Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 79/2006/QĐ-UBND về kế hoạch ''Xây dựng và phát triển công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2006 - 2010''

Số hiệu 79/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/10/2006
Ngày có hiệu lực 12/10/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Phạm Thế Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 79/2006/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 02 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH: ''XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010''.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thông tri số 22-TT/TU ngày 28/4/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình & Trẻ em;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản kế hoạch ''Xây dựng và phát triển công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2006 - 2010''.

Điều 2: Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình & Trẻ em, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC GIA ĐÌNHTRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 79/2006/QĐ-UBND ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai)

Gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; là nơi bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc, phòng chống các tệ nạn xã hội, góp phần tích cực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ gia đình Việt Nam được hình thành, phát triển với những chuẩn mực giá trị và truyền thống quý báu như tình cảm thủy chung, kính già yêu trẻ, tinh thần yêu nước, kiên cường bất khuất trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Thực hiện chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Thông tri số 22-TT/TU ngày 28/4/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về việc thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng và phát triển công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2006 - 2010 với những nội dung cụ thể như sau:

I. Thực trạng công tác Gia đình ở Gia Lai:

Sau gần 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tỉnh Gia Lai đã đạt được những thành tựu quan trọng trên lĩnh vực kinh tế - xã hội. Qua đó, gia đình đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển mới, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Tính đến cuối năm 2005 toàn tỉnh có: 234.864 hộ. Trong đó: Số hộ dân tộc thiểu số: 103.349 hộ. Số hộ thuần nông, lâm: 185.250 hộ. Số hộ có người già trên 60 tuổi: 34.455 hộ. Tỷ lệ cặp vợ chồng có từ 1 đến 2 con: 71%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng 33%. Số hộ tham gia các Câu lạc bộ Gia đình Phát triển Bền vững: 2.183 hộ.

Đến thời điểm hiện nay 100% xã của tỉnh đã có điện lưới quốc gia, trên 80% hộ gia đình được sử dụng điện sinh hoạt. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cũ đã được xây dựng, góp phần tích cực phát triển chính trị - kinh tế - xã hội và đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Công tác Dân số, gia đình và trẻ em được triển khai có hiệu quả thiết thực, tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận tránh thai tăng 3%/năm. Tỷ suất sinh giảm 0,8%/năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm 33%/năm, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc giúp đỡ, các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh nhất là các nội dung có liên quan đến dân số - KHHGĐ... Từ đó, nhận thức về công tác gia đình của cán bộ, nhân dân được nâng lên.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, đạt được những kết quả rất quan trọng. Hiện nay, tỉnh đã được công nhận phổ cập tiểu học, đã có 50% số xã phổ cập trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh ra lớp tăng đều qua các năm, lứa tuổi mầm non đạt 50%, tiểu học đạt trên 95%. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt hơn 18%. Chính sách hỗ trợ cho giáo viên vùng sâu vùng xa của tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng thực hiện tốt, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có tiến bộ. Các kết quả trên lĩnh vực văn hóa, phát thanh truyền hình, thể dục thể thao... đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Tuy nhiên, với đặc điểm từ một tỉnh nghèo bước vào thời kỳ CNH - HĐH, với điểm xuất phát thấp về kinh tế cũng như mặt bằng dân trí, đến cuối năm 2005, chất lượng cuộc sống gia đình của đồng bào các dân tộc trong tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần tiếp tục quan tâm, giải quyết: Chính sách hỗ trợ đời sống cho người nghèo, đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở nhất là đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn. Đa số các gia đình nghèo đói là gia đình đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cần giúp đỡ, tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch mới chỉ đạt khoảng 70%, tình trạng kết hôn không đăng ký năm còn nhiều. Đa số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, bị ảnh hưởng chất độc màu da cam là con em các gia đình nghèo. Trẻ em suy dinh dưỡng còn cao.

Những vấn đề trên đây cũng chính là các thách thức đáng kể hiện nay đối với công tác gia đình ở Gia Lai.

II. Mục tiêu và Giải pháp công tác Gia đình đến năm 2010.

1/ Mục tiêu:

[...]