THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******
Số: 786/2006/QĐ-TTg
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******
Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
KHU KINH TẾ VÂN ĐỒN, TỈNH QUẢNG NINH"
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm
2001;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 302 BKH/TĐ&GSĐT ngày
13 tháng 01 năm 2006, Công văn số 3115 BKH/TD&GSĐT ngày 04 tháng 5 năm 2006
và của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tại Tờ trình số 2447/TT-UBND ngày 30
tháng 9 năm 2005 về Đề án phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh
Quảng Ninh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Phê duyệt Đề
án "Phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh"
với những nội dung chủ yếu sau:
I. VỊ TRÍ, VAI TRÒ VÀ CHỨC NĂNG CỦA
KHU KINH TẾ VÂN ĐỒN.
1. Phạm vi Khu kinh tế Vân Đồn.
Khu kinh tế Vân Đồn bao gồm toàn bộ
huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; phía Bắc và Đông Bắc giáp các huyện
Tiên Yên, Đầm Hà; phía Đông Nam giáp huyện Cô Tô; phía Tây giáp thị xã Cẩm Phả
và thành phố Hạ Long. Khu kinh tế Vân Đồn có 1 thị trấn và 11 xã, với trên 600
hòn đảo lớn, nhỏ nằm trong vịnh Bái Tử Long.
2. Vị trí, vai trò.
- Là Trung tâm kinh tế miền Đông tỉnh Quảng Ninh và
Vùng đồng bằng sông Hồng.
- Là một trong những cửa ngõ giao thương quốc tế quan
trọng của Vùng Đông Bắc Việt Nam.
- Có vị trí quốc phòng, an ninh quan trọng ở phía Bắc
Việt Nam.
3. Chức năng.
- Là Trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng
cao, Trung tâm dịch vụ cao cấp, vận tải hàng hải và hàng không quy mô lớn có ý
nghĩa đối với Vùng Đông Bắc Việt Nam.
- Là một trong những động lực phát triển Vùng kinh tế
trọng điểm Bắc Bộ và cả miền Bắc.
- Là tiền đồn vững chắc tại phía Đông Bắc của tổ quốc.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN.
- Trở thành một trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo
chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu
mối giao thương quốc tế; đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững
cho Quảng Ninh.
- Bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội,
góp phần giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
III. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN.
- Phát triển Khu kinh tế Vân Đồn phải gắn chặt và là động
lực phát triển cho tỉnh Quảng Ninh và cả vùng Bắc Bộ.
- Phát triển Khu kinh tế Vân Đồn phải gắn chặt với sự
phát triển của các khu vực lân cận như: thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, thị
xã Móng Cái, các huyện Cô Tô, Đầm Hà, Tiên Yên v.v… với tầm nhìn dài hạn, có bước
đi thích hợp cho giai đoạn đến năm 2020.
- Bảo đảm phát triển bền vững, cân đối giữa tăng trưởng
cao và giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm hiệu
quả kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài.
- Lựa chọn, ưu tiên với bước đi thích hợp, hướng tới
hình thành một khu kinh tế tổng hợp, hiện đại, lâu dài, hình thành một cơ cấu
kinh tế hợp lý bền vững.
- Thực hiện thống nhất, tập trung và kiên quyết trong
quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động để phát triển bền vững Khu kinh tế Vân Đồn,
bảo đảm tính khả thi và chủ động trong phát triển.
- Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo vệ môi
trường, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, góp phần bảo đảm an ninh - quốc
phòng, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
IV. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA KHU
KINH TẾ.
1. Định hướng phát triển cơ bản của Khu kinh tế.
- Trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái biển - đảo
chất lượng cao với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, phong phú và hấp dẫn.
- Xây dựng sân bay quốc tế hiện đại đáp ứng nhu cầu
phát triển của tỉnh Quảng Ninh và của Vùng Đông Bắc Việt Nam.
- Hình thành cảng biển hiện đại phục vụ du lịch và dịch
vụ là chủ yếu.
- Xây dựng trung tâm dịch vụ cao cấp: tài chính, ngân
hàng, nhà hàng, khách sạn.
- Phát triển nghề cá, chú trọng nghề nuôi trồng hải, đặc
sản trên biển như: ngọc trai, bào ngư, tu hài, điệp quạt .v.v… phục vụ du lịch
chất lượng cao; xây dựng một số cơ sở dịch vụ nghề cá nhưng phải bảo đảm không
phá vỡ không gian du lịch, giữ gìn môi trường sinh thái biển.
- Phát triển cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại;
trước hết, phục vụ phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến hải sản chất
lượng cao, công nghiệp phục vụ du lịch, dịch vụ, vận tải.
- Xây dựng đô thị vườn - biển đẹp, hiện đại và đậm nét
dân tộc.
2. Phương hướng phát triển.
a) Giai đoạn 2006 – 2010:
Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh đảm bảo
cho sự phát triển nhanh của các ngành kinh tế.
Nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 20 – 26%/năm;
dự kiến GDP bình quân đầu người bằng khoảng 2/3 mức bình quân chung của Tỉnh
cùng thời điểm; GDP bình quân đầu người khoảng 880 – 1.000 USD/người vào năm
2010.
Cơ cấu kinh tế các ngành vào năm 2010: dịch vụ - công
nghiệp – nông, lâm nghiệp, thủy sản là 48,2% - 20,8% - 31%.
Quan hệ tỷ lệ giữa các ngành phi nông nghiệp và ngành
nông nghiệp là 2,1/1.
Hệ số tương quan giữa nhịp độ tăng trưởng của ngành dịch
vụ và của các ngành sản xuất đạt 1,5.
Hoàn thành cơ bản các công trình then chốt: Quy hoạch
chi tiết, khởi công và hoàn thành một số hạng mục công trình của sân bay, cảng
biển, một số khu du lịch, đường chính dọc đảo Cái Bầu, hoàn chỉnh hệ thống cung
cấp điện, viễn thông.
b) Giai đoạn 2011 – 2015:
Là giai đoạn hoàn thiện kết cấu hạ tầng.
Nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 18 – 22%/năm;
dự kiến GDP bình quân đầu người bằng mức bình quân chung của Tỉnh cùng thời điểm;
GDP bình quân đầu người khoảng 3.600 – 5.000 USD/người vào năm 2015.
Cơ cấu kinh tế các ngành vào năm 2015: dịch vụ - công
nghiệp – nông, lâm nghiệp, thủy sản là 58,8% - 31,7% - 9,5%.
Quan hệ tỷ lệ giữa các ngành phi nông nghiệp và ngành
công nghiệp là 9,6/1.
Hệ số tương quan giữa nhịp độ tăng trưởng của ngành dịch
vụ và của các ngành sản xuất đạt 1,27.
Hoàn thành sân bay giai đoạn I; hoàn thành cảng biển,
khu đô thị Cái Rồng giai đoạn I, cơ bản hoàn thành các khu du lịch; hoàn thiện
hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp nước.
c) Giai đoạn 2016 – 2020:
Là giai đoạn hoàn chỉnh.
Nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 14 –
16,5%/năm; dự kiến GDP bình quân đầu người vượt mức bình quân chung của Tỉnh
cùng thời điểm; GDP bình quân đầu người khoảng 15.000 – 18.000 USD/người vào
năm 2020.
Cơ cấu kinh tế các ngành vào năm 2020: dịch vụ - công
nghiệp – nông, lâm nghiệp, thủy sản là 68,5% - 27,4% – 4,1%.
Quan hệ tỷ lệ giữa các ngành phi nông nghiệp và ngành
nông nghiệp là 21,7/1.
Hệ số tương quan giữa nhịp độ tăng trưởng của ngành du
lịch và của các ngành sản xuất đạt 1,35.
Về cơ bản hoàn thành việc xây doanh nghiệp Khu kinh tế
Vân Đồn.
3. Xây dựng kết cấu hạ tầng mang tính đột phá.
- Xây dựng sân bay và phát triển vận tải hàng không:
Dự kiến xây dựng sân bay có đường cất, hạ cánh dài
3,5km, đủ sức để máy bay hiện đại lên xuống được. Giai đoạn đầu công suất 500 –
800 nghìn lượt khách/năm; giai đoạn 2016 – 2020, công suất 3 – 3,5 triệu lượt
khách/năm. Ngoài ra sẽ nghiên cứu xây dựng một số sân bay trực thăng ở các đảo
có điều kiện thuận lợi.
- Hình thành cảng biển và phát triển vận tải biển:
Đầu tư xây dựng cảng Vạn Hoa với công suất trên 1,0 triệu
tấn/năm, phục vụ vận tải hàng hóa và hành khách. Giai đoạn đầu xây dựng cảng
cho tầu 5.000 tấn và giai đoạn sau (đến năm 2015) cho tầu 1 vạn tấn vào ra.
Ngoài ra, đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng Cái Rồng,
Quan Lạn, Cồn Trụi, Thắng Lợi, Cống Yến; xây dựng mới cảng Hòn Hai; nghiên cứu
xây dựng cảng cá tại khu vực giáp với Cửa Ông.
- Mạng lưới giao thông đường bộ:
Tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường chính, bao gồm
đường xuyên đảo, các đường liên xã và các cầu.
+ Xây dựng cầu Vân Tiên nối huyện Vân Đồn với huyện
Tiên Yên (gần khu vực cảng Mũi Chùa).
+ Xây dựng đường tốc độ nhanh và cầu từ đường cao tốc Hạ
Long – Móng Cái vào Khu kinh tế Vân Đồn.
+ Nghiên cứu xây dựng đường cao tốc nhanh và cầu từ Cửa
Ông – Vân Tiên – Tiên Yên vào Khu kinh tế Vân Đồn.
+ Nghiên cứu đầu tư xây dựng đường và cầu nối từ khu vực
đảo Cái Bầu qua eo biển Bái Tử Long ra Bản Sen và Quan Lạn, Minh Châu.
+ Đầu tư xây dựng 3 tuyến đường xuyên đảo Cái Bầu; đường
liên xã và đường trục trên các đảo; đường từ trung tâm cụm xã đến các làng, bản,
các khu du lịch, điểm dân cư.
- Hệ thống cấp điện:
+ Đến năm 2010, sẽ lắp đặt mạch 2 tuyến 35 KV từ Cửa
Ông ra Vân Đồn. Nâng công suất trạm trung gian Cái Rồng lên gấp 3 lần. Cải tạo
mạng lưới trung thế khu vực Cái Bầu từ 10 KV lên 22 KV. Hoàn chỉnh các đường
dây hạ áp và trạm biến áp, đảm bảo 100% dân cư trên đảo Cái Bầu được dùng điện.
Nâng công suất các trạm phát điện diezen, lắp đặt 2 trạm phát điện bằng sức gió
tại Ngọc Vừng và Thắng Lợi, xây dựng dây hạ thế và các trạm biến áp để đảm bảo
ít nhất 80% dân cư các xã đảo được dùng điện.
+ Đến năm 2015, sẽ lắp đặt tuyến 110 KV từ Mông Dương
hoặc Cửa Ông ra Vân Đồn. Xây dựng dường dây 22 KV từ đảo Cái Bầu ra đảo Bản
Sen, đưa điện lưới quốc gia ra Bản Sen – Minh Châu – Quan Lạn.
+ Sau năm 2015, xây dựng đường điện 220 KV từ Mông
Dương ra Vân Đồn, lắp đặt trạm trung gian từ 100.000 – 125.000 KVA cấp điện cho
các đảo. Nghiên cứu đưa điện lưới quốc gia đến các xã Ngọc Vừng, Thắng Lợi.
- Hệ thống cấp nước:
Kết hợp khai thác tối đa nguồn nước tại chỗ với đưa nước
từ đất liền ra đảo.
+ Đến năm 2010, lấy nước từ Nhà máy nước Diễn Vọng (Cẩm
Phả) cấp cho Vân Đồn (đảo Cái Bầu) khoảng 5.000m3/ngày đêm. Các đảo
khác khai thác nguồn nước tự nhiên.
+ Đến năm 2015, sẽ lấy nước từ Nhà máy nước Diễn Vọng cấp
nước cho đảo Cái Bầu khoảng 20.000m3/ngày đêm; đồng thời đầu tư xây
dựng đập nước Khe Ngái và sẽ cấp 10.000m3/ngày đêm cho sinh hoạt. Đối
với các xã đảo, xây dựng các hồ, đập để lấy nguồn cấp nước.
+ Sau năm 2015, ngoài nguồn nước từ Nhà máy nước Diễn Vọng,
sẽ đầu tư xây dựng thêm các hồ, đập… để tăng nguồn cấp nước; nếu có thể, kết hợp
làm đường ống dẫn nước từ đất liền ra đảo.
- Mạng lưới thông tin – bưu điện:
Đầu tư hiện đại hóa hệ thống bưu chính - viễn thông.
+ Giai đoạn đến năm 2015: lắp đặt các trạm thông tin di
động, bảo đảm phủ sóng trên toàn địa bàn. Xây dựng 10 điểm bưu điện – văn hóa
xã, mở các dịch vụ thông tin, nâng số máy điện thoại cố định lên gấp 3 lần hiện
nay. Kết nối Internet, hòa mạng trong Tỉnh và cả nước.
+ Giai đoạn sau 2015: nâng cấp Trung tâm bưu điện thị
trấn Cái Rồng thành Trung tâm bưu chính – viễn thông hiện đại. Phủ sóng di động
trong nước và quốc tế trên địa bàn.
- Phát triển du lịch biển chất lượng cao và vận tải
hàng không:
Xây dựng Vân Đồn thành Trung tâm du lịch, bao gồm:
trung tâm nghỉ dưỡng biển - đảo cao cấp; du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; du
lịch thể thao và vui chơi giải trí biển, vui chơi có thưởng; du lịch quá cảnh,
điểm trung chuyển khách du lịch trong nước và quốc tế.
Quy hoạch đầu tư xây dựng 3 cụm du lịch, gồm: cụm du lịch
trung tâm Cái Bầu, cụm du lịch Ngọc Vừng - Thắng Lợi, cụm du lịch Quan Lạn –
Minh Châu.
4. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực.
a) Công nghiệp (trong đó có cả công nghiệp cơ khí, tiểu
thủ công nghiệp): phát triển công nghiệp công nghệ cao, sạch phục vụ trước hết
cho du lịch và có các sản phẩm chất lượng cao. Ưu tiên thu hút đầu tư nước
ngoài để có các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu. Trước hết ưu tiên phát triển
các loại hình công nghiệp sau:
- Công nghiệp chế biến hàng nông sản, hải sản.
- Công nghiệp điện tử, thiết bị điện, hàng dân dụng.
- Công nghiệp phần mềm, công nghiệp sinh học.
b) Nông – lâm – ngư nghiệp: phát triển nông – lâm – ngư
nghiệp theo hướng đa dạng hóa, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với
công nghiệp chế biến; chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với
điều kiện sinh thái của từng xã đảo, đa dạng hóa ngành nghề, dịch vụ ở nông
thôn.
Đầu tư thâm canh cây trồng, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và
tăng lên từ 2 đến 3 vụ ở những nơi có điều kiện; nâng cấp, sửa chữa các hồ, đập
phục vụ tưới tiêu; đưa các loại giống mới vào sản xuất; khai hoang mở rộng diện
tích đất trồng; tăng dần các loại cây thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày có
hiệu quả kinh tế cao, phát triển các loại cây đặc sản.
Phát triển chăn nuôi tập trung, phấn đấu đưa chăn nuôi
trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp.
Đầu tư bảo vệ rừng tự nhiên hiện có, khoanh nuôi tái
sinh rừng, tăng vốn rừng cả về diện tích lẫn trữ lượng. Nâng độ che phủ rừng
lên khoảng 61 – 64% diện tích, bảo đảm môi trường, sinh thái. Trồng cây tạo cảnh
quan, công viên cây xanh ở các đô thị và bãi tắm, khu vui chơi giải trí.
Phát triển ngành hải sản trở thành ngành kinh tế quan
trọng. Nghiên cứu xây dựng trung tâm nghề cá của Tỉnh và vùng.
c) Các ngành dịch vụ hỗ trợ: phát triển các ngành dịch
vụ cao cấp đem lại giá trị kinh tế lớn, văn minh, hiện đại. Ưu tiên phát triển
các lĩnh vực như: viễn thông, tài chính, thương mại, tư vấn chăm sóc sức khỏe
chất lượng cao.
d) Giáo dục – đào tạo: xây dựng nền giáo dục tiên tiến
ngang tầm chuẩn quốc gia, với cơ sở vật chất, trang thiết bị hoàn chỉnh, hiện đại
đảm bảo cho chất lượng giáo dục tốt nhất. Xây dựng hệ thống đào tạo nghề hoàn
chỉnh đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ
giáo viên ở tất cả các cấp học. Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng
cao tại các trường của Tỉnh, của Trung ương hoặc ở nước ngoài khi có điều kiện.
đ) Y tế: xây dựng hệ thống y tế từ huyện tới xã, thôn,
bản đồng bộ, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ thầy thuốc có tay nghề cao, đạt
tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
e) Thể dục - thể thao: xây dựng cơ sở vật chất cho
ngành thể dục thể thao ngày càng đáp ứng nhu cầu phát triển của phong trào. Tập
trung xây dựng một số môn thể thao có thành tích cao. Đẩy mạnh công tác xã hội
hóa hoạt động thể dục - thể thao.
g) Văn hóa – thông tin: phát triển văn hóa – thông tin
hiện đại, phong phú và giàu bản sắc dân tộc. Xây dựng nếp sống văn hóa, đời sống
tinh thần lành mạnh. Xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới văn hóa – thông tin từ huyện
tới xã, thôn, bản. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa – thông
tin.
h) Phát thanh - truyền hình: nâng cao tỷ lệ hộ gia đình
được nghe đài phát thanh và xem truyền hình từ 75% hiện nay lên 100% vào năm
2015. Đến năm 2015 phủ sóng truyền hình trên toàn bộ địa bàn huyện và vùng phụ
cận.
5. Phương hướng tổ chức không gian kinh tế - xã hội.
a) Phát triển các lĩnh vực làm hạt nhân.
- Các khu di tích đặc thù có chất lượng cao: xây dựng 2
trung tâm du lịch lớn, có chất lượng cao là Khu đô thị Cái Rồng và Đô thị Quan
Lạn.
- Sân bay và cảng biển: xây dựng sân bay tại khu vực xã
Đoàn Kết; hình thành cảng biển Vạn Hoa.
- Xây dựng các cơ sở dịch vụ có chất lượng cao như: hệ
thống dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; dịch vụ công nghệ cao, viễn thông
chất lượng cao; cơ sở y tế, bệnh viện chất lượng cao; các chung cư hiện đại.
- Trung tâm hậu cần nghề cá và các dịch vụ biển: xây dựng
cảng cá, cơ sở dịch vụ nghề cá tại khu vực giáp với Cửa Ông và trung tâm dịch vụ
hậu cần nghề cá tại Đầm Hà. Hình thành trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và cảnh
sát biển.
b) Phát triển không gian đô thị: tổ chức không gian đô
thị sinh thái biển mang nét riêng, đặc trưng của đô thị biển - vườn và có những
khu chung cư cao ốc với dịch vụ hiện đại. Trong giai đoạn đến năm 2015, tập
trung đầu tư hình thành trung tâm đô thị gắn với thương mại – du lịch, bao gồm:
đô thị trung tâm Cái Rồng (loại III), đô thị Đoàn Kết (loại III), đô thị Quan Lạn
(Loại IV) và các đô thị, thị trấn: Vạn Hoa, Ngọc Vừng, Minh Châu, Bản Sen, Thắng
Lợi.
c) Phát triển công nghiệp: tại Trung tâm Đoàn Kết, phát
triển công nghiệp sạch (công nghiệp phần mềm, điện tử…), công nghiệp phục vụ
hàng không. Tại đảo Thắng Lợi, phát triển cơ sở chế biến hải sản chất lượng
cao.
d) Phát triển du lịch, công viên, cây xanh: tại đảo
chính, xây dựng 3 khu dịch vụ du lịch gắn với vui chơi giải trí có thưởng theo
hướng các Resort với các khách sạn 2 đến 5 sao và khách sạn phục vụ đông đảo
nhân dân. Hình thành các điểm du lịch Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu.
đ) Phát triển thương mại: xây dựng các trung tâm thương
mại gắn với khu sân bay và tại các điểm đô thị. Hình thành chợ bán buôn trên biển
ở phía giáp với Cửa Ông và đảo Thắng Lợi.
e) Phát triển dịch vụ vận tải: xây dựng khu du lịch tổng
hợp, dịch vụ dân cư gắn với sân bay tại khu vực xã Đoàn Kết và hệ thống sân bay
trực thăng. Xây dựng khu dịch vụ vận tải hàng hải chất lượng cao gắn với cảng Vạn
Hoa, cảng Cái Rồng và các bến tàu khác. Nghiên cứu xây dựng khu dịch vụ tổng hợp
nghề cá gắn với cảng cá tại phía giáp Cửa Ông hoặc đảo Thắng Lợi.
g) Phát triển giao thông tỉnh: quy hoạch các điểm đỗ
phương tiện giao thông; phát triển xe buýt, taxi và các phương thức vận tải
hàng không, đường bộ và đường biển.
6. Định hướng sử dụng đất.
Loại đất
|
Theo QH sử dụng đất đến sau 2010 của Tỉnh
|
Phương án sử
dụng đất dự kiến
|
Diện tích
(ha)
|
Tỷ trọng
(%)
|
Diện tích
(ha)
|
Tỷ trọng
(%)
|
Tổng cộng
|
55.133
|
100,00
|
55.133
|
100,00
|
1. Đất nông nghiệp
|
34.000
|
61,67
|
32.000
|
58,04
|
- Đất sản xuất nông nghiệp
|
1.300
|
2,36
|
1.000
|
1,81
|
- Đất lâm nghiệp
|
32.000
|
58,04
|
30.300
|
54,95
|
- Đất nuôi trồng thủy sản
|
7000
|
1,27
|
700
|
1,27
|
2. Đất phi nông nghiệp
|
3.810
|
6,91
|
14.633
|
26,54
|
- Đất ở
|
500
|
0,91
|
500
|
0,91
|
+ Nông thôn
|
250
|
0,45
|
250
|
0,45
|
+ Đô thị
|
250
|
0,45
|
250
|
0,45
|
- Đất chuyên dùng
|
3.040
|
5,51
|
13.853
|
25,13
|
- Đất nghĩa trang
|
90
|
0,16
|
100
|
0,18
|
- Đất sông suối
|
180
|
0,33
|
180
|
0,33
|
3. Đất chưa sử dụng
|
17.323
|
31,42
|
8.500
|
15,42
|
V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN.
1. Giải pháp về đầu tư.
Có chính sách ưu đãi thích hợp để kêu gọi, thu hút vốn
đầu tư; tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách
nhà nước, từ các nguồn tín dụng; khuyến khích phát triển liên doanh liên kết với
các đơn vị kinh tế trong và ngoài Tỉnh; có chính sách hữu hiệu phát huy nội lực,
khuyến khích mọi thành phần kinh tế, doanh nhân, hộ gia đình đầu tư sản xuất
kinh doanh; thu hút nguồn vốn ODA, FDI; tùy theo điều kiện và năng lực tài
chính để xem xét tiến hành các biện pháp huy động vốn khác như phát hành trái
phiếu Chính phủ, huy động vốn bằng các hình thức BOT, BT, BTO .v.v.
2. Phát triển nguồn nhân lực.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ bằng các
hình thức đào tạo tập trung, tại chức, mở rộng các trung tâm dạy nghề, tăng cường
đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý. Có chính sách ưu đãi, đãi ngộ
để thu hút nhiều lao động có trình độ, tay nghề cao từ các nơi khác về.
3. Định hướng cơ chế, chính sách.
a) Cơ chế quản lý: cần nghiên cứu cơ chế quản lý riêng
và phù hợp với yêu cầu, đặc điểm của Khu kinh tế Vân Đồn. Thủ trưởng Chính phủ
quyết định thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn.
b) Cơ chế, chính sách ưu đãi:
- Ưu đãi về mặt thu hút đầu tư, giá thuê đất và mặt nước,
chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, ưu đãi tái đầu tư theo Luật Đầu tư;
- Tính độc lập cao trong hoạt động ngoại thương;
- Được áp dụng cho các khu kinh tế cấp tỉnh khác trong
cả nước;
- Một số ưu đãi khác.
c) Chính sách về đất đai và bất động sản:
- Chính sách về đất đai được thực hiện theo Luật Đất
đai;
- Tập trung đất, không cấp đất cho các dự án riêng rẽ với
diện tích nhỏ;
- Các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước được
giao hoặc thuê đất với mức ưu đãi nhất để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và
phát triển sản xuất kinh doanh;
- Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật để giao đất
có hạ tầng đồng bộ cho nhà đầu tư theo giá ưu đãi;
- Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai và cho thuê lại
đất hoàn toàn thực hiện theo cơ chế thị trường;
- Cho phép các đối tượng là người Việt Nam, người Việt
Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam, các nhà đầu
tư nước ngoài được đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê; đầu tư xây dựng
hạ tầng để cho thuê đất đã xây dựng hạ tầng trong Khu kinh tế Vân Đồn theo mục
đích của từng dự án và theo Luật Đất đai.
d) Chính sách về tài chính: có chính sách ưu đãi điều
tiết nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định
của Luật Ngân sách nhà nước để tăng nguồn vốn đầu tư cho Khu kinh tế Vân Đồn.
4. Quản lý điều hành.
a) Tổ chức hành chính: thành lập và ban hành Quy chế hoạt
động của Khu kinh tế Vân Đồn. Trong Khu kinh tế có các đơn vị hành chính theo
mô hình các đô thị trung tâm, thị trấn và các xã;
b) Quy chế quản lý: phương án tổ chức, bộ máy của Ban
Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn do Ủy ban nhân dân tỉnh cùng Bộ Nội vụ trình Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt. Bộ Nội vụ duyệt chỉ tiêu biên chế hàng năm.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
Quảng Ninh căn cứ những mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế -
xã hội Khu kinh tế Vân Đồn nêu trong Đề án sau khi đã được phê duyệt; phối hợp
với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập và trình duyệt và triển khai thực
hiện theo quy định các nội dung sau:
- Xây dựng Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Vân Đồn,
trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Đề án thành lập Ban
Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn, kèm theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh phù hợp với mục tiêu phát triển Khu kinh tế
Vân Đồn.
- Tiến hành giới thiệu, quảng bá, công khai Đề án và
Quy hoạch tổng thể phát triển Khu kinh tế Vân Đồn.
- Cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Ban Quản
lý Khu kinh tế Vân Đồn được thuê tư vấn nước ngoài có đủ năng lực (khi cần thiết)
tham gia lập Quy hoạch chung xây dựng, Quy hoạch xây dựng chi tiết cho những
khu vực quan trọng.
- Chỉ đạo việc lập và trình duyệt theo quy định quy hoạch
sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch xây dựng chi tiết các phân khu
chức năng, các dự án đầu tư trong Khu kinh tế Vân Đồn theo quy định hiện hành.
- Phê duyệt danh mục các dự án đầu tư phát triển và kế
hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm tại Khu kinh tế Vân Đồn.
- Chỉ đạo và tạo điều kiện cho Ban Quản lý Khu kinh tế
Vân Đồn hoạt động và thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn thực hiện tốt
công tác giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các cơ quan chức năng của Tỉnh phối hợp với
Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc đầu
tư phát triển, quản lý và vận hành Khu kinh tế Vân Đồn.
- Có giải pháp và xây dựng phương án huy động các nguồn
vốn, có giải pháp vừa đầu tư vừa khai thác từ quỹ đất để có nguồn thu, đầu tư
trở lại phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Khu kinh tế. Trước mắt
trong giai đoạn 2006 – 2010, cần xây dựng chính sách huy động, thu hút vốn đầu
tư thật cụ thể, hấp dẫn đến từng dự án, lĩnh vực đầu tư; trước hết là chính
sách huy động nguồn lực từ việc khai thác quỹ đất, thu hút vốn đầu tư từ mọi
thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài địa phương,
các nhà đầu tư nước ngoài.
- Nghiên cứu ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm
quyền ban hành (nếu vấn đề vượt quá thẩm quyền) các cơ chế, chính sách cụ thể
nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích, thu hút đầu
tư để bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh
tế - xã hội của Khu kinh tế Vân Đồn.
Điều 3. Giao các Bộ, ngành có
liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Khu kinh tế Vân Đồn; phối
hợp và hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn
trong việc lập, điều chỉnh, bổ sung các quy chế, đề án, quy hoạch nói trên và
trong việc nghiên cứu xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành
các cơ chế, chính sách cụ thể áp dụng tại Khu kinh tế Vân Đồn; đẩy nhanh việc đầu
tư, thực hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất vùng và quan trọng đối
với sự phát triển của Khu kinh tế Vân Đồn đã được quyết định đầu tư; nghiên cứu
xem xét, điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu
tư các công trình, dự án liên quan dự kiến sẽ được đầu tư tại Khu kinh tế Vân Đồn.
Điều 4. Quyết định này có hiệu
lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 5. các Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh Quảng Ninh và Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.