Quyết định 852/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2017-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 852/QĐ-TTg
Ngày ban hành 14/06/2017
Ngày có hiệu lực 14/06/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Vương Đình Huệ
Lĩnh vực Doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 852/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔNG THỂ SẮP XẾP, TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP THUỘC TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020” với các nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU

Xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành Tập đoàn kinh tế mnh, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, nâng cao năng suất lao động, hoạt động hiệu quả, bền vững; giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an ninh quốc phòng của đất nước, làm nòng cốt để ngành công nghiệp điện lực Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, xây dựng thành công hình ảnh một doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn.

II. NỘI DUNG

1. Ngành, nghề kinh doanh

a) Ngành, nghề kinh doanh chính

- Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia;

- Xuất nhập khẩu điện năng;

- Đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện;

- Quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hoá thuộc dây truyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện; thí nghiệm điện;

- Tư vấn quản lý dự án, tư vấn khảo sát thiết kế, tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu, lập dự toán, tư vấn thẩm tra và giám sát thi công công trình nguồn điện, các công trình đường dây và trạm biến áp.

b) Ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính

- Chế tạo thiết bị điện, đầu tư kinh doanh cơ khí điện lực;

- Xây lắp các công trình điện;

- Dịch vụ tự động hóa và điều khiển; kinh doanh các dịch vụ công nghệ thông tin (nghiên cứu, phát triển, triển khai, tư vấn và đào tạo) trong và ngoài nước, quản lý hệ thống viễn thông dùng riêng;

- Xuất nhập khẩu nhiên liệu, nguyên vật liệu, vật tư thiết bị ngành điện;

- Xây lắp, giám sát lắp đặt thiết bị viễn thông - công nghệ thông tin; sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu cách điện, vật liệu cách nhiệt, trang bị bảo hộ lao động;

- Tư vấn quản lý dự án; tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu, lập dự toán và giám sát thi công công trình viễn thông - công nghệ thông tin, các công trình công nghiệp và dân dụng;

[...]