Quyết định 76/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Viện Khoa học xã hội Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 76/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 11/04/2005
Ngày có hiệu lực 05/05/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 76/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 76/2005/QĐ-TTG NGÀY 11 THÁNG 4 NĂM 2005 PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 26/2004/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học xã hội Việt Nam;
Theo đề nghị của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Viện Khoa học xã hội Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với những nội dung chính sau:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại, tri thức và kinh nghiệm của thế giới, dựa trên cơ sở tổng kết một cách toàn diện, sâu sắc và có hệ thống thực tiễn sinh động của đất nước trong quá trình phát triển để nghiên cứu và góp phần luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan tới sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước, con người và xã hội Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Phát triển Viện Khoa học xã hội Việt Nam gắn với phát triển toàn ngành khoa học và công nghệ nói chung, với phát triển lĩnh vực khoa học xã hội nói riêng trong phạm vi cả nước. Từng bước nâng cao năng lực, trình độ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu tổng hợp liên ngành, đa ngành của khoa học xã hội, giữa khoa học xã hội với các lĩnh vực khoa học và công nghệ khác, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với đào tạo và tư vấn chính sách phục vụ sự phát triển của đất nước, vùng và các địa phương.

3. Bảo đảm dân chủ, phát huy tự do sáng tạo trong nghiên cứu, đồng thời tăng cường trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức và cá nhân nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học xã hội của Viện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Từ nay đến năm 2020, xây dựng Viện Khoa học xã hội Việt Nam thành một trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo quốc gia mạnh, có uy tín cao trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng và phát triển nền khoa học xã hội Việt Nam có khả năng phát hiện, dự báo những xu hướng phát triển của Việt Nam và thế giới; luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam để đến năm 2020, đưa Việt Nam về cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo, phục vụ thiết thực công cuộc phát triển nhanh và bền vững đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

b) Tiếp tục kiện toàn, phát triển tổ chức theo Nghị định số 26/2004/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học xã hội Việt Nam; tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực của Viện Khoa học xã hội Việt Nam đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, bảo đảm về phẩm chất chính trị, trình độ và năng lực chuyên môn cao; đồng thời góp phần đáp ứng những yêu cầu mới về nguồn nhân lực trong sự phát triển của đất nước và của nền khoa học xã hội Việt Nam.

c) Từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất - kỹ thuật. Phấn đấu đến năm 2020, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của Viện Khoa học xã hội Việt Nam đạt trình độ của những nước tiên tiến trong khu vực.

III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CỦA QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

A. Về nghiên cứu khoa học

1. Tiếp tục làm rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

2. Nghiên cứu và dự báo xu hướng phát triển chủ yếu của thế giới và khu vực, những tác động nhiều mặt của quá trình toàn cầu hoá; nghiên cứu về chiến lược và chính sách của các nước lớn trong bối cảnh toàn cầu hoá và sự tác động đến nước ta; định rõ vị thế, bước đi và chính sách chủ động hội nhập của Việt Nam vào các thể chế kinh tế toàn cầu và khu vực. Nghiên cứu các lý thuyết và kinh nghiệm phát triển trên thế giới để tìm ra con đường phát triển phù hợp với điều kiện của đất nước, con người và xã hội Việt Nam.

3. Nghiên cứu bản chất, đặc điểm, nội dung của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và sự phát triển của kinh tế tri thức trong thế kỷ XXI và sự tác động của chúng đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Kết hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của khoa học xã hội với khoa học tự nhiên và công nghệ trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam.

4. Nghiên cứu bản chất, đặc điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và việc tạo lập đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam; nghiên cứu sự biến đổi của cơ cấu xã hội và quản lý sự phát triển xã hội ở Việt Nam trong điều kiện của nền kinh tế thị trường nhằm mục tiêu vừa tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo công bằng, thực hiện chính sách xã hội, tạo cơ hội phát triển cho mỗi thành viên và cho cả cộng đồng.

5. Nghiên cứu về đổi mới hệ thống chính trị, thực hiện và phát huy dân chủ, củng cố và nâng cao vai trò và vị trí cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam; đổi mới phương thức và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc tạo lập và phát triển đồng bộ thể chế kinh tế thị trường và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

6. Nghiên cứu những vấn đề cơ bản và cấp bách về xã hội, dân tộc, tôn giáo, lịch sử, văn hoá, ... nhằm đề xuất giải pháp cho việc bảo vệ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, làm thất bại âm mưu diễn biến hoà bình, bảo đảm ổn định xã hội và an ninh chính trị, tạo điều kiện phát triển toàn diện và bền vững cho mỗi dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng sự đa dạng văn hoá của các dân tộc.

7. Nghiên cứu cơ bản về phát triển toàn diện con người Việt Nam mang đậm tính nhân văn và các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa của văn hoá - văn minh nhân loại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

8. Tiến hành điều tra cơ bản, tổng hợp liên ngành về khoa học xã hội; chú trọng những lĩnh vực kinh tế - xã hội chủ yếu, những ngành, vùng kinh tế trọng điểm của đất nước nhằm tổng kết thực tiễn, làm cơ sở cho công tác nghiên cứu lý luận; phát hiện những tiềm năng, nguồn lực và mô hình mới nẩy sinh trong thực tiễn phục vụ cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và các ngành, vùng trọng điểm.

9. Nghiên cứu cơ bản, toàn diện, có hệ thống những vấn đề lý thuyết của khoa học xã hội và tư duy phát triển của Việt Nam dưới tác động của toàn cầu hoá và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phục vụ cho sự phát triển của đất nước và nền khoa học xã hội nước nhà.

[...]