Quyết định 924/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030 do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 924/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/04/2024
Ngày có hiệu lực 22/04/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Hồng Hải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 924/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 22 tháng 4 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY THANH LONG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27 tháng 10 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao;

Căn cứ Chương trình hành động số 42-CTr/TU ngày 14 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) thực hiện Nghị quyết 19- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 56/TTr-SNN ngày 08 tháng 4 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu để các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đạt mục tiêu đề ra.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Mặt trận, Đoàn thể tỉnh;
- Báo, Đài PTTH Bình Thuận;
- Trung tâm Thông tin;
- Lưu: VT, KT, Vân.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Hải

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY THANH LONG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 924/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

Cây thanh long được xác định là một trong những cây trồng có lợi thế của tỉnh; sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh; đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 33.730 ha với sản lượng khoảng 650.000 tấn/năm. Về giống thanh long, trên địa bàn tỉnh chủ yếu là giống thanh long ruột trắng chiếm diện tích khoảng 80%, diện tích còn lại là thanh long ruột đỏ (LĐ1), tím hồng (LĐ5), hiện nay có thêm giống thanh long vỏ vàng ruột trắng.

Thanh long Bình Thuận được tiêu thụ ở 2 hình thức là tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 15% tổng sản lượng, còn lại khoảng 85% được xuất khẩu, trong đó có khoảng 2 - 3% xuất khẩu chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu và chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. Theo số liệu của Cục Thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2022, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch đạt gần 53 triệu USD, tương đương với 43.748 tấn. Đồng thời, theo số liệu tổng hợp của Sở Công Thương các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang và Quảng Ninh, lượng thanh long cả nước xuất sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới khá lớn, trong đó phần lớn là thanh long Bình Thuận. Giai đoạn 2016 - 2022, giá trị xuất khẩu biên mậu đã đóng góp cho tỉnh 2.637 triệu USD, bình quân khoảng 376,7 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách Zero-Covid của Trung Quốc nên có những thời điểm xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn, giá thanh long luôn biến động ở mức thấp đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của bà con nông dân; do đó, từ năm 2021 đến nay người trồng thanh long đã phá bỏ và không chăm sóc một số diện tích thanh long. Theo số liệu thống kê từ các địa phương, đến cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh còn khoảng 26.498 ha; sản lượng khoảng 570.560 tấn/năm. Giá trị ngành hàng thanh long của tỉnh những năm gần đây có xu hướng năm sau giảm so với năm trước. Mặt khác, hiện nay việc sản xuất thanh long tồn tại một số hạn chế như: Quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; vùng sản xuất quy mô lớn chưa được nhiều, chưa tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường; khâu bảo quản chế biến còn yếu; thị trường tiêu thụ không ổn định, chủ yếu là thị trường Trung Quốc, giá cả bấp bênh; liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu chưa được bền vững; hệ thống cơ sở sơ chế, sản phẩm chế biến sâu còn thiếu và hạn chế về công nghệ; đồng thời, dưới tác động của biến đổi khí hậu, phát sinh nhiều loại sâu bệnh hại cùng với giống thanh long bị thoái hóa ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất; ngoài ra, thời gian qua diện tích thanh long trên thế giới có chiều hướng tăng, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Mêxico tăng nhanh về diện tích và sản lượng nên thị trường tiêu thụ thanh long ngày càng cạnh tranh.

* Nguyên nhân chủ yếu những tồn tại, hạn chế nêu trên:

- Quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành thực hiện các chủ trương, giải pháp về cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa cao, còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

- Sự phối hợp và tính liên kết giữa ngành nông nghiệp với các ngành khác chưa chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, vận động nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long chưa được tích cực.

[...]