triển lãm dựa trên cơ sở huy động, khai thác các nguồn lực của xã hội; trong đó nguồn lực của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế là chủ yếu. Nhà nước ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho một số công trình hội chợ triển lãm trọng điểm, có quy mô quốc gia và đẳng cấp quốc tế.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

Phát triển đồng bộ mạng lưới trung tâm hội chợ triển lãm, tập trung vào hai quy mô: quy mô quốc gia và quy mô vùng kinh tế, có đủ năng lực để đảm nhiệm đại bộ phận các hoạt động về xúc tiến thương mại của cộng đồng doanh nghiệp đối với thị trường nội địa và khách hàng nước ngoài.

Phấn đấu 70% (đến năm 2020) và 100% (đến năm 2030) các trung tâm hội chợ triển lãm đạt các tiêu chuẩn quốc tế về trình độ hiện đại và chuyên nghiệp, bảo đảm yêu cầu về không gian, địa điểm và công nghệ, thiết bị kĩ thuật chuyên biệt để thực hiện mục đích và công năng tổ chức cung cấp các dịch vụ hội chợ triển lãm.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Phát triển các trung tâm hội chợ triển lãm nhóm A cấp quốc gia, quốc tế (gọi chung là cấp quốc gia), với vị trí và vai trò là trung tâm hạt nhân tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Từ các trung tâm hạt nhân này, phát triển lan tỏa các trung tâm hội chợ triển lãm nhóm B cấp vùng, tiểu vùng, hành lang và vành đai kinh tế hoặc cụm đô thị (gọi chung là cấp vùng), với vị trí và vai trò là trung tâm vệ tinh tại các đô thị lớn, đô thị trung tâm của các vùng, tiểu vùng, hành lang và vành đai kinh tế hoặc cụm đô thị.

IV. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN

1. Tiêu chí quy hoạch

- Quy mô và cấu trúc thiết kế công trình theo hướng khu liên hợp với sự đa dạng của không gian chức năng, có thể điều chỉnh linh hoạt tùy theo mục đích, tính chất, quy mô và trình độ tổ chức của các sự kiện hội chợ triển lãm ; phù hợp với khối lượng, cơ cấu, tần suất các hoạt động hội chợ triển lãm và xúc tiến thương mại của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

- Xây dựng tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp và thương mại lớn, có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa mạnh, nhất là gần các khu sản xuất hàng hóa tập trung; có đầu mối giao thông đi lại thuận tiện; có các cơ sở cung cấp các dịch vụ liên quan khác như bưu điện, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, khách sạn, nhà hàng, siêu thị và các dịch vụ du lịch, dịch vụ giải trí...

- Có diện tích đủ để bố trí các phân khu chức năng, nhất là các phân khu trưng bày (trong nhà, ngoài trời) và khu dịch vụ phụ trợ (hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện, truyền thông, kỹ thuật, phục vụ sinh hoạt, lưu giữ phương tiện giao thông,...). Theo đó, diện tích tối thiểu cho một trung tâm nhóm A là 30 ha, riêng diện tích trưng bày trong nhà tối thiểu là 1.000 gian hàng; các diện tích tương ứng như trên cho một trung tâm nhóm B lần lượt là 10 ha và 500 gian hàng. Bán kính phục vụ (hoạt động) tối thiểu của trung tâm nhóm A là 100 km, của trung tâm nhóm B là 50 km.

- Phù hợp với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, kiến trúc và mỹ quan đô thị, phòng chống cháy nổ, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

2. Phương án quy hoạch

[...]