Quyết định 85/2006/QĐ-UBND ban hành Danh mục sản phẩm và cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 85/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/11/2006
Ngày có hiệu lực 10/12/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Đinh Quốc Thái
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 85/2006/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 30 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH DANH MỤC CÁC SẢN PHẨM VÀ CƠ SỞ SẢN XUẤT THUỘC LĨNH VỰC TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 75/CP ngày 27/10/1993 của Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Quốc dân;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp tại Văn bản số 964/SCN-KT ngày 14/11/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Danh mục các sản phẩm và cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Giám đốc Sở Công nghiệp có trách nhiệm triển khai thực hiện Quyết định này trong phạm vi toàn tỉnh, định kỳ báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Giám đốc các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa có trách nhiệm phối hợp với Sở Công nghiệp tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Việc sửa đổi, bổ sung nội dung trong Danh mục này do UBND tỉnh quyết định.

Điều 4. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái

 

DANH MỤC

CÁC SẢN PHẨM VÀ CƠ SỞ SẢN XUẤT THUỘC LĨNH VỰC TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 85/2006/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2006 của UBND tỉnh Đồng Nai)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ:

1. Công nghiệp

Là một ngành kinh tế thuộc lĩnh vực sản xuất, một bộ phận cấu thành cơ bản của nền sản xuất xã hội. Công nghiệp bao gồm 3 loại hoạt động chủ yếu: Khai thác tài nguyên thiên nhiên tạo ra nguyên liệu nguyên thủy; sản xuất và chế biến sản phẩm của công nghiệp khai thác và của nông nghiệp thành nhiều loại sản phẩm nhằm thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của xã hội; khôi phục giá trị sử dụng của sản phẩm được tiêu dùng trong quá trình sản xuất và đời sống.

2. Ngành tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp (gọi tắt là tiểu thủ công nghiệp - TTCN)

a) Nghề thủ công: Là những nghề sản xuất ra sản phẩm mà kỹ thuật sản xuất chủ yếu là làm bằng tay. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các nghề thủ công có thể sử dụng máy, hóa chất và các giải pháp kỹ thuật của công nghiệp trong một số công đoạn, phần việc nhất định nhưng phần quyết định chất lượng và hình thức đặc trưng của sản phẩm vẫn làm bằng tay. Nguyên liệu của các nghề thủ công thường lấy trực tiếp từ thiên nhiên; công cụ sản xuất thường là công cụ cầm tay đơn giản.

b) Thủ công mỹ nghệ: Là các nghề thủ công làm ra các sản phẩm mỹ nghệ, hoặc các sản phẩm tiêu dùng được tạo hình và trang trí tinh xảo giống như sản phẩm mỹ nghệ. Ở sản phẩm mỹ nghệ, chức năng văn hóa, thẩm mỹ trở nên quan trọng hơn chức năng sử dụng thông thường.

c) Thủ công nghiệp: Là lĩnh vực sản xuất bao gồm tất cả các nghề thủ công. Cũng có khi gọi là ngành nghề thủ công.

d) Nghề thủ công truyền thống: Là nghề thủ công đã có quá trình hình thành và phát triển qua nhiều đời thợ (trên 100 năm), với những sản phẩm có tính cách riêng biệt được nhiều người biết đến.

e) Ngành tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp: Là lĩnh vực sản xuất bao gồm các nghề thủ công và các cơ sở công nghiệp nhỏ. Thường các cơ sở công nghiệp nhỏ này có nguồn gốc từ các nghề thủ công phát triển thành.

3. Làng nghề

a) Làng có nghề: Là làng (thôn, bản, ấp) sản xuất nông nghiệp, trong đó một số người hay một số gia đình làm nghề thủ công theo hình thức chuyên nghiệp hoặc theo thời vụ, lúc nông nhàn.

b) Làng nghề: Là làng (thôn, bản, ấp) nông thôn có nghề thủ công phát triển với một tỷ lệ số hộ làm nghề nhất định và tỷ lệ thu nhập từ nghề nhất định, trở thành nguồn thu nhập quan trọng không thể thiếu được. Nhiều nước trên thế giới lấy tỷ lệ 20% hay 30%. Ở Việt Nam đang có xu hướng lấy tỷ lệ 50% số hộ dân làm nghề và thu nhập của làng từ nghề thủ công. Tỷ lệ đó phải được duy trì và ổn định trong nhiều năm.

[...]