QUY CHẾ
BAN
HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA UBND TỈNH VỚI HỘI NÔNG DÂN TỈNH TRONG CÔNG TÁC GIẢI
QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA NÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 83/2009/QĐ-UBND ngày 21/8/2009 của UBND tỉnh
Bắc Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều
chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc,
nội dung phối hợp giữa UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh trong công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông
dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Duy trì thực hiện thường xuyên,
kịp thời, đúng pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại,
tố cáo trên địa bàn.
2. Bảo đảm thống nhất và nâng cao
hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân từ tỉnh
đến cơ sở; phát huy vai trò trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi cho hội
viên và nông dân; tránh hình thức, chồng chéo, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công
tác này.
3. Bảo đảm tính kỷ luật, kỷ cương
trong các hoạt động phối hợp; đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ trưởng cơ quan
chủ trì, cơ quan phối hợp và cán bộ, công chức tham gia phối hợp.
Điều 3. Các nội dung phối hợp
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý đối với cán bộ, hội viên và nông dân; vận
động nông dân nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật
của Nhà nước và quy định của địa phương.
2. Tổ chức xây dựng gia đình văn
hóa, làng, bản, khu phố văn hóa, xây dựng mô hình nông thôn mới đoàn kết không
có khiếu kiện; chủ động hòa giải, giải quyết sớm các mâu thuẫn, tranh chấp phát
sinh trong nội bộ nông dân nhằm hạn chế phát sinh khiếu kiện vượt cấp.
3. Thực hiện công tác tiếp dân,
giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu kiện đông người phức tạp có
liên quan đến quyền và lợi ích của nông dân.
4. Tuyên truyền vận động nông dân
chấp hành nghiêm các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo
có hiệu lực pháp luật có liên quan đến hội viên và nông dân.
5. Hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao
kiến thức pháp luật về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho đội
ngũ cán bộ hội nông dân các cấp.
Chương II
QUI ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Uỷ ban nhân dân tỉnh
1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng
thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nông dân, nhất là
những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực
tiếp đến nông dân như: Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Bảo vệ môi
trường, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, các chính sách về xóa đói, giảm nghèo,
chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, chính sách
an sinh xã hội...
2. Chỉ đạo UBND cấp huyện và cấp
cơ sở thực hiện tốt Chỉ thị số 26/TTg ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ
về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân tham gia giải quyết KNTC của nông dân;
chủ động phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân
chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình, làng, bản, khu phố văn hóa; tập trung hòa giải
và giải quyết ngay tại cơ sở các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân, hạn
chế khiếu kiện vượt cấp, không để xảy ra khiếu kiện đông người hoặc "điểm nóng".
3. Mời đại diện Lãnh đạo Hội Nông
dân tỉnh tham dự tiếp dân định kỳ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các đề nghị,
kiến nghị của nông dân, từ đó có biện pháp hòa giải hoặc kiến nghị biện pháp
giải quyết phù hợp.
4. Mời đại diện Hội Nông dân tỉnh
tham gia các đoàn thanh tra, tổ công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố
cáo có liên quan đến nông dân hoặc tham khảo ý kiến về quan điểm xử lý khi cần
thiết. Khi phát sinh các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ động
thông báo cho Hội Nông dân biết để phối hợp tuyên truyền, vận động và tham gia
vào quá trình giải quyết.
5. Đối với các dự án thu hồi nhiều
đất nông nghiệp, UBND tỉnh mời Hội Nông dân tỉnh tham gia ý kiến ngay từ đầu và
giám sát quá trình thực hiện dự án nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của
nông dân, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
6. Giải quyết kịp thời các vụ việc
do Hội Nông dân tỉnh chuyển đến và thông báo cho Hội Nông dân tỉnh biết kết quả.
7. Định kỳ 6 tháng một lần làm
việc với Hội Nông dân tỉnh để bàn chương trình phối hợp hoạt động. Mời Hội Nông
dân tỉnh tham dự các hội nghị sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác
tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn.
8. Bố trí kinh phí bảo đảm cho Hội
Nông dân tỉnh thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phối hợp giải quyết khiếu nại, tố
cáo của nông dân.
9. Các sở, cơ quan trực thuộc UBND
tỉnh giúp UBND tỉnh thực hiện các nội dung phối hợp với Hội Nông dân tỉnh theo
lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể như sau:
a) Sở Tư pháp
Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp
luật, tập huấn kỹ năng báo cáo viên, tuyên truyền viên phổ biến, giáo dục pháp
luật, kỹ năng hòa giải cho cán bộ Hội Nông dân các cấp, thành viên Ban chủ
nhiệm Câu lạc bộ nông dân với pháp luật.
Xây dựng chương trình tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao nhận thức
hội viên và nông dân để nông dân thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng,
pháp luật của Nhà nước.
Chỉ đạo kiện toàn và nâng cao hiệu
quả hoạt của Tổ hòa giải ở cơ sở để hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp phát
sinh trong nội bộ nông dân.
b) Thanh tra tỉnh
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên
môn nghiệp vụ về công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo
cho cán bộ Hội chuyên trách các cấp.
Khi cần thiết mời đại diện lãnh
đạo Hội Nông dân tỉnh tham dự Hội nghị thông báo kết luận thanh tra, kiểm tra
trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố hoặc Giám đốc các Sở
trong việc thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo để giám sát trách nhiệm trong giải
quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến nông dân.
Khi được giao xác minh những vụ
việc phức tạp có liên quan đến nông dân, chủ động mời đại diện lãnh đạo Hội
Nông dân tỉnh tham gia hoặc trao đổi, tham khảo ý kiến về quan điểm xử lý trước
khi báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
c) Sở Tài nguyên và Môi trường
Phổ biến, tuyên truyền chính sách,
pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và môi trường, các chính sách bồi thường,
hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, tái định cư cho nông dân.
Lấy ý kiến của hội viên Hội Nông
dân tham gia vào nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đất đai và
môi trường có liên quan đến nông dân, khi được giao soạn thảo.
Mời đại diện Hội nông dân tham gia
hoà giải, giải quyết những vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai có liên quan
đến nông dân hoặc trao đổi, tham khảo ý kiến về quan điểm xử lý trước khi báo
cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
d) Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch
Chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở xây dựng
qui ước, hương ước thôn, bản, khu phố, xây dựng gia đình, thôn, làng, bản, khu
phố văn hóa chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà
nước; xây dựng mô hình nông thôn mới không có khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện
đông người; các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh được chủ động hoà giải ngay từ
cơ sở.
Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa,
thể thao, vui chơi giải trí trong các dịp lễ, tết; tuyên truyền giữ gìn và phát
huy bản sắc văn hoá dân tộc; bài trừ, lên án các hủ tục lạc hậu, lối sống thực
dụng và kiên quyết đấu tranh với các tai, tệ nạn xã hội, các hành vi tham nhũng.
Điều 5. Hội Nông dân tỉnh
1. Chủ động phối hợp với các cấp,
các ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho
cán bộ, hội viên, nông dân về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
2. Chỉ đạo các cấp hội chủ động
nắm chắc tình hình ở cơ sở, sớm phát hiện, tìm hiểu nguyên nhân, bản chất của
các mâu thuẫn phát sinh; Chủ động phối hợp hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ
nhân dân, hạn chế phát sinh khiếu kiện.
3. Chỉ đạo các cấp hội phân công
cán bộ có năng lực phối hợp với các ngành Thanh tra, Tài nguyên và Môi
trường... để tham gia tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Giám sát việc thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chức năng có
liên quan.
4. Chủ động nắm bắt các chủ trương
về thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng các khu, cụm công nghiệp,
phát triển giao thông, đô thị…để phối hợp tuyên truyền, vận đông nông dân chấp
hành; tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nông dân khi họ chưa đồng tình để đề xuất
các giải pháp giải quyết phù hợp; khi nông dân tập trung khiếu kiện đông người
tại Trụ sở tiếp dân của tỉnh và Trung ương, chủ động phối hợp với các tổ chức,
cơ quan có liên quan tuyên truyền, vận động nông dân trở về địa phương để giải
quyết theo quy định của pháp luật.
5. Tham gia ý kiến, quan điểm xử
lý khi có đề nghị của UBND tỉnh hoặc các ngành chức năng của tỉnh; chỉ đạo Hội
Nông dân các cấp tiến hành hòa giải trong các giai đoạn khi có khiếu kiện.
6. Vận động, giải thích, thuyết
phục hội viên và nông dân nghiêm chỉnh chấp hành quyết định giải quyết khiếu
nại, quyết định xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật; đôn đốc, giám sát chính
quyền các cấp thực hiện nghiêm túc quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại,
tố cáo đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến nông dân.
7. Chỉ đạo các cấp hội hàng năm
chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai và môi trường, giải quyết khiếu nại, tố
cáo, trợ giúp pháp lý, kỹ năng hòa giải cơ sở và các kỹ năng công tác hội cho
cán bộ chuyên trách ở các cấp hội.
8. Chủ động đề xuất tổ chức sơ,
tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá công tác phối hợp thực hiện Chỉ thị
26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ và kết quả thực hiện Qui
chế này.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6.
Căn cứ Quy chế này, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc UBND
tỉnh có liên quan chủ động tổ chức thực hiện; UBND các huyện, thành phố phối
hợp với Hội Nông dân cùng cấp xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác giải
quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân ở địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả công
tác phối hợp với Hội Nông dân các cấp trong thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg
ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 7.
Chế độ báo cáo
Các sở, cơ quan trực thuộc UBND
tỉnh và UBND các huyện, thành phố định kỳ 6 tháng, 1 năm, tổng hợp báo cáo bằng
văn bản về kết quả thực hiện Quy chế này gửi về Thanh tra tỉnh và Hội Nông dân
tỉnh để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam,
Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh theo qui định.
Điều 8.
Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có khó khăn, vướng mắc các sở, cơ
quan trực thuộc UBND tỉnh có liên quan, UBND các huyện, thành phố kịp thời phản
ảnh về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh và Hội Nông dân tỉnh) để bổ sung, sửa đổi
cho phù hợp./.