Quyết định 82-CP năm 1974 ban hành bản quy định tạm thời về tiêu chuẩn phân định thành thị của Hội đồng Chính phủ
Số hiệu | 82-CP |
Ngày ban hành | 13/04/1974 |
Ngày có hiệu lực | 28/04/1974 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Hội đồng Chính phủ |
Người ký | Trần Hữu Dực |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị |
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 82-CP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 1974 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TIÊU CHUẨN PHÂN ĐỊNH THÀNH THỊ
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Để phục vụ cho việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội trước mắt phục vụ cho cuộc điều tra dân số toàn miền Bắc lần thứ hai;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 04-4-1974.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định tạm thời về tiêu chuẩn phân định thành thị để sử dụng thống nhất cho các ngành, các cấp ở trung ương và địa phương.
Điều 2. – Bản Quy định tạm thời về tiêu chuẩn phân định thành thị này được áp dụng từ ngày ký quyết định.
Điều 3. – a) Căn cứ vào bản Quy định tạm thời về tiêu chuẩn phân định thành thị ban hành theo quyết định này, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập danh mục khu vực dân cư thành thị thuộc địa phương mình và báo cáo lên Tổng cục Thống kê vào cuối tháng 04 năm 1974.
b) Tổng cục Thống kê căn cứ báo cáo của các tỉnh, thành phố, lập danh mục khu vực dân cư thành thị toàn miền Bắc để kịp thời phục vụ cho yêu cầu tổng hợp kết quả điều tra dân số toàn miền Bắc lần thứ hai.
c) Hàng năm, vào thời điểm 01 tháng 10, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm lập danh mục điều chỉnh các khu vực dân cư thành thị và gửi về Tổng cục Thống kê trước ngày 25 tháng 12.
Điều 4. – Ông Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê có trách nhiệm hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thi hành quyết định này.
|
T. M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
VỀ TIÊU CHUẨN PHÂN ĐỊNH THÀNH THỊ
(Ban hành kèm theo quyết định số 82-CP ngày 13-4-1974 của Hội đồng Chính phủ)
Từ ngày miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, các thành thị của ta ngày càng phát triển và mở rộng. Để phục vụ cho việc quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, trước mắt phục vụ cho việc tổng hợp, phân tích kết quả của cuộc tổng điều tra dân số toàn miền Bắc lần thứ hai, việc quy định tiêu chuẩn để xác định thành thị có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy Hội đồng Chính phủ quy định tạm thời một số điểm về tiêu chuẩn thành thị như sau.
I. TIÊU CHUẨN XÁC ĐỊNH THÀNH THÀNH THỊ
1. Thành thị là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, của một đơn vị hành chính cấp khu, tỉnh, huyện hoặc của một vùng.
2. Thành thị là nơi tập trung dân cư phi nông nghiệp, đã có hoặc sẽ phát triển trong tương lai nhiều ngành công nghiệp.
3. Thành thị nếu là thị trấn huyện lỵ phải có “khoảng 1000 dân trở lên; nếu là nơi tập trung công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp có khoảng 2000 dân trở lên” (Chỉ thị số 26-TTg ngày 19-4-1963 của Thủ tướng Chính phủ), cư trú thường xuyên, trong đó 50% trở lên là lao động phi nông nghiệp, có phương thức sinh hoạt thành thị (điều kiện sinh hoạt: điện, nước, đi lại… theo kiểu thành thị ).
II. NHỮNG KHU VỰC DÂN CƯ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH LÀ THÀNH THỊ
Dựa vào các tiêu chuẩn quy định trên, những khu vực dân cư sau đây được xác định là thành thị:
1. Các đơn vị thành phố, thị xã, thị trấn đã được Nhà nước ra quyết định công nhận:
Các khu phố nội thành của hai thành phố Hà nội, Hải phòng; các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh (không kể các xã ngoại thành, ngoại thị); các thị trấn đã được Nhà nước phê chuẩn thành lập.
2. Các khu vực dân cư hoạt động theo kiểu thành thị:
Các khu vực dân cư chưa có văn bản của Nhà nước phê chuẩn là thành phố, thị xã hay thị trấn nhưng có dân cư tập trung thuộc các xí nghiệp công nghiệp, công trường xây dựng cơ bản, nông, lâm trường, cơ quan, bệnh viện, trường học hay các khu vực hoạt động kinh tế khác có nhân khẩu từ 2000 trở lên, cư trú thường xuyên, trong đó 50% trở lên là lao động phi nông nghiệp và có phương thức sinh hoạt theo kiểu thành thị, cũng được xác định là khu vực thành thị.
Các ngành, các cấp căn cứ vào các tiêu chuẩn quy định trên để vận dụng vào việc xác định thành thị cho thích hợp.