Thứ 7, Ngày 09/11/2024

Quyết định 818-TCCP/VP năm 1993 về tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành Thanh tra Nhà nước do Trưởng ban Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ ban hành

Số hiệu 818-TCCP/VP
Ngày ban hành 21/10/1993
Ngày có hiệu lực 05/11/1993
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ
Người ký Phan Ngọc Tường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 818-TCCP/VP

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 1993

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHUẨN NGHIỆP VỤ CÁC NGẠCH CÔNG CHỨC NGÀNH THANH TRA NHÀ NƯỚC

BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30/9/1992;
Căn cứ Nghị định số 135/HĐBT ngày 7/5/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc qui định chức năng nhiệm vụ của Ban Tổ chức-Cán bộ chính phủ;
Căn cứ điều 14 Nghị định của Chính phủ số 25/CP ngày 23/5/1993 về ban hành tiêu chuẩn và quản lý các ngạch công chức - viên chức;
Theo đề nghị của Tổng Thanh tra Nhà nước tại công văn số 458/TTNN ngày 2/10/1993;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.- Nay ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch công chức ngành Thanh tra Nhà nước (có văn bản tiêu chuẩn kèm theo) bao gồm:

1/ Thanh tra viên cao cấp (Cấp III),

2/ Thanh tra viên chính (Cấp II),

3/ Thanh tra viên (Cấp I),

Điều 2.- Tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch trên là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng bậc lương và chuyển ngạch cho công chức ngành Thanh tra Nhà nước theo quy định của Nhà nước.

Điều 3.- Những quyết định trước về chức danh - tiêu chuẩn viên chức trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 4.- Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Phan Ngọc Tường

(Đã ký)

 

TIÊU CHUẨN

 NGHIỆP VỤ CÔNG CHỨC CÁC NGẠCH THANH TRA

I. THANH TRA VIÊN: (CẤP I)

1) Chức trách:

Thanh tra viên (cấp I) là công chức chuyên môn, chuyên trách làm công tác thanh tra trong các tổ chức Thanh tra Nhà nước; được giao thực hiện quyết định thanh tra theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trực tiếp thanh tra các vụ việc có quy mô hẹp, độ phức tạp trung bình.

Nhiệm vụ cụ thể:

- Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện các vụ việc thanh tra, xét khiếu nại, tố cáo;

- Trực tiếp thực hiện hoặc tổ chức việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan và phân công các thành viên trong đoàn tiến hành thu thập chứng cứ, hồ sơ có liên quan đến vụ việc thanh tra, xét khiếu nại, tố cáo;

- Lập biên bản và viết báo cáo kết luận rõ đúng, sai, nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị biện pháp giải quyết, chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận, kiến nghị của mình;

- Tạm đình chỉ việc làm xét thấy đang hoặc sẽ gây tác hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân, chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình đồng thời báo cáo ngay cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

- Áp dụng các quyền hạn quy định tại các khoản 1,2,3,4,8, Điều 9 của Pháp lệnh Thanh tra và các quyền hạn khác của Thanh tra viên được quy định trong các văn bản pháp luật;

- Tổ chức rút kinh nghiệm thực hiện phần việc được giao; bàn giao hồ sơ, tài liệu của cuộc thanh tra theo quy định của cấp có thẩm quyền.

2) Hiểu biết:

- Nắm được chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để vận dụng vào hoạt động thanh tra;

[...]