Quyết định 80-HĐBT năm 1988 về các chính sách đổi mới cơ chế quản lý xây dựng cơ bản do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 80-HĐBT
Ngày ban hành 09/05/1988
Ngày có hiệu lực 09/05/1988
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 80-HĐBT

Hà Nội, ngày 09 tháng 5 năm 1988

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CÁC CHÍNH SÁCH ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ XÂY DỰNG CƠ BẢN

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Để cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 3 (khoá VI) về đổi mới quản lý kinh tế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành bản quy định về các chính sách đổi mới cơ chế quản lý xây dựng cơ bản nhằm chuyển hoạt động của đơn vị kinh tế cơ sở xây dựng sang hạch toán kinh doanh, xác định trách nhiệm và quyền hạn của chủ đầu tư, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về xây dựng cơ bản.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Mọi quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ. Căn cứ vào các điều khoản có liên quan đến chức năng của mình, các cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng tổng hợp chịu trách nhiệm ra thông tư hướng dẫn, đồng thời rà soát, chỉnh lý lại các văn bản đã ban hành trước đây cho phù hợp với cơ chế quản lý quy định trong văn bản này.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÁC CHÍNH SÁCH ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ XÂY DỰNG CƠ BẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 80-HĐBT ngày 9-5-1988 của Hội đồng Bộ trưởng).

Phần I:

KẾ HOẠCH HOÁ XÂY DỰNG CƠ BẢN

Điều 1. Ngân sách Nhà nước (Trung ương và địa phương) chỉ cấp vốn theo kế hoạch đầu tư được duyệt cho những công trình phúc lợi công cộng, công trình kỹ thuật hạ tầng và một số công trình sản xuất quan trọng của Nhà nước có quy mô lớn và thời gian thu hồi vốn dài. Những công trình khác (bao gồm các công trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) đều đầu tư bằng vốn tự có của đơn vị cơ sở, vốn vay Ngân hàng và các nguồn vốn khác mà cơ sở có thể huy động được theo đúng chính sách của Nhà nước.

Riêng vốn xây dựng nhà ở tại một số thành phố và khu công nghiệp được Nhà nước cấp một phần vốn ngân sách, phần còn lại phải huy động từ quỹ phúc lợi, vốn đóng góp của cán bộ, công nhân và nhân dân bằng các hình thức linh hoạt, kể cả việc bán thu tiền dần hoặc thu đủ một lần.

Nguồn vốn để xây dựng các công trình liên doanh hợp tác với nước ngoài được quy định theo Luật Đầu tư; đơn vị kinh tế cơ sở (hoặc liên hiệp) hoàn toàn chịu trách nhiệm việc thực hiện các cam kết và hợp đồng đã ký.

Điều 2. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chỉ trực tiếp cân đối vốn ngân sách cho các công trình quan trọng của Nhà nước, kèm theo các yếu tố vật chất chủ yếu về vật tư, vận tải; còn lại giao cho từng Bộ, tỉnh, thành phố theo tổng mức vốn đầu tư với cơ cấu vốn đầu tư xác định và số vật tư chủ yếu kèm theo. Các Bộ, tỉnh, thành phố được toàn quyền bố trí và điều chỉnh vốn, vật tư chủ yếu cho từng công trình cụ thể theo danh mục công trình đã đăng ký trong kế hoạch hàng năm và 5 năm, dựa vào các hợp đồng kinh tế đã ký với chủ thầu, đồng thời chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư và theo đúng hướng đầu tư chung của Nhà nước.

Điều 3. Kế hoạch khảo sát, thiết kế, xây lắp hàng năm và 5 năm do các tổ chức nhận thầu lập, căn cứ vào số hướng dẫn của cơ quan cấp trên, các định mức kinh tế, đơn đặt hàng của Nhà nước, các hợp đồng kinh tế với các khách hàng. Đơn vị cơ sở chỉ bảo vệ và nhận các chỉ tiêu pháp lệnh trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp giao kế hoạch về phần vốn đầu tư bằng ngân sách.

Chỉ tiêu pháp lệnh giao cho các đơn vị kinh tế cơ sở;

a) Giao cho chủ đầu tư 2 chỉ tiêu (nguồn vốn ngân sách):

- Năng lực sản xuất, công trình, tài sản cố định (sản xuất và phi sản xuất) được đưa vào sản xuất, sử dụng, trong đó có năng lực sản xuất mới huy động của các công trình quan trọng.

- Hạn mức vốn đầu tư (có phân theo vốn thiết bị và vốn xây lắp).

b) Giao cho đơn vị xây lắp từ 1 đến 3 chỉ tiêu:

- Danh mục công trình, hạng mục công trình hoàn thành bàn giao.

- Giá trị sản lượng xây lắp đã được nghiệm thu.

- Các khoản nộp ngân sách.

[...]