Quyết định 80/2008/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hợp tác quốc tế về biển đến 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 80/2008/QĐ-TTg
Ngày ban hành 13/06/2008
Ngày có hiệu lực 09/07/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 80/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 06 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐẾN 2020”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 92/TTr-BKH ngày 23 tháng 5 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Hợp tác quốc tế về biển đến 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm hợp tác quốc tế về biển

a) Hợp tác quốc tế về biển phải đặt trong tổng thể Chiến lược, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược biển, phù hợp với đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam;

b) Hợp tác quốc tế về biển nhằm xây dựng vùng biển hòa bình, hợp tác, hữu nghị cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng pháp luật Việt Nam và các chuẩn mực chung của luật pháp quốc tế;

c) Hợp tác quốc tế về biển phải nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, khai thác biển có hiệu quả và phát triển bền vững biển; trong đó đặc biệt chú ý hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế, cùng bảo đảm an ninh chung và giải quyết tranh chấp trên biển;

d) Hợp tác quốc tế về biển để chủ động hội nhập, đưa vị thế của Việt Nam ngang tầm khu vực và quốc tế; thực hiện quyền và nghĩa vụ của Việt Nam trong việc tham gia các tổ chức quốc tế và điều ước quốc tế.

2. Mục tiêu hợp tác quốc tế về biển.

a) Thực hiện hợp tác quốc tế về biển là nhằm góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;

b) Mục tiêu và nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, xuyên suốt của công tác đối ngoại về vùng biển và ven biển là xác lập chủ quyền đầy đủ, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên các vùng biển và thềm lục địa, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các hải đảo khác thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trước mắt, phải quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lợi ích quốc gia trên các vùng biển, đảo; duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển. Tiến tục đàm phán với các nước có tranh chấp trên biển với Việt Nam, xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển;

c) Mở rộng hợp tác quốc tế và tăng cường quan hệ ngoại giao, đặc biệt với các nước lân cận Biển Đông và những nước có tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ mạnh về biển để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, phát triển kinh tế biển và vùng ven biển, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên biển bên cạnh việc bảo vệ môi trường biển, đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh vật biển, đảm bảo an ninh, an toàn trên biển, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị giữa nước ta với các nước có biển trong khu vực, trên nguyên tắc giữ vững độc lập và chủ quyền quốc gia trên biển;

d) Thu hút các nguồn lực từ bên ngoài (các tổ chức tài chính – kinh tế quốc tế; nhà nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài ….) để phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của biển Việt Nam, nâng cao thu nhập, đời sống cho ngư dân ven biển, thúc đẩy hình thành một số tập đoàn kinh tế lớn, xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng biển và ven biển trọng điểm (cảng biển, đường ven biển, các khu kinh tế ven biển và đảo), hình thành một số cơ sở dự báo thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phát triển tiềm lực khoa học – công nghệ biển, xây dựng các cơ sở đào tạo nhân lực để phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển.

3. Nhiệm vụ hợp tác quốc tế về biển đối với ngành, lĩnh vực

a) Hợp tác trong lĩnh vực dầu khí

Quan điểm chủ đạo trong phát triển ngành dầu khí là bảo đảm an ninh năng lượng kết hợp với bảo vệ an ninh quốc gia, tăng cường khả năng phòng thủ trên biển. Phát triển đi đôi với bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, tiết kiệm năng lượng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Mục tiêu chiến lược của phát triển dầu khí là trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, hoàn chỉnh việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, dự trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu.

- Về tìm kiếm thăm dò dầu, khí: đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong tìm kiếm thăm dò dầu khí, đặc biệt là hợp tác thăm dò ở các vùng nước sâu xa bờ thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các vùng nhạy cảm về chủ quyền như vùng thuộc bể Phú Khánh, Tư Chính, thuộc nhóm bể Trường Sa, Vịnh Bắc Bộ nhằm sớm xác định trữ lượng dầu khí ở các khu vực này.

Thắt chặt mối quan hệ hợp tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí với các nước liên quan tới các khu vực chồng lấn thềm lục địa khi được Chính phủ cho phép.

Cho phép hợp tác với tập đoàn nước ngoài xây dựng một số cơ sở nổi trên biển phục vụ khai thác dầu khí ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để vừa phát triển kinh tế vừa khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo này.

Tăng cường quảng bá, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm thăm dò dầu khí dưới các hình thức hợp tác khác nhau.

- Về khai thác dầu, khí: khi có phát hiện mới về dầu khí, chú trọng hợp tác quốc tế ở những mỏ xa bờ và các vùng tranh chấp. Đầu tư khai thác thứ cấp để nâng cao hệ số thu hồi và đầu tư nghiên cứu và các giải pháp công nghệ mới nhằm khai thác các mỏ khí có hàm lượng CO2 cao.

Tăng cường tìm kiếm cơ hội để mua thêm cổ phần các mỏ đang phát triển và đang khai thác.

- Chế biến dầu, khí: đa dạng hóa sở hữu công nghiệp chế biến dầu khí để thu hút vốn đầu tư phát triển. Thu hút sự tham gia của các công ty dầu khí nước ngoài có đủ năng lực về vốn và công nghệ đầu tư xây dựng các khu công nghiệp chế biến dầu khí nhằm gia tăng giá trị của dầu thô và khí thiên nhiên.

- Về hệ thống dự trữ, vận chuyển, phân phối sản phẩm dầu khí: đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc xây dựng các đường ống dẫn khí xuyên quốc gia, trước mắt là đề án đường ống dẫn khí liên ASEAN chuẩn bị nguồn cung cho sau năm 2010.

[...]